Tôi và chồng đều là công nhân viên chức, công việc khá ổn với 8h sáng đi và 5h chiều trở về nhà. Cũng chính vì công việc ổn định nên hai vợ chồng tôi đều nhủ với nhau cần cố gắng hơn để giữ được công việc này càng dài càng tốt.
Chỉ ngặt nỗi sau khi sinh con, nhà tôi neo người nên việc sau 6 tháng nghỉ sinh tôi phải đi làm lại bình thường trở thành bài toán khó. Tôi không thể kéo dài thời gian xin nghỉ thai sản vì quy định của cơ quan đã khá rõ ràng. Chồng tôi lại càng không thể thay tôi chăm con mà bỏ việc được.
Giữa lúc ấy, mẹ chồng tôi ngỏ ý đóng cửa nhà ở quê để lên trông cháu vì cho rằng hai vợ chồng đi làm phải gửi cháu đi lớp trông trẻ từ sớm là rất thiệt, bà không yên tâm. Thoạt nghe ý kiến của mẹ chồng, cả hai vợ chồng chúng tôi vui mừng lắm.
Chỉ sợ nhờ bà mà bà không lên, chứ bà lên trông nom cháu giúp thì còn gì bằng. Dù sao thuê mướn người ngoài vẫn không thể bằng người thân ruột thịt trong gia đình, huống hồ bé nhà tôi lại là cháu "đít nhôm" của bà.
(Ảnh minh họa)
Rồi cũng đến ngày tôi đi làm lại, mọi chuyện trước khi đi làm từ ăn uống và vệ sinh của bé tôi đều bàn giao lại cho mẹ chồng. Mẹ chồng tôi là người nhà quê thật, nhưng bà lại khá tân tiến và không ép uổng con dâu cách trông cháu hoặc chăm cháu như những bà mẹ chồng khác. Tôi coi đây là một tín hiệu đáng mừng và nghĩ nếu cuộc đời mình cứ thế thì viên mãn quá còn gì.
Nhưng chuyện chẳng ai ngờ, mẹ chồng tôi vốn hiền lành tốt tính, lại thật thà chất phác nên bà hay có cái tật người ta nói gì tin nấy. Thậm chí có những chuyện người ta chỉ đùa bâng quơ để có câu chuyện làm quà thôi mà bà cũng tin sái cổ. Về phần này, vợ chồng tôi nhiều khi cũng lo lắng nên căn dặn bà tất cả mọi thứ có thể.
Mặc dù dặn dò kỹ tới đâu, chúng tôi cũng không thể ngờ được có những chuyện tai hại vẫn có thể xảy ra. Ấy là khi mẹ chồng tôi bế con trai tôi qua nhà hàng xóm để bà cháu thay đổi không khí, đỡ loanh quanh trong nhà sẽ ngột ngạt. Khi thấy con trai tôi nô nghịch, người hàng xóm này vui miệng phán một câu:
"Thằng cháu nhà bà kháu quá nhỉ, trộm vía. Có nốt ruồi ở ngay chỗ yết hầu thế kia thì sau giàu phải biết. Chả biết sau này nhớn tướng có nhớ đến bà nội kìn kĩn trông nom không nhỉ?"
(Ảnh minh họa)
Câu đùa chỉ đơn giản có thể mà mẹ chồng tôi vào đầu ngay. Về nhà bà cũng thuật lại câu chuyện, vợ chồng tôi xuề xòa cười với bà, cho rằng bà nghe cho vui thôi chứ đừng để trong bụng. Trẻ con cơ thể còn chưa phát triển hết, những nốt ruồi trên cơ thể không nói lên điều gì cả. Huống hồ bà là bà nội nó, sau này nó không yêu thương phụng dưỡng bà thì còn ai vào đây.
Mẹ chồng tôi cũng ừ hữ, chúng tôi cứ ngỡ chuyện đến thế là xong. Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, con tôi cũng được 1 tuổi. Bà nằng nặc nói với chồng tôi để bà mang cháu về quê nuôi cho đỡ… tốn kém. Rồi bao nhiêu lý do nào là để mẹ thằng Tít còn sinh em bé nữa, để vợ chồng tôi nhẹ gánh đỡ phải quan tâm hay tốn kém nhiều.
Không biết mẹ chồng tôi nghĩ gì khi khăng khăng đòi bế cu Tít nhà tôi về quê, chứ vợ chồng tôi dù không giàu có thật, nhưng thu nhập cũng đủ để nuôi hai vợ chồng và hai bà cháu. Hơn nữa, con của chúng tôi mà chúng tôi không nuôi, không lo lắng săn sóc cho nó thì ai vào đây? Chưa bao giờ vợ chồng tôi than với bà rằng nuôi cu Tít tốn kém, vậy mà bà lại nói thế làm tôi sinh buồn.
Cuối tuần ấy, tôi cũng rảnh rỗi dẫn cu Tít qua nhà hàng xóm chơi, đúng cái nhà mà lần trước mẹ chồng tôi kể, vô tình người hàng xóm lại buột miệng:
"Ơ cái thằng cu này chưa đưa về quê với bà nội à? Này, bà ý bảo cục vàng của bà ý, bà ý đi đâu cũng tha nó theo đấy. Sướng nhỉ, được bà nội yêu thế sướng quá cơ!"
Vừa nói người đàn bà vừa bẹo má cưng nựng con trai tôi, nhưng nghe đến đây đầu tôi như bốc hỏa. Hóa ra chỉ vì câu nói vô thưởng vô phạt về tương lai giàu có của con trai tôi mà mẹ chồng tôi khăng khăng đòi bắt cháu về quê ở với bà. Bây giờ thật tình tôi chẳng biết phải làm sao, cho con về quê với mẹ chồng thì không thể vì chẳng đành lòng…