Lời khuyên đầu tiên mà các bác sĩ da liễu cho tất cả mọi người chính là không nên nặn mụn vì chúng có thể để lại sẹo thâm, đồng thời những vi khuẩn bên trong nốt mụn có thể lây lan ra nhiều vùng xung quanh và khiến cho tình trạng mụn càng thêm tồi tệ, thậm chí là nhiễm trùng.

Nhưng những ai từng có mụn cũng phải đồng tình một chuyện là kiềm chế không sờ, nặn, bóp để loại bỏ mụn còn “khó hơn lên trời”. Chính vì thế, việc biết cách xử lí vết mụn sau khi nặn, để chúng không còn chảy nhiều máu, đồng thời sát trùng và làm sạch vết thương sẽ giúp cho da màu lành hơn, hạn chế vết thâm và nhiễm trùng.

Dùng oxy già

Lấy một miếng bông nhỏ thấm oxy già rồi ấn vào vết thương sẽ giúp bạn cầm máu rất nhanh. Lực nén sẽ giúp máu đông lại và oxy già có tác dụng tẩy sạch vi khuẩn còn sót lại trên da, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra những vùng khác.

Đá lạnh

Nhiệt độ thấp sẽ hạn chế việc máu lưu thông. Chính vì thế, khi vết mụn vừa nặn đang chảy máu, bạn cứ lấy một viên đá sạch hoặc túi giữ lạnh chườm vào vết thương, chừng 3-5 phút là thấy máu ngưng chảy ngay.

Chị em nặn mụn xong nhất định phải làm điều này để tránh nhiễm trùng và sẹo - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Astringent

Đây là một loại nước hoa hồng nhưng với thành phần nhiều cồn hơn nên sẽ có tác dụng làm se khít lỗ chân lông và hạn chế việc chảy máu rất tốt. Nếu không có sẵn nước hoa hồng, bạn có thể dùng tạm giấm trong nhà bếp. Dùng một miếng bông, thấm vào dung dịch rồi ấn vào vết mụn chảy máu, giữ như vậy khoảng vài phút là thấy đỡ hẳn.

Nước muối

Bôi nước muối vào vết thương hở sẽ mang lại cảm giác đau xót rất khó chịu, nhưng thực tế lại giúp cho vết thương cầm máu và lành lại nhanh hơn. Bạn có thể dùng loại nước muối mua ngoài tiệm thuốc, hoặc pha 1 muỗng cà phê muối với ¼ cốc nước ấm, dùng miếng bông thấm vào và lau, áp bông lên vết mụn đang chảy máu.

Gel lô hội

Đây là một nguyên liệu tự nhiên có khả năng làm lành và xoa dịu vết thương rất tuyệt vời. Dùng một chút gel lô hội, hoặc một miếng thịt lô hội tươi bôi lên vết mụn đang chảy máu sẽ giúp cho phần da xung quanh bớt đỏ và ngừng chảy máu. Có thể bôi thường xuyên lên vết thương để giúp nó mau lành hơn, giúp tránh để lại sẹo và hạn chế vết thâm.

Chị em nặn mụn xong nhất định phải làm điều này để tránh nhiễm trùng và sẹo - Ảnh 2.

Mật ong

Mật ong có khả năng làm giảm viêm đỏ một cách nhanh chóng đối với vết mụn vừa bị nặn ra. Tuy nhiên, mật ong sẽ không bị khô, nên sau khi bôi lên vết thương chừng 20-30 phút thì bạn nên rửa lại cho sạch.

Đường

Có thể dùng đường để cầm máu những vết thương nhỏ như mụn. Đường giúp làm sạch vết thương, đồng thời đẩy nhanh quá trình đông máu. Tuy nhiên, bạn không nên chà xát đường lên vết thương vì sẽ khiến nó tệ hơn. Bạn chỉ cần lấy một nhúm nhỏ đường trên đầu ngón tay, chấm và giữ nguyên trên nốt mụn một chút sẽ thấy đỡ ngay. 

Vaseline

Nhờ kết cấu dạng sáp, thoa Vaseline lên các vết đứt nhỏ sẽ giúp ngăn xuất huyết ngoài da và làm đông máu. Bạn có thể dùng son dưỡng môi thông thường nếu không có sẵn Vaseline.

Chị em nặn mụn xong nhất định phải làm điều này để tránh nhiễm trùng và sẹo - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Các bạn lưu ý nhé, khi nặn mụn nhất định phải nặn cho hết nhân bên trong nếu không muốn nó sẽ càng bị sưng to và nhiễm trùng sau đó. Da sau khi nặn mụn rất cần được chăm sóc kĩ lưỡng, tránh bôi các loại sản phẩm dưỡng da vào nốt mụn, vết thương đang hở. Vết mụn có thể trông sưng to hơn sau khi nặn nhưng bạn tuyệt đối đừng sờ nắn thêm vào, cứ để sang hôm sau sẽ thấy chúng xẹp xuống. Trong quá trình phục hồi của da, bạn nên uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, bôi kem chống nắng và che chắn tốt trước khi ra đường, bạn cũng có thể bôi kem trị sẹo để thúc đẩy nhanh quá trình lành vết thương, tránh để lại sẹo xấu.

(Tổng hợp)