Chào bác sĩ, em đang rất lo lắng, mong được bác sĩ tư vấn giúp em. Em mang thai được 10 tuần nhưng vì thai phát triển không tốt nên bác sĩ khuyên không nên giữ lại, nếu giữ lại em bé cũng không lớn thêm được. Em đã làm thủ tục hút thai nhưng vẫn còn rất lo lắng. Vì đây là lần đầu tiên mang thai nhưng lai phải bỏ nên em rất sợ những biến chứng sau khi hút thai. Bác sĩ cho em hỏi, liệu hút thai như vậy có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm không? Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn giúp em! (Bình Lan)
Trả lời:
Bạn Bình Lan thân mến!
Mang thai, sinh con là thiên chức của người phụ nữ. Nhưng vì nhiều lý do bất đắc dĩ mà người mẹ không thể sinh đứa con mình đã thụ thai, ví dụ như trường hợp của bạn. Thông thường, trong các lần kiểm tra thai kì, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe, sự phát triển của thai nhi. Nếu thai nhi phát triển không tốt, có nhiều nguy cơ dị tật hoặc có thể có khả năng bị đào thải... thì bác sĩ sẽ trao đổi với bố mẹ và tư vấn những trường hợp nên đình chỉ thai sẽ tốt hơn.
Trong trường hợp của bạn, chắc chắn bác sĩ đã thấy những nguy cơ không tốt cho em bé nếu giữ thai, vì vậy mới khuyên bạn nên đình chỉ thai (bỏ thai). Chắc chắn bạn sẽ rất buồn vì điều này nhưng hãy nghĩ rằng như vậy sẽ tốt hơn cho em bé vì nếu để cũng không có kết quả tốt hơn.
Tuổi thai của bạn vẫn còn nhỏ nên có thể thực hiện việc đình chỉ thai bằng thủ thuật hút thai. Bất kì thủ thuật đình chỉ thai nào cũng có thể gây ra biến chứng có hại cho sức khỏe người mẹ, bởi vậy, khi tiến hành những việc quan trọng này, bạn nên tới các bệnh viện chuyên khoa để được thực hiện, đảm bảo an toàn cao.
Những biến chứng sau khi nạo hút thai có thể xảy ra nếu bác sĩ thực hiện không có tay nghề vững, việc vô trùng các dụng cụ không thực hiện tốt dẫn đến nhiễm khuẩn trong buồng tử cung hoặc do chị em không giữ vệ sinh, kiêng khem cẩn thận sau khi làm thủ thuật. Nếu những khâu này được đảm bảo tốt thì bạn cũng có thể yên tâm hơn nhiều.
Một số biến chứng nguy hiểm mà người mẹ cần lưu ý sau khi nạo hút thai bao gồm:
- Xuất huyết: Xuất huyết có thể là hậu quả của tử cung xơ hóa, rối loạn đông máu hoặc hút thai không trọn. Xuất huyết mà không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
- Thủng tử cung: Thủng tử cung có thể xảy ra trong trường hợp nong cổ tử cung hoặc khi hút thai. Trong quá trình nạo hút thai cũng có thể dẫn tới thủng ruột. Để biết chính xác mức độ thủng thế nào, bác sĩ sẽ cần phải siêu âm và nội soi cẩn thận.
- Sót nhau: Nếu bị sót nhau thì ca phẫu thuật bỏ thai đó là chưa thành công. Trường hợp bị sót nhau sẽ gây ra rong huyết, tử cung không co lại. Có thể phát hiện sót nhau qua siêu âm và phải can thiệp kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng thường là hậu quả do khâu kỹ thuật vô trùng không cẩn thận. Các biến chứng nhiễm trùng có thể có những dấu hiệu ra bên ngoài như sốt, tử cung nhạy cảm đau...
- Vô sinh: Nhiễm trùng sau khi phá thai có khả năng dẫn đến tắc nghẽn vòi trứng hai bên hoặc gây ra thai ngoài tử cung. Ngoài ra, sau nạo hút thai, nguy cơ dính buồng tử cung có tỷ lệ thường gặp cao hơn so với hút thai.
Nếu là người chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn sẽ khó phát hiện ra những bất thường sau khi hút thai. Vì vậy, bạn cần tái khám đúng chỉ dẫn của bác sĩ để biết việc hút thai đã thực hiện tốt hay không, có còn bị sót thai hay gây ra ảnh hưởng nào không. Ngoài ra, nếu bạn thấy một số triệu chứng khác thường như: Ra máu nhiều quá 10 ngày, bị sốt, đau bụng, đau lưng trầm trọng, uống thuốc giảm đau cũng không giảm... thì cần đi khám lại ngay lập tức.
Hiện tại, bạn nên ổn định lại tâm lý và sức khỏe của mình để có thể phối hợp tốt với bác sĩ trong lúc làm thủ thuật, như vậy sẽ đảm bảo an toàn hơn cho sức khỏe cũng như tính mạng của bạn.
Chúc bạn khỏe!
Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:[email protected]. |