Đó là trường hợp của bệnh nhân B.V.M. (52 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội). Bệnh nhân M. khi vào Khoa Truyền nhiễm (BV Đa khoa Đức Giang) trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nói khó, vết thương bàn tay phải kích thước 1cm x 1cm, đau sưng nề, chảy mủ, hàm cứng, khó há miệng…
Bệnh nhân B.V.M bị uốn ván, cứng hàm sau khi bị dằm đâm vào tay.
Theo chia sẻ của người bệnh, trước khi nhập viện khoảng 10 ngày có bị một dằm cây tre mục đâm vào lòng bàn tay, do vết thương nhỏ nên người bệnh chủ quan, không quan tâm.
Khi vết thương sưng tấy, ông M. được người nhà mua kháng sinh cho uống và thấy đỡ hơn. "Hai ngày trước vào viện tôi có biểu hiện cứng hàm, khó há miệng, nuốt khó, cứng gáy. Gia đình đưa đi khám thì được chẩn đoán viêm khớp thái dương hàm, sau đó chuyển vào BV Đức Giang điều trị", bệnh nhân M. chia sẻ.
Tại BV Đa khoa Đức Giang, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận, bị uốn ván, đồng thời yêu cầu nhập viện điều trị nội trú. Sau khoảng 10 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, mở được miệng, không có cơn giật.
BS Lê Xuân Sơn – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, khi điều trị cho bệnh nhân phải đảm bảo yên tĩnh, tránh bị kích thích, điều trị bằng cách dùng kháng sinh tiêu diệt trực khuẩn uốn ván, đồng thời khống chế co cứng cơ, co giật, và các rối loạn thần kinh thực vật…
Chỉ một vết thương nhỏ ở tay nhưng lại tiềm ẩn biết bao nguy hiểm kề cận nếu người bệnh chủ quan.
Theo BS Lê Xuân Sơn, hiện nay uốn ván là bệnh hiếm gặp, khi người bệnh được phát hiện ra bệnh đều đã ở thể nặng. Tính tại khoa Truyền nhiễm (BV Đức Giang), từ tháng 3/2017 đến tháng 7/2018 đã có 3 bệnh nhân mắc uốn ván được phát hiện và điều trị khỏi hoàn toàn.
Thời gian điều trị thường kéo dài, diễn biến bệnh thường phức tạp nên tiên lượng tử vong khi mắc uốn ván thường có tỷ lệ cao. Giai đoạn đầu khi mắc bệnh, thường rất dễ nhầm với các bệnh lý về hàm mặt.
Theo đó, triệu chứng lâm sàng đầu tiên của bệnh thường là cứng hàm, khó há miệng mà không do chấn thương, không có sưng nề nóng đỏ hay sốt cao mà chỉ đơn thuần bệnh nhân cảm thấy khó há miệng, khó nuốt, nói khó.
Giai đoạn đầu bệnh nhân chưa xuất hiện cơn co giật hay tăng trương lực cơ toàn thân, vì vậy bệnh nhân dễ bị đưa nhầm vào các khoa chấn thương chỉnh hình hoặc khoa răng hàm mặt với chẩn đoán viêm khớp, trật khớp …
BS Sơn cho biết, tuy bệnh ít gặp và khó điều trị, nhưng theo BS Sơn, uốn ván hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng việc xử trí vết thương đúng cách, tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng độc tố uốn ván