Nghe có vẻ lạ phải không nhưng thực tế là vậy đó các bạn. Gia vị không phải cho vào thế nào cũng được mà nếu cho vào không đúng cách thì không chỉ kém ngon mà đôi khi hình thức món ăn cũng không đẹp mắt nữa. Áp dụng theo những cách nêm gia vị này một thời gian rồi bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt khi món ăn ngon hơn hẳn.
Bạn biết nêm sao cho đúng cách chứ?
Muối
(Ảnh: Internet)
Là một gia vị cơ bản, muối không thể thiếu khi chúng ta nêm nếm thức ăn. Ngoài công dụng tạo độ mặn cho món ăn, muối khi kết hợp với bột ngọt sẽ giúp món ăn thêm đậm đà. Cách nêm muối đúng đắn:
- Không ướp muối vào thực phẩm trước khi chế biến những món kho, chiên để không giảm độ ngọt của thực phẩm, đặc biệt là thịt, cá.
- Khi nấu canh, nên nấu một thời gian để chất ngọt từ thực phẩm như thịt, cá tiết ra hết rồi mới nêm muối vào.
- Khi luộc, sau khi nước sôi, cho muối vào một lát rồi mới cho rau củ, thịt vào để luộc. Như vậy thực phẩm sẽ không bị thâm đen.
Đường
(Ảnh: Internet)
Cũng như muối, đường cũng là một trong những gia vị cơ bản. Đường ngoài tạo độ ngọt còn giúp tăng hương vị cho món ăn. Tuy nhiên, nếu không biết cách nêm thì đôi khi món ăn lại kém ngon. Bạn nên nếm, ướp đường như sau:
- Với những món cần nước sốt, hòa tan đường vào trong nước sốt, khi món ăn gần chín sẽ đổ vào.
- Với món kho, khác với muối, bạn nên ướp đường trước cho thấm. Trong quá trình nấu có thể nêm thêm nếu thấy chưa vừa miệng.
- Với món canh, xào, nêm đường vào sau khi nêm muối để giữ được vị ngọt của thực phẩm.
- Để món ăn không quá ngọt, tránh nêm đường trực tiếp vào món ăn lúc gần chín.
Hạt nêm
(Ảnh: Internet)
Thời gian gần đây, hạt nêm được sử dụng khá nhiều. Khi nêm hạt nêm vào món ăn, bạn chỉ cần lưu ý 2 điểm:
- Đã nêm hạt nêm thì phải giảm lượng muối để món ăn không quá mặn.
- Không nêm hạt nêm vào khi thức ăn đã chín, nếu không món ăn sẽ nồng mùi thịt do hạt nêm chậm tan.
Bột ngọt
(Ảnh: Internet)
Bột ngọt có thể nêm vào bất kì thời điểm nào trong quá trình nấu ăn nhưng để ngon nhất, bạn nên lưu ý những điều quan trọng sau:
- Nên chia làm 2 lần nêm bột ngọt. Lần 1: ướp vào thực phẩm, lần 2: nêm vào lúc chế biến.
- Với những món nước như canh, súp, hầm, nên nêm lúc gần nhấc món ăn ra khỏi bếp để giúp điều chỉnh vị món ăn được hoàn chỉnh nhất.
- Không cho trực tiếp bột ngọt vào thực phẩm nguội vì bột ngọt hòa tan kém ở nhiệt độ thấp. Đối với món ăn đã nguội, bạn nên hòa tan bột ngọt vào nước ấm rồi mới trộn vào món ăn. Nhiệt độ thích hợp để hòa tan bột ngọt là khoảng 70 – 90 độ C.
- Không nên nêm bột ngọt vào các món ăn chua, có giấm bởi bột ngọt không dễ hòa tan trong môi trường axit.
- Không nên nêm bột ngọt vào thức ăn có vị ngọt tự nhiên như cà chua, tôm… vì sẽ làm mất vị ngọt tự nhiên của món ăn và gây vị khó chịu.
Nước mắm
(Ảnh: Internet)
Chị em nội trợ vẫn hay có thói quen ướp thịt vào nước mắm hay nêm thêm mắm vào trong lúc nấu nướng. Tuy nhiên, có những thói quen dùng nước mắm sai cách mà chúng ta không hề hay biết, từ đó làm giảm đi vị ngon của thực phẩm cũng như khiến nhiều chất dinh dưỡng bị tiêu hao đi.
- Không nên ướp thịt với nước mắm nếu không thịt sẽ bị khô và cứng. Thay vào đó, với những món xào hay kho, nên dùng các gia vị khác như bột canh, muối, đường… để ướp. Nước mắm chỉ nên cho vào khi nấu mà thôi.
- Với những món canh, chỉ nên nêm mắm vào khi canh đã gần chín, sắp nhấc khỏi bếp.
- Với món kho, nên kho thịt gần mềm với các loại gia vị khác rồi mới cho nước mắm vào, kho thêm một thời gian ngắn nữa, thịt không bị cứng và thơm ngon hơn.
- Có những món ăn nêm mắm nguyên chất khi nấu, nhưng có những món thì phải là nước mắm pha thêm tí đường hay hành tiêu.
Tiêu
Tiêu là loại gia vị nếu không ăn cay được thì thôi, còn đã ăn được thì ai cũng thích vì vị cay ấm đặc trưng. Tuy nhiên, với loại gia vị này, cách dùng đúng và tốt nhất là chỉ nêm tiêu vào khi món ăn đã chín, tắt bếp và dọn ra dùng để giữ được mùi, vị và những đặc tính lợi cho sức khỏe từ tiêu.
(Nguồn: Tổng hợp)