Tiểu Trần (25 tuổi) bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ho và đau ngực khoảng 2 năm trước. Sau khi đến bệnh viện địa phương chụp CT, một bác sĩ tên Triệu đã phát hiện phổi bên phải của Tiểu Trần có một nốt mờ khoảng 1,5cm. Bởi vì Tiểu Trần còn trẻ, hình dạng của nốt mờ không giống với hình dạng ung thư phổi thông thường, do đó bác sĩ Triệu đã loại bỏ suy nghĩ Tiểu Trần mắc bệnh ung thư phổi, đồng thời chẩn đoán sai lầm là bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi.
Sau khi tiến hành điều trị, triệu chứng ho và đau ngực của Tiểu Trần có dấu hiệu thuyên giảm. Nhưng không ngờ, vào 3 tháng sau, triệu chứng ho và đau ngực của Tiểu Trần trở nên nghiêm trọng, Tiểu Trần đến bệnh viện tái khám, bác sĩ Triệu tiếp tục chụp CT cho bệnh nhân và phát hiện nốt mờ trong phổi không có biểu hiện rõ ràng, do đó bác sĩ Triệu tiếp tục điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị bệnh viêm phổi.
Sau nửa năm, bệnh tình của Tiểu Trần không có dấu hiệu thuyên giảm. Tiểu Trần quyết định chuyển viện và đến khám tại bệnh viện Sun Yat-sen University Affiliated Cancer Hospital. Bác sĩ Vương Tư, khoa ngoại lồng ngực, là người trực tiếp khám và chụp CT phổi cho Tiểu Trần, phát hiện từ khối u 1,5cm đã phát triển thành khối u 2cm.
Mặc dù khối u không lớn, nhưng tế bào ung thư đã xâm lấn vào hạch bạch huyết ở cả 2 phổi. Bác sĩ Vương Tư chẩn đoán Tiểu Trần mắc ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn cuối.
Cho dù Bác sĩ Vương Tư đã tận tâm cứu chữa, nhưng Tiểu Trần đã bỏ lỡ thời điểm vàng trong quá trình điều trị, cô đã mất vào nửa năm sau đó.
Bác sĩ Vương Tư cho biết: "Không chỉ người bình thường mà ngay cả bác sĩ đôi khi cũng nhầm lẫn, bởi đa phần mọi người đều nghĩ bệnh ung thư phổi là bệnh của người già. Khi điều trị bệnh cho một cô gái trẻ như Tiểu Trần, mặc dù nhìn thấy nốt mờ qua kết quả chụp CT, nhưng bác sĩ Triệu đã gạt bỏ suy nghĩ bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi".
Bác sĩ Vương Tư cũng cảnh báo thêm: "Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi hoặc bệnh lao phổi không nên kéo dài quá 3 tuần. Nếu trong vòng 3 tuần, triệu chứng của bệnh nhân không thuyên giảm thì chúng ta có thể nghĩ đến việc bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi.
Bệnh ung thư phổi đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là nữ giới, không hút thuốc, tuổi còn trẻ nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi vẫn chưa xác định rõ, có thể là do liên quan đến nồng độ estrogen trong cơ thể. Nồng độ estrogen càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh càng cao. Trường hợp của Tiểu Trần không hút thuốc, không phải là người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi, nhưng cô ấy vẫn mắc bệnh. Do đó, người không có yếu tố mắc bệnh càng phải lưu tâm đến thể trạng của mình. Kết quả khám lâm sàn cho thấy, đa số các trường hợp phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư phổi đều phát hiện vào giai đoạn cuối.
Nếu bệnh nhân phát hiện sớm bệnh ung thư phổi, thông qua phẫu thuật và hóa trị, khả năng sống sót 5 năm trở lên đạt 80%, 10 năm trở lên đạt 69%. Nếu bạn là phụ nữ trẻ, không phải trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bạn vẫn nên đến bệnh viện khám mỗi năm ít nhất 1 lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh".
Khi bạn phát hiện 8 dấu hiệu dưới đây hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và chẩn đoán bệnh kịp thời.
- Thở khó khăn, nặng nhọc
- Ho nhiều
- Đau tức ngực
- Sút cân một cách bất thường, không rõ nguyên nhân
- Đờm có lẫn máu
- Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp
- Dấu hiệu khác thường ở các mô vú
- Đau vai
Ung thư phổi được đánh giá là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm. Bệnh xuất phát từ các tế bào bị đột biến trong đường dẫn khí ở các mô phổi. Những tế bào này có tốc độ phát triển tương đối nhanh cho nên hướng điều trị bệnh phụ thuộc nhiều vào đặc tính của tế bào cũng như tốc độ di căn của bệnh.
Theo Sohu