Tôi tên Hạnh, đã kết hôn được hơn 20 năm, tôi và chồng có với nhau hai đứa con, con gái đầu và con trai út, hai đứa cách nhau 3 tuổi. Thế nhưng cũng chính vì khoảng cách 3 năm này mà khi ấy cuộc sống của tôi ở nhà chồng chẳng hề dễ chịu chút nào.

Hồi trẻ mẹ chồng tôi làm công nhân ở một nhà máy vải dệt. Cuộc đời bà tự hào nhất chính là chồng đảm nhiệm chức phó giám đốc nhà máy. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi lại rất khó tính. Bà và bố chồng tôi sinh được ba người con, chồng tôi là con cả, sau đó đến cô hai tên Tình và chú út tên Hải. Lúc tôi mới về nhà chồng thì cô hai đã kết hôn rồi, thế nhưng mỗi năm Tết đến chỉ có phụ nữ phải xuống bếp nấu nướng, còn đàn ông thì ngồi trên nhà đợi đến giờ cơm. 

Tôi vẫn còn đỡ, bởi dù sao tôi cũng sống cùng gia đình chồng, nấu cơm rửa bát vốn là công việc của tôi, còn cô thứ hai mới là người vất vả nhất. Vừa phải đi xe mấy tiếng đồng hồ mới về đến quê, đến nơi chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức đã bị giục vào bếp giúp đỡ nấu nướng, nhiều lúc tôi cảm thấy khá thương em chồng.

Cưới nhau được 2 năm thì tôi có thai, năm đó đón Tết không có ai giúp đỡ mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa, em Tình vừa về đến nhà liền vào bếp luôn, bận rộn cả buổi sáng giúp mẹ nấu cơm, lúc ăn cơm lại bị mẹ chồng tôi ra lệnh phải chuẩn bị tiền cho chú út đi lấy vợ. 

Cô hai muốn phản đối, thế nhưng mẹ chồng cũng mặt nặng mày nhẹ nói thẳng gia đình bây giờ đang không có tiền, vợ chồng tôi chuẩn bị có em bé, phải để tiền nuôi con, bố chồng tôi cũng sắp về hưu rồi, mỗi tháng chẳng được bao nhiêu tiền lương hưu cả, tất cả chỉ có thể trông cậy vào cô hai mà thôi. Chẳng cần nghĩ cũng biết, em Tình đành phải gật đầu đồng ý.

Sau đó là chuyện tôi sinh được một cô con gái đầu lòng.

Thời gian mang thai, địa vị trong nhà của tôi khá cao, mẹ chồng lúc thì hầm gà cho tôi tẩm bổ, lúc thì gắp thức ăn cho tôi, phải nói là cực kì quan tâm săn sóc. Thế nhưng sau khi cháu gái ra đời, bà trố mắt nhìn, thái độ thay đổi 180 độ ngay lập tức, bà thà mỗi ngày đến nhà máy làm việc chứ không chịu ở nhà giúp tôi chăm cháu. Lúc tôi ở cữ, mẹ chồng cũng chỉ chăm sóc qua loa lấy lệ, tôi chưa hết thời gian ở cữ, bà đã bắt vợ chồng tôi chuẩn bị sinh đứa thứ hai, cái cảm giác đó khó chịu không thể tả được.

Chỉ vì một quả trứng luộc mà bà nội nhốt cháu gái ngoài cửa, để rồi bị chính đứa cháu trai mình yêu thương tạt cho gáo nước lạnh (P1) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

3 năm sau chúng tôi mới sinh đứa thứ hai, lần này là một bé trai, mẹ chồng tôi vui như Tết, bố chồng cũng rất ưng ý, mọi thứ lại quay trở về như trước. Thế nhưng trẻ con lại có áp lực riêng của nó, cuộc sống cũng có những chuyện đau đầu mãi không giải quyết được.

Mẹ chồng tôi chăm sóc cháu trai rất kĩ càng, lúc nào về nhà trong túi cũng có đồ ăn vặt mang cho cháu trai, còn con gái tôi thì ngược lại, lúc nào cũng phải chịu đựng sự ghẻ lạnh của bà nội. Tôi nhiều lần nói chuyện riêng với mẹ chồng về vấn đề này, tôi muốn bà đừng quá thiên vị trước mặt lũ trẻ, nếu không thì rất dễ khiến chúng tổn thương. Thế nhưng mẹ chồng tôi coi như nước đổ lá khoai, từ đầu đến cuối trong mắt chỉ có cháu trai, mặc kệ cháu gái muốn thế nào thì thế đó. 

Có một lần tôi trở về nhà phát hiện của nhà khoá chặt, con gái tôi nghịch cát một mình ở trước cửa nhà, tôi cứ tưởng trong nhà không có ai, không ngờ mở cửa ra lại thấy mẹ chồng đang bế cháu trai ăn trứng gà xem tivi trong phòng. Tôi tức giận chất vấn bà tại sao lại khoá cháu gái ở ngoài cửa, mẹ chồng tôi dửng dưng nói tại cháu gái đòi ăn trứng gà nên đẩy ngã cháu trai xuống đất, đầu sưng một cục, thế nên mới nhốt nó ở ngoài cửa. Tôi càng nghĩ càng sợ, không biết con gái đã bị nhốt ở ngoài bao nhiêu lâu rồi, chẳng may gặp phải kẻ xấu thì hậu quả thật không dám lường. Lần đó tôi vì chuyện hai đứa trẻ con mà cãi nhau với mẹ chồng một trận rất to, cũng từ đó tôi bắt đầu lên kế hoạch chuyển ra ngoài ở riêng.

Chồng tôi cũng biết tính mẹ mình, không ít lần khuyên nhủ, thế nhưng mẹ chồng tôi cậy mình lớn tuổi, bỏ ngoài tai hết lời khuyên ngăn của con trai. Chúng tôi chẳng thay đổi được bà, chỉ đành thay đổi cuộc sống mình mà thôi. Chờ đến lúc con trai vào lớp 1, chúng tôi ngắm được một căn nhà gần trường học giá khoảng 1,5 tỷ, định bụng vay chút tiền để mua. Chúng tôi nói sẽ để tên cháu trai thừa kế căn nhà nên mẹ chồng tôi cũng không ngăn cản, bà còn giúp đỡ vợ chồng tôi về mặt kinh tế, nhờ vậy chúng tôi mới mua được nhà, sớm dọn vào để ổn định cuộc sống, cũng là để tránh bị sự phân biệt đối xử của mẹ chồng làm ảnh hưởng.

Sống yên ổn được vài năm, mẹ chồng tôi nghỉ hưu xong quyết định đến nhà chúng tôi sống. Ngoài mặt thì bà nói muốn giúp đỡ vợ chồng tôi trông cháu cho đỡ vất vả, thế nhưng sự thật là mẹ chồng tôi muốn chăm sóc cháu trai đích tôn.

Lúc đầu tôi kịch liệt phản đối, thế nhưng chồng tôi lại sợ mẹ buồn, cuối cùng tôi đành thoả hiệp để bà đến nhà chúng tôi. Không ngoài dự liệu, mẹ chồng tôi vẫn giống hệt trước đây, chỉ để ý chăm chút cháu trai, cháu gái thì mặc kệ. Nấu cơm xong bà sẽ gọi cháu trai ăn cơm đầu tiên, mặc dù ai cũng có phần, chẳng ai cướp đồ của nhau, nhưng mẹ chồng tôi vẫn để miếng ngon cho cháu trai ăn trước. Có những lúc tôi cảm thấy rất bất lực, không biết có nên phàn nàn với bà về chuyện đó hay không. 

Tôi nhớ có lần vào mùa hè năm con trai tôi học lớp 10, cũng là năm con gái tôi thi đại học, cả nhà tôi chuẩn bị một bữa tiệc nho nhỏ gọi là khích lệ, cổ vũ cho con bé, dù sao cũng vất vả học hành mười mấy năm, cũng đã đến lúc thu hoạch trái ngọt rồi, dù cho kết quả thi có ra sao đi nữa thì chúng tôi cũng sẽ ở bên cổ vũ con bé hết mình. Thế nhưng mẹ chồng tôi lại nói mát mẻ rằng:

“Bình thường chẳng chịu học hành chăm chỉ, đến lúc thi rồi mới lại hô hào cố gắng lên, con gái học xong đại học thì cũng phải gả chồng, tương lai kiểu gì cũng ở nhà chăm con mà thôi”.

Thực ra con gái tôi học không tốt lắm, lần này thi đại học chúng tôi trong lòng đều đã dự được trước, có thể sẽ không đỗ, không sao, thi được bao nhiêu điểm cũng được, sau này đi học một trường cao đẳng nào đó cũng tốt. Nhưng mẹ chồng tôi không giữ được cái miệng của mình, trước mặt bao nhiêu người bô bô ra điểm yếu của con gái tôi, khiến cho tất cả mọi người đều không vui vẻ gì. Kể cả sau đó bà có đến xin lỗi, thế nhưng cũng không thay đổi được sự khó chịu của mình.

(Còn tiếp)