Không nói đến chuyện sưu tập đồng hồ vì nó chỉ dành cho những người lắm tiền nhiều của, còn các chị em công sở thì mỗi người cũng chỉ sắm cho mình vài chiếc để thay đổi theo trang phục, trước là để xem giờ giấc, và sau nữa là coi như đồ trang sức. Ấy thế mà mong muốn mua được chiếc đồng hồ hàng thật lại hơi xa vời vì vô số hàng nhái, hàng giả được tuồn từ bên kia biên giới về và được bán la liệt, bán một cách công khai.
Những người một là không có kinh nghiệm, hai là nhẹ dạ cả tin sẽ rất dễ mắc bẫy để rồi rơi vào tình huống "tiền mất, tật mang". Vậy đâu là cách để phân biệt đồng hồ thật giả chỉ bằng mắt thường? Dưới đây là một số mẹo nhỏ.
(Ảnh minh họa)
1. Hộp đựng và thẻ bảo hành
Không chỉ có đồng hồ mà bất kỳ sản phẩm chính hãng nào khác cũng đều đi kèm đầy đủ phụ kiện như hộp đựng, sổ hướng dẫn, quan trọng nhất là sổ bảo hành. Nếu chiếc đồng hồ bạn mua không có đầy đủ các phụ kiện trên, đồng nghĩa có thể đó là 1 sản phẩm nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một lưu ý nữa là thường người tiêu dùng rất ít chú ý đến tấm thẻ bảo hành. Tuy nhiên đôi khi tờ giấy này lại chính là thứ bằng chứng giúp chúng ta nhận diện được hàng thật hàng giả. Khi nhận đồng hồ, hãy ngay lập tức kiểm tra xem mã số in trên đồng hồ có trùng với mã số được in trong thẻ hay không. Nếu không khớp, chắc chắn là người mua đã bị lừa và khi muốn sửa chữa thì tấm thẻ hoàn toàn không có tác dụng.
(Ảnh minh họa)
2. Dây đeo đồng hồ
Đối với các sản phẩm dây kim loại thì trước tiên người mua hãy cầm mặt đồng hồ rồi lắc qua lắc lại để kiểm tra độ chắc chắn của dây. Nếu dây lỏng lẻo thì đó có thể là dấu hiệu của chiếc đồng hồ không đạt chuẩn. Tiếp nữa là khi gập 2 mắt dây liền nhau thì các khe giữa của mắt xích thường nham nhở, không đồng đều do quá trình mãi giũa quá ẩu.
Còn với đồng hồ dây da thì chi tiết dễ nhận biết nhất chính là đường chỉ may. Đồng hồ chính hãng thường có đường may thẳng - đều, ban đầu cầm cảm thấy dày, tương đối cứng và chắc chắn. Một chiếc đồng hồ với dây da quá mềm, mỏng, đường may xô lệch khả năng rất cao đó chỉ là 1 sản phẩm giả, nhái.
(Ảnh minh họa)
3. Mặt đồng hồ
Mặt số đồng hồ là bộ phận dễ quan sát nhất nhưng cũng khó làm giả nhất. Bởi mọi chi tiết trên mặt số đồng hồ chính hãng đều được trau chuốt tỉ mỉ và công phu đến độ hoàn hảo. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như chữ số và vạch số cũng được in khắc sắc nét, rõ ràng, không bị nhòe hay bóp méo. Cách đơn giản nhất để kiểm tra đó là tìm một tấm hình của đồng hồ chính hãng rồi mang ra so sánh cách chi tiết.
Kết quả là đồng hồ chính hãng sẽ có các chi tiết sắc nét, độ cân xứng đều đặn còn hàng fake thường chỉ khắc dập cẩu thả, thiếu ngay ngắn, dễ bong tróc.
Đối với đồng hồ chính hãng có mặt kính sapphire, ta có thể nhận biết loại kính này bằng một phương pháp đơn giản: nhỏ 1 giọt nước lên bề mặt kính và nghiêng đồng hồ. Nếu giọt nước bị chảy đi thì kính đồng hồ là kính thường, nếu giọt nước tụ lại một chỗ và không bị chảy thì đó là kính sapphire. Đây là mẹo nhỏ mà giới chơi đồng hồ hay kháo nhau. Tuy nhiên nó cũng không chính xác 100% cho nên nếu muốn kiểm tra chi tiết này thì phải nhờ đến máy đo độ cứng hoặc tìm gặp chuyên gia "xịn".
(Ảnh minh họa)
4. Mặt lưng đồng hồ
Phần đáy đồng hồ in một số thông số kĩ thuật cơ bản như: chất liệu vỏ, chất liệu kính, độ chịu nước, loại máy, model hoặc serial. Người mua cần kiểm tra xem những thông tin này có khớp với thông tin được đăng tải trên trang web chính thức của nhà sản xuất hay không. Ngoài ra, các con số phải được in với độ nông-sâu đồng đều, sắc nét và cân đối.
(Ảnh minh họa)
5. Chuyển động của kim đồng hồ
Việc này nghe có vẻ khó khăn với những người không am hiểu về đồng hồ nhưng thực tế thì nó cũng khá dễ thực hiện đấy. Với những chiếc đồng hồ hàng fake thì khi bạn đưa đồng hồ vào sát tai để nghe thì sẽ nghe tiếng kim giây chuyển động "tạch, tạch…" còn với những chiếc đồng hồ chính hãng thì bạn sẽ không nghe thấy điều đó vì bộ máy của nó chuyển động nhẹ và êm.
(Ảnh minh họa)
Thêm nữa, hãy quan sát thật kỹ, ở những đồng hồ chính hãng, kim giây bao giờ cũng chuyển động nhẹ nhàng, liền mạch như thể đang trôi đi. Đây là đặc điểm mà những chiếc đồng hồ giả không làm được. Kim giây ở đồng hồ giả thường sẽ nhảy bậc giống như kim phút hay kim giờ nhưng tất nhiên là sẽ với tần suất lớn hơn.
6. Nơi bán đồng hồ
Các chị em bây giờ hay mua hàng order từ nước ngoài về. Quy trình là sau khi xem hàng trên website, chị em chọn mẫu rồi nhờ một bộ phận những người bán hàng online đặt cho và ship về tận cửa. Chị em không biết chứ chính cách mua hàng này đôi khi cũng lại là lỗ hổng để hàng giả, hàng nhái trà trộn vào.
Tại sao ư? Vì rất có thể sau khi nhận order của khách, người bán không đặt hàng trên website chính hãng mà lại lấy hàng nhái để thế vào rồi sau đó chuyển đến cho khách như bình thường. Khách hàng thì cứ nghĩ là mình mua của người quen nên yên tâm 100% rồi cứ thế đeo trên người và nghĩ là mình đang dùng hàng xịn. Sự dối trá này nếu may mắn phát hiện ra thì tốt còn nếu không thì các chị em cũng cứ đinh ninh là hàng tốt thôi, vì người quen bán mà, lo gì.
Vì lẽ đó, lời khuyên được đưa ra là hãy tìm đến những cơ sở uy tín để mua đồng hồ để sau này còn hưởng những chế độ hậu mãi cũng như bảo hành cho sản phẩm mình đã bỏ tiền ra để "rước" về chứ!