Bạo lực học đường từ lâu đã là vấn đề nhức nhối ở bất cứ quốc gia nào. Nó là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí, đạo lí, xúc phạm trấn áp danh dự, nhân phẩm của người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.

Không cần là nạn nhân trải nghiệm trực tiếp, chỉ cần xem những bộ phim phản ảnh tình trạng bạo lực học đường thôi cũng đủ để ta "lạnh gáy". Tuy nhiên, điều đáng nói là cứ nghĩ cảnh bạo lực học đường trên phim đã quá khủng khiếp rồi, ấy thế mà đôi khi ngoài đời thực còn đáng sợ hơn thế gấp trăm nghìn lần.

01

"Thế giới của tôi chỉ toàn một màu đen"

Sau nhiều năm, tôi vẫn không thể nào quên được ngày hôm đó...

Đó là một ngày mưa phùn ảm đạm, bầu trời xám xịt và nó dường như sẵn sàng đổ sập xuống những làn mưa như trút nước bất cứ lúc nào. Đây là cảnh tượng mà một cô bé sáu, bảy tuổi như tôi phải sợ hãi. Tôi muốn bỏ qua, buông xuôi. Bầu trời trong tôi sụp đổ.

Ngay kể cả khi tên tôi là Green, dịch ra đại khái có nghĩa mà "màu xanh lá" - một màu sắc tươi sáng và tràn đầy sức sống, nhưng tôi thấy cuộc đời trái ngược hoàn toàn so với ý nghĩa của cái tên mà cha mẹ đặt cho tôi, cuộc đời tôi được tạo nên từ hai gam màu đen và xám. Chỉ vậy thôi!

Tôi đặc biệt đến mức khác biệt trong cả tên gọi, ngoại hình và tính cách. Tôi có mái tóc rất ngắn và trông giống như một cậu bé gầy gò hơn là một cô bé "tươi sáng" và "tràn đầy sức sống". Vào ngày đầu tiên học lớp 1, mỗi lần cô giáo gọi tên tôi - "Green" là cả lớp lại cười ồ lên. Đã thế mỗi lần vào nhà vệ sinh nữ, những đứa con gái khác sẽ hét lên và nói rằng với tôi rằng: "Mày là con trai, vào nhà vệ sinh nữ làm gì?".

Vốn nhút nhát, tôi không biết cách tự bảo vệ mình. Vậy là cả ngày đầu tiên đi học đó, tôi không dám đi vệ sinh. Tuy nhiên, vào cuối ngày, vì không thể chịu đựng được nữa nên tôi đã... tè ra quần, làm ướt sàn nhà của lớp học. Vài giây đó dài như cả thế kỷ, tất cả những gì tôi nhớ là các bạn trong lớp đã nhìn tôi và cười cợt.

Bạo lực học đường  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đó là thế giới của riêng tôi, sụp đổ, không phải màu xanh của cây lá mà chỉ toàn một màu đen- kể từ hôm đó và những ngày sau đó. Cứ thế, những đứa trẻ trong lớp liên tục chế giễu tôi bằng cách bắt chước giọng nói, nhéo má và đôi khi lấy đồ của tôi mà không cần hỏi han, xin phép.

Vượt quá giới hạn của mình nên tôi đã tìm đến sự giúp đỡ từ giáo viên chủ nhiệm, nhưng cô thậm chí còn chẳng nghe tôi giải thích mà chỉ bảo: "Hãy trông giống con gái và để tóc dài hơn đi thì các bạn sẽ không trêu em nữa".

Nỗi ám ảnh về ngày hôm đó vẫn theo tôi mãi cho đến tận bây giờ, mỗi lần đi vệ sinh tại nơi công cộng, tôi phải canh cho đến khi không có ai tôi mới dám vào. Vì tôi sợ mọi người xung quanh sẽ nhìn, chế giễu tôi và nói: "Mày là một đứa dị hợm. Mày là một đứa tè dầm".

02

"Tôi bị nhấn đầu xuống nước đến mức không thể thở"

Nhìn tôi ở thời điểm hiện tại, ai cũng phải khiếp sợ bởi cơ bắp cuồn cuộn, thân hình cao lớn, đôi mắt dữ dằn và toàn thân được xăm chằng chịt đủ hình dạng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được rằng, hồi cấp 3 tôi đã bị bạo lực học đường khủng khiếp...

Hồi đó tôi béo lắm, là một chàng "ú" đúng hiệu. Tôi lê những bước chân đầy mệt nhọc, tôi ăn nhiều gấp 3 người ta. Trong một lần chơi bóng cùng với đám con trai trong lớp, hôm đó là trận giao hữu giữa lớp tôi với lớp kế bên thì phải, bất đắc dĩ lắm chúng mới để tôi vào chơi với vai trò thủ môn. Nhưng với thân hình nặng nề của mình, tôi đã không thể cản được những cú sút bóng "tử thần" của bọn con trai lớp bên và kết quả là lớp tôi bị thủng lưới tới... 4 bàn.

Kể từ lúc đó, bọn con trai sinh ra ghét tôi. Chúng thường xuyên tấn công tôi bằng những ngôn từ mạt sát nghe đau đớn đến thấu tim. Thậm chí, tôi phải trải qua không ít nỗi ám ảnh khi phải liên tục chịu đựng những trò bắt nạt từ câu lạc bộ "ghét thằng béo".

Những đứa con trai đó rất to con và cực kỳ ghê gớm, luôn bám dai dẳng khiến tôi "phát điên". Chúng bày trò và nhốt tôi trong nhà vệ sinh. Tôi thậm chí đã đập cửa liên tục cho tới khi tay sưng tấy hết cả lên nhưng không một ai đến giúp cả. Tôi đã ngồi ở đó suốt một giờ đồng hồ và cuối cùng cũng có một người bước vào đó và phát hiện ra tôi bị nhốt.

"Chỉ vì có đôi giày giống 'chị đại' trong lớp, tôi bị cả nhóm lao vào đánh, cào cấu, xâu xé rồi tung clip lên mạng" - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Kinh hoàng nhất là đã có lúc, tôi bị nhấn đầu xuống nước tưởng chừng không thể thở được nữa. Kể từ đó, tôi đã bị ám ảnh tâm lý nặng trong một thời gian dài, trở nên sợ nước và suy nhược cơ thể. Mọi việc chỉ dừng lại khi bố mẹ quyết định chuyển trường cho tôi.

Hiện tại, tôi muốn mình trở nên thật dữ dằn để che dấu sự yếu đuối, những tổn thương trong tôi. Tôi từng bị bạo lực thế đấy...

03

"Tôi bị bắt nạt chỉ vì một đôi giày"

Khi vào lớp sáu được một vài tháng, mẹ có sắm cho tôi một đôi giày thể thao mới toanh màu trắng cực trendy. Và tôi vô cùng yêu nó. Tôi háo hức được mang nó đến lớp học nhưng chẳng hiểu sao, một đứa được coi là "chị đại" trong lớp tình cờ cũng sở hữu đôi giày giống tôi. Và cứ thế, một nhóm con gái là "đàn em" của nó bắt đầu xúm lại bắt nạt tôi, chỉ vì một đôi giày...

Tôi rất sợ việc xô xát, và cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là nạn nhân của bạo lực học đường cả, ấy thế mà chỉ vì một đôi giày mà tôi thường xuyên nghe những lời xỉa xói khó nghe.

Sau một thời gian dài bạo lực tinh thần, chúng nó quyết định chuyển hướng sang bạo lực thể chất. Vào một giờ ra chơi giữa mùa hè oi ả, chúng hẹn tôi ra sau trường. Vì quá sợ hãi nên tôi đành phải nghe theo, nói được 2-3 câu thì bọn chúng xông vào đánh tôi, cào cấu rồi xâu xé. Chúng còn quay video lại và chỉ sau một ngày kể từ sự vụ đó, clip tôi bị đánh đã lan truyền khắp nơi.

Tâm lý của tôi bị hoảng loạn, tôi sợ bất cứ thứ gì, sợ tiếng động dù là nhỏ nhất, sợ đến trường, sợ cả đôi giày mà tôi đang đi. Tôi gào thét trong vô vọng, rồi cắt đứt đôi giày tôi từng yêu vô cùng kia đi, nát tươm...

Bạo lực học đường  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Mẹ tôi nhìn thấy như vậy chỉ ôm tôi và khóc, đúng hơn thì tôi với mẹ cùng khóc. Hôm sau, mẹ đến trường gặp những kẻ đã bắt nạt tôi và yêu cầu nhà trường phải xử lý nghiêm, thế là chúng nó bị chuyển trường.

Sự việc đã trôi qua được gần 5 năm, những mỗi lần đi mua giày, tôi đều lướt qua những đôi giày có màu trắng - đen, dù nó chỉ có một chút màu trắng - đen và đẹp mĩ mãn thì tôi cũng không muốn. Chẳng hiểu sao?

Kết

Dù đã được lên án từ lâu, nhưng bạo lực học đường hiện nay vẫn là vấn đề nổi cộm. Những nạn nhân bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Hãy nhớ rằng, việc có những hành vi làm tổn thương người khác cả về thể chất lẫn tinh thần là điều không thể chấp nhận!