Tiểu Mai (25 tuổi) sống tại Cao Hùng, Đài Loan. Dạo gần đây, Tiểu Mai có dấu hiệu tức ngực, biếng ăn, cổ họng đau rát, nôn ói, nuốt nước miếng cảm thấy đau. Thời gian đầu, Tiểu Mai xem nhẹ tình trạng của mình và khi bệnh chuyển biến nặng thì cô mới đến bệnh viện khám.
BS Trấn Tử Hạo, khoa Tiêu hóa & Gan mật, bệnh viện E-Da Hospital, kiểm tra nội soi và phát hiện thực quản của bệnh nhân bị loét với những đốm trắng. Theo tìm hiểu, vài ngày trước, Tiểu Mai gặp vấn đề về da liễu nên cô được điều trị bằng thuốc con nhộng. Tiểu Mai có thói quen uống ít nước nên viên thuốc con nhộng đã tắc nghẽn ở cổ họng, thuốc không thể vào dạ dày, không thể phân giải nên gây ra loét thực quản.
BS Hạo cho biết, khi uống thuốc nếu người bệnh uống ít nước, viên thuốc con nhộng có thể tắc nghẹn ở cổ họng gây ra loét thực quản. Uống thuốc đúng cách là bạn nên uống thuốc với nước ấm khoảng 200ml trở lên. Sau khi uống thuốc, không nằm xuống ngay, tư thế tốt nhất là ngồi để viên thuốc thuận lợi đến dạ dày, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh Tetracycline, Aspirin... cần đặc biệt lưu ý.
Vỏ ngoài của thuốc con nhộng khi gặp nước sẽ gia tăng độ bám dính nên dễ tắc nghẽn ở cổ họng. Nếu bạn không uống nhiều nước để đẩy viên thuốc xuống dạ dày sẽ gây ra loét thực quản. Đau rát khi uống nước có thể là dấu hiệu của loét thực quản hoặc ung thư thực quản. Nếu uống nước lọc cảm thấy đau rát ở cổ họng thì bạn nên đến bệnh viện kiểm tra. Khi kết quả chẩn đoán là loét thực quản thì bạn cần hạn chế thức ăn cay nóng.
Loét thực quản là bệnh gì?
Loét thực quản là một dạng loét trong hệ thống tiêu hóa. Dạng viêm loét này gây đau đớn ở lớp niêm mạc phần dưới của thực quản, chỗ gặp nhau giữa thực quản và dạ dày. Thực quản là ống nối cổ họng với dạ dày.
Những dấu hiệu và triệu chứng của loét thực quản?
- Đau khi nuốt hoặc khó nuốt.
- Đau phía sau xương ức (ợ nóng).
- Dạ dày khó chịu (buồn nôn) và nôn.
- Ói ra máu
- Đau ngực.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh loét thực quản?
- Tìm cách giảm căng thẳng như tập thể dục hoặc tham gia một lớp yoga.
- Ngủ đầy đủ.
- Chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế các thức ăn chế biến sẵn hoặc thực phẩm có đường.
- Ăn nhiều bữa ăn nhỏ.
- Nhai kẹo cao su sau bữa ăn để giúp tăng lượng nước bọt và ngăn axit trào vào thực quản.
- Giữ tư thế thẳng đứng một vài giờ sau khi ăn.
- Tránh rượu.
- Uống nhiều nước.
- Không hút thuốc lá.
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân.
Theo Ettoday