Người lạc quan thì cho rằng hoạ hoằn lắm mới có một vài cảnh đời éo le khi vớ phải ông chồng vũ phu tệ bạc. Nhưng đâu phải chỉ khi chồng vũ phu và tệ bạc thì phụ nữ mới rơi vào bể khổ?

Đôi khi chính từ lời ăn tiếng nói và nếp suy nghĩ hằng ngày từ các đức ông chồng cũng vô tình làm tổn thương người vợ đầu ấp tay gối của mình. Dưới đây là một vài ví dụ điển hình:

1. "Cứ làm như mỗi mình phải đẻ mà kêu đau!"

Trái ngọt của tình yêu chính là sự xuất hiện của các thiên thần bé nhỏ. Khi các thiên thần này xuất hiện, vợ vui chồng vui, ông bà nội ngoại đều mừng rỡ. Nhưng đau thì vợ đau nhiều chứ chồng thấu được bao nhiêu?

Là cảnh nghén ngẩm ăn không ngon ngủ chẳng yên. Là bụng ngày một lớn và nặng dần theo sự phát triển của con. Là da rạn, là mụn nổi, là sạm đen, là tăng cân vùn vụt.

Nhiều ông chồng có con thì vẫn thích nhưng thấy vợ xấu liền chê bai dè bỉu. Có người còn so sánh với vợ nhà người ta eo thon dáng đẹp. Có người còn ỉ ôi kêu gì kêu suốt thế, cả thế giới người ta đẻ chứ có phải mình vợ đẻ đâu mà kêu?

Chỉ khi nào đàn ông thử làm vợ, sống cảnh ở rể thì mới hiểu thấu làm phụ nữ là khổ sở trăm bề - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Nhưng cũng chính những ông chồng đó, khi uống bia rượu nhiều một chút, nhìn xuống bụng mình cũng lắc đầu ngán ngẩm và đi ra đi vào đều than nặng nhọc. Chính những ông chồng đó đi làm về đưa tiền cho vợ chi tiêu thì thấy khó khăn, cảm giác như vợ mình "ăn bám" và "bóc lột", trong khi vợ ở nhà công lên việc xuống toàn những việc vặt không tên thì không hỏi han được câu nào, không san sẻ được chút nào cùng vợ.

Suy cho cùng, sinh con là thiên chức của người phụ nữ, nhưng như thế không có nghĩa là họ không đau đớn, không mệt mỏi, không cần sự động viên quan tâm từ chồng. Con là con chung, khi sinh ra được lấy họ nhà chồng, nhưng người mang nặng đẻ đau lại là người phụ nữ. Thử hỏi, họ chưa đủ thiệt thòi hay sao mà còn vô tâm với họ?

Đừng bao giờ nói với vợ "chỉ là chửa thôi mà, thiên hạ người ta chửa đầy". Đồng ý rằng ai rồi cũng sinh con đẻ cái, nhưng người phụ nữ hạnh phúc là khi nhận được sự quan tâm từ chồng và gia đình. Cũng đã có không ít những trường hợp trầm cảm sau sinh, lúc vợ rơi vào tình cảnh bấy giờ thì e có hối cũng không kịp nữa.

2. "Làm dâu thì có gì đâu mà khó!"

Những ông chồng chắc nịch với vợ câu trên thì hẳn là 100% không bao giờ chịu ở rể. Bởi những ai ở rể rồi mới thấm thía cái câu "chó chui gầm chạn" là thế nào. Người tế nhị người ta đối đãi với con rể như khách, với dâu như con. Nhưng gặp người không tế nhị thì họ cũng coi dâu rể chẳng khác nào người dưng nước lã.

Chỉ khi nào đàn ông thử làm vợ, sống cảnh ở rể thì mới hiểu thấu làm phụ nữ là khổ sở trăm bề - Ảnh 2.

Nếu các anh đàn ông thấy thoải mái dễ chịu trong chính ngôi nhà mình, thì hãy hiểu đơn giản rằng ngôi nhà ấy đã nuôi dưỡng anh hơn hai mươi năm. Cha mẹ, anh chị em gắn bó với anh hơn hai mươi năm. Còn vợ anh là người từ xa tới, rời xa vòng tay yêu thuơng của cha mẹ mình để chăm sóc phụ dưỡng cho cha mẹ chồng.

Yêu cầu cô ấy không cảm thấy xa lạ, không dễ bề tủi thân thì e rằng hơi khó. Bởi vốn dĩ với cô gái ấy, những người thân của chồng cũng chỉ là những người dưng xa lạ mà cô ấy quen thông qua chồng. Vì yêu nên đến, vì yêu nên ở lại, vì yêu nên gắn bó. Nếu người ở giữa làm chiếc cầu nối ấy không thể giúp cho mối quan hệ của cô ấy và gia đình mình tốt đẹp hơn, thì cũng hãy đừng cho nó tệ hơn đi.

Hãy đặt địa vị của mình vào người làm vợ, để biết rằng cô ấy cần được thấu hiểu và cảm thông như thế nào. Đừng chỉ xơi xơi rằng làm dâu quá dễ, vội buông lời chê bai trách móc cô ấy thế nọ thế kia. Trước khi chỉ trích vợ mình, hãy xem đã thấu tình đạt lý đôi bên chưa đã.

3. "Đàn ông nấu cơm rửa chén là đàn ông sợ vợ, mà sợ vợ thì là hèn!"

Có nhiều người kỳ lạ lắm. Yêu vợ, thuương vợ nhưng lại sợ bị thiên hạ dèm pha là sợ vợ. Trước mặt bàn dân thiên hạ nhất định phải quát nạt vợ để tỏ rõ oai nghiêm. Nhà có khách khứa là trăm lần như một chỉ ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón, việc lớn việc bé để đấy vợ làm. Vợ càng đảm chồng càng hãnh diện, và đương nhiên là càng lười.

Đối với một số người đàn ông, họ cho rằng việc cơm nước bếp núc và chén bát là của phụ nữ. Họ nghiễm nhiên mặc định mình chỉ cần lao ra đường tám giờ một ngày và cuối tháng về đưa tiền cho vợ là hoàn thành trách nhiệm. Còn cơm đã cắm chưa, thức ăn đã nóng bếp chưa, nhà cửa đã gọn gàng sạch đẹp chưa... họ mặc kệ không cần biết.

Chỉ khi nào đàn ông thử làm vợ, sống cảnh ở rể thì mới hiểu thấu làm phụ nữ là khổ sở trăm bề - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Nhiều khi có bạn qua nhà, vợ nhờ rửa giúp cái bát hay cầm chổi phẩy qua cái nhà thì cằn nhằn hơn thua. Thấy bạn cười bèn giật mình thon thót sợ người ta nghĩ là mình sợ vợ.

Nhưng mà ơ hay, vợ là vợ của mình, là mẹ của con mình, sợ quái gì mà không sợ? Sợ cũng là sợ vợ mình cứ có phải sợ vợ ông hàng xóm đâu, việc quái gì mà không sợ?

Thực ra, trong một cuộc hôn nhân vuông tròn, không ai mong muốn đối phương phải sợ mình cả. Có chăng là nể, là thương và yêu nên mới vì mình mà thay đổi. Người ta sống với nhau cũng cốt chỉ là để yêu thuương nhau mà thôi, lửa yêu có còn thì cuộc tình mới dài lâu. Còn cái từ "sợ" chẳng qua là người ngoài thích nói cho vui mồm, người trong nghe được tâm cứ vững, lòng dạ cứ dửng dưng thì chẳng việc gì cả.

Mang cái tiếng sợ vợ mà cửa nhà êm ấm, vợ chồng yêu thuương nhau, con cái ngoan ngoãn nghe lời, thì cá rằng ối anh đàn ông cũng muốn được sợ vợ như thế đấy!