NSƯT Trần Hoàng Yến và Phan Thái Bình (hai nghệ sĩ của Đoàn vũ kịch TP.HCM) là cặp đôi vàng của làng múa. Sau đám cưới, những tưởng sẽ là tháng ngày yên bình, hạnh phúc của tổ ấm nhỏ, nhưng lại là loạt thử thách ngoài sức tưởng tượng.

Là một diễn viên múa mạnh mẽ, quyết liệt trên sân khấu, vậy mà khi có con, Yến phải đối mặt hàng loạt triệu chứng tiền sản giật nặng, nguy cơ suy thận, suy tim, cao huyết áp, cả chứng trầm cảm sau sinh vì sợ hãi và tự trách chính mình...

Nhưng rồi sự bao dung, lặng lẽ cạnh bên, tinh tế chăm lo từng thứ nhỏ nhặt nhất của Bình đã giúp Yến dần bước ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng đó chưa phải là tất cả khó khăn bởi sau khi sinh, sức khỏe của Yến ngày một đi xuống, cho đến một lần buộc phải vào viện cấp cứu. 

"Những tháng ngày bầu bí nhưng rất vui vẻ, lạc quan. Đi khám định kỳ hàng tháng lúc nào cũng rất tốt, nên những chuyện sau đó ập đến quá nhanh như một cơn ác mộng. 1 ngày đẹp trời đang nấu ăn thì vợ mình chảy máu, lúc ấy mẹ Yến hoảng hốt gọi. Trên xe mẹ Yến không ngừng khóc và miệng liên tục nói "Pika ơi, mẹ xin lỗi, ở lại với mẹ nhé".

Đình chỉ thai kỳ là điều bác sĩ yêu cầu để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Mẹ Yến lúc vào phòng mổ còn chưa hiểu mình là ca tiền sản giật nặng. Mọi sự quan tâm và chăm sóc dường như dành hết cho Pika nhỏ xíu xiu. Nhưng sức khỏe của mẹ Yến âm thầm yếu đi mà không biết.

Hơn 1 năm sau, mẹ Yến có biểu hiện đau đầu dữ dội, huyết áp tăng cao bất thường đến nỗi giữa khuya phải gào khóc. Ngay đêm ấy đi cấp cứu. Dù không phải là căn bệnh đáng sợ nhất, vẫn còn cơ hội điều trị, nhưng nó cũng đến quá sốc và bất ngờ.

Ước mơ tỏa sáng của một diễn viên múa ballet bỗng vụt tắt, tuy vẫn có thể múa nhưng sẽ khó đảm bảo chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy nên tầm soát sau sinh thực sự rất quan trọng cho các mẹ gặp bệnh lý sau khi sinh em bé. Cố gắng thay đổi thói quen sống để mong cải thiện sức khỏe.

Ngày nào mở mắt cũng là tiếng máy đo huyết áp và uống thuốc từ sáng tới tối. Yến vẫn cố nở nụ cười nhưng trong lòng gục ngã rồi, cảm thấy vị trí diễn viên đỉnh cao đã dần rời xa mình, chưa biết khi nào có thể gặp lại.

Giấc mơ tỏa sáng trên đôi giày ballet đành gác lại, đam mê rực cháy chưa bao giờ dừng nhưng đành đợi sức khỏe Yến nhé. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các chị em đừng quên chăm sóc bản thân sau sinh. Có sức khỏe là có tất cả. Phụ nữ sau sinh cực kỳ thiệt thòi", Bình tâm sự về vợ.

Anh Bình tâm sự chú ý giữ sức khỏe sau sinh là thông điệp mà anh và vợ muốn nhắn nhủ đến các bà mẹ khác. Người mẹ lúc này không chỉ dồn vào việc lo lắng cho con nhỏ mà quên mất bản thân mình cũng cần được chăm sóc. 

Chị Yến không may mắn bị tiền sản giật nặng lúc sinh, sau sinh lại không tầm soát kỹ sức khỏe, có hơi ỷ lại vào bản thân và tập trung nhiều vào chăm con hơn, chính vì vậy đã gặp rất nhiều vấn đề trong giai đoạn về sau này. Mong muốn của anh Bình gửi đến mọi người là mẹ bỉm cũng cần được quan tâm và chăm sóc, không chỉ riêng đứa trẻ vừa ra đời.

Đi qua những ngày tháng thế này, chị Yến cảm giác được ở bên chồng và con đã là một niềm hạnh phúc khó diễn tả. Có chồng con ở bên sẽ giúp mẹ bỉm vượt qua được những khó khăn, thử thách. 

Tiền sản giật ảnh hưởng đến thai phụ thế nào?

Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy vậy tiền sản giật có thể tiến triển rất nhanh. Hầu hết thai phụ bị tiền sản giật đều phải nhập viện điều trị, thai nhi có nguy cơ sinh non cao.

Các trường hợp tiền sản giật có biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ nếu không được điều trị kịp thời.

Hội chứng HELLP - một biến chứng nặng của tiền sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa hàng đầu tại Việt Nam. Hội chứng HELLP hiếm khi xảy ra nhưng lại là một cấp cứu sản khoa rất nghiêm trọng. Cứ 10 phụ nữ mang thai với chứng tiền sản giật hoặc sản giật thì có 1-2 người (khoảng 10-20%) gặp phải hội chứng HELLP.

Tiền sản giật ảnh hưởng thế nào đến thai nhi?

Tiền sản giật xảy ra sớm trong thời kỳ mang thai có khả năng dẫn đến sinh non.

Một số trường hợp tiền sản giật nặng sẽ gây rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trường hợp nặng, thai nhi thậm chí có thể tử vong trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể dự phòng được, việc điều trị dự phòng các trường hợp nguy cơ cao sẽ giúp giảm gần 70% các trường hợp tiền sản giật nói chung và gần 90% các trường hợp trước 32 tuần.

Từ thời điểm tuần 11-14 của thai kỳ, thai phụ có thể thực hiện sàng lọc tiền sản giật để phát hiện bệnh kịp thời. 3 bước sàng lọc tiền sản giật bao gồm: Đo huyết áp; Siêu âm đo doppler động mạch tử cung; Lấy máu xét nghiệm.