Chắc hẳn là không có cha mẹ nào phủ nhận chuyện trẻ hay giả vờ không nghe thấy gì mỗi khi cha mẹ yêu cầu làm một việc gì đó cho đến khi mẹ thì thầm rằng mẹ có một thanh sôcôla. Tất nhiên, khả năng thính giác của trẻ không vấn đề gì, vấn đề chỉ nằm ở chỗ trẻ có muốn nghe lời và làm theo yêu cầu của bố mẹ hay không mà thôi.
Mặc dù biết rất rõ điều này nhưng hầu hết các bậc cha mẹ vẫn lặp đi lặp lại những điều cần nói chỉ vì cho rằng trẻ đã không tập trung chú ý. Cảm giác đó khiến các bậc phụ huynh khá khó chịu, thậm chí là nổi nóng với con. Nhưng tại sao điều này lại xảy ra?
Trẻ em vô cùng tinh ý và nhạy cảm. Trẻ nhận ra rằng mình không cần phải cố gắng nghe cho hết những lời cha mẹ nói vì thế nào cha mẹ cũng sẽ lặp đi lặp lại những lời này như một cái máy ghi âm được phát. Trẻ học được rằng không cần phải lắng nghe và đáp ứng cho đến khi cha mẹ bắt đầu quát lên.
Khi trò chuyện cùng trẻ, cha mẹ nên tạo không gian yên lặng quanh trẻ bằng cách tắt hết các thiết bị phát ra tiếng ồn như TV, Ipad, Radio để thu hút sự chú ý của trẻ.
Ngược lại, cha mẹ cũng không cần phải quá đau đầu về chuyện này, bởi việc trẻ phớt lờ lời nói của cha mẹ sẽ được khắc phục chỉ bằng 2 bước vô cùng đơn giản mà hiệu quả.
Theo tờ Psychology Today, tiếng nói là thứ âm thanh nghèo nàn nhất trong môi trường có vô vàn âm thanh ồn ào và náo nhiệt khác. Do đó, bước đầu tiên là cha mẹ nên tạo một không gian yên lặng quanh trẻ bằng cách tắt hết các thiết bị phát ra tiếng ồn như TV, Ipad, Radio để thu hút sự chú ý của trẻ. Bước tiếp theo là cha mẹ giảm khoảng cách giữa người nói và người nghe. Trẻ em sẽ có cơ hội xao lãng, sẽ bị phân tâm bởi những thứ khác xung quanh khi cha mẹ đứng cách xa trẻ. Vì vậy, điều quan trọng cần làm là cha mẹ nên ngồi xuống ngang tầm mắt và giao tiếp bằng mắt với trẻ, giúp trẻ tập trung vào câu chuyện của cha mẹ hơn.
Tạp chí Parent cũng cho biết một sai lầm phổ biến của hầu hết các bậc cha mẹ là đều mong muốn trẻ tập trung lắng nghe mình nói trong mọi tình huống. Nhưng theo Adele Faber và Elaine Mazlish, hai nhà tâm lý học trong buổi tọa đàm "Làm thế nào để trẻ chịu lắng nghe và cách lắng nghe trẻ nói" đã chỉ ra rằng trẻ em sẽ học tốt hơn và biết chịu trách nhiệm hơn khi có sự tham gia của những phản ứng tích cực từ cha mẹ. Tình thương yêu, sự công nhận và khen ngợi chính là chất xúc tác để trẻ học tập tích cực hơn.
Bên cạnh đó, có một sai lầm nữa mà cha mẹ nào cũng mắc phải là luôn lặp đi lặp lại những thông điệp cho đến khi cảm thấy trẻ đã lắng nghe và làm theo. Cha mẹ cần phải thiết lập số lần sẽ lặp lại thông điệp ví dụ 1 lần, 2 lần hay 3 lần rồi sau đó chuyển thành hành động. Trẻ em rất tinh ý, chúng sẽ để ý xem cha mẹ làm những gì và lấy đó là tấm gương để điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp.
Nói tóm lại, nếu một đứa trẻ không tập trung lắng nghe và làm theo lời cha mẹ thì trước tiên cha mẹ hãy xem xét lại cách mình đang giao tiếp với trẻ để điều chỉnh sao cho bắt được “tần số” mà trẻ thích ứng. Việc nuôi dạy một đứa trẻ nên người thật sự việc vô cùng khó khăn và vất vả, nhưng nếu cha mẹ thực hiện đúng cách thì đó có thể là một công việc rất thú vị.
Nguồn: Parent