Sáng nay, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Unesco đã tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 – 2020.

Chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với phụ huynh có con học phổ thông - Ảnh 1.

Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 10 năm qua, giáo dục Việt Nam từ mầm non đến đại học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Đối với giáo dục mầm non, Việt Nam đã hoàn thành giáo dục phổ cập mầm non 5 tuổi từ năm 2017. Tỷ lệ trẻ được đến trường ngày càng tăng.

Đối với giáo dục tiểu học và phổ thông, đánh giá PISA của OECD (các nước phát triển) cho thấy, Việt Nam đã đạt được kết quả cao.

Ở giáo dục đại học, tỷ lệ sinh viên nhập học ngày càng tăng. 10 năm gần đây, Việt Nam đã có trường lọt top trong các bảng xếp hạng thế giới. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn bị bỏ rất xa.

Công bố quốc tế đã có sự phát triển nhảy vọt về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

Phân tích riêng về vấn đề tài chính, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước, thấp hơn so với mức 20% được đề ra.

Đầu tư cho giáo dục cao tương đương 4,9% GDP cả nước, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, do hệ thống phân quyền quản lý cho địa phương, Bộ GD&ĐT gặp nhiều thách thức trong việc quản lý nguồn lực và chi ngân sách nhà nước cho giáo dục tại địa phương. Bộ GD&ĐT chỉ quản lý 50 trong tổng số 42.000 cơ sở giáo dục trên toàn quốc (từ mầm non đến đại học), chiếm 5% tổng ngân sách chi cho giáo dục năm 2017.

GS Lê Anh Vinh cũng chia sẻ chi ngân sách bình quân trên mỗi học sinh mầm non và phổ thông tương đối đồng đều. Tuy nhiên chi ngân sách bình quân trên mỗi sinh viên ở bậc đại học còn thấp so với quốc tế.

Tỷ lệ học sinh, sinh viên được miễn học phí ở bậc THCS và THPT, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học còn thấp.

Tính trung bình gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh (mầm non, tiểu học, phổ thông) đi học. Đóng góp của gia đình có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông. Đối với tiểu học là 32%; THCS là 42% và THPT là 43%.

Chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với phụ huynh có con học phổ thông - Ảnh 2.

Nguồn: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Báo cáo nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng chỉ ra rằng vốn ODA cho Việt Nam giảm dần từ khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2015, tổng vốn ODA giảm nhanh. Tuy nhiên vốn ODA cho phát triển giáo dục và đào tạo lại tương đối ổn định, khoảng 130 triệu USD mỗi năm (theo số liệu của OECD), chủ yếu cho học bổng ở bậc đại học, giáo dục nghề nghiệp.