Chia sẻ đồ ăn là cách phổ biến để mọi người thể hiện tình bạn, nhưng một cậu bé ở Trung Quốc lại gặp rắc rối lớn vì hành vi thân thiện này. Trong giờ ra chơi ở trường tiểu học, cậu bé 10 tuổi này chia cho bạn cùng lớp một thanh cay ăn vặt mang ở nhà đi. Nào ngờ khi vừa ăn được một miếng, cậu bạn bỗng ngã xuống đất và tử vong sau đó. Cha mẹ nạn nhân cho rằng con họ chết sau khi ăn thanh cay nên đã kiện cả cậu bé chia sẻ đồ ăn vặt và cha mẹ cậu ra tòa.
Các báo cáo cho biết, cậu bé họ Lý mang từ nhà đi hai gói thanh cay từ nhà đi để ăn vặt. Sau giờ học, Lý mang thanh cay ra nhấm nháp, chia cho Tiểu A là bạn cùng lớp một gói. Tiểu A vừa xé màng bọc nylon, cắn được một miếng thanh cay thì nghiêng đầu rồi từ từ đổ xuống, nằm bất động trên mặt đất. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện ngay nhưng không qua khỏi. Bác sỹ xác định nguyên nhân tử vong là xuất huyết dưới nhện thứ phát do xuất huyết não.
Đau lòng tột độ, cha mẹ Tiểu A cho rằng chỉ vì ăn thanh cay mà Lý cho, Tiểu A mới bỏ mạng. Họ quyết kiện Lý và cha mẹ cậu bé ra tòa. Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan kiểm nghiệm chuyên nghiệp cho biết, thanh cay mà Tiểu A ăn đáp ứng các yêu cầu của "tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia về sử dụng phụ gia thực phẩm".
Báo cáo kiểm tra do Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hình sự của cơ quan công an cũng cho biết, mẫu thanh cay lấy tại hiện trường không có các chất độc như diazepam, phorate và dichlorvos. Tuy nhiên, cha mẹ Tiểu A vẫn cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa thanh cay và cái chết của con họ, muốn tòa án yêu cầu Lý và cha mẹ cậu chịu trách nhiệm pháp lý.
Trong phiên xét xử mới đây, tòa án cho rằng trọng tâm tranh chấp trong vụ này là liệu hành vi ăn thanh cay mà Lý mang đến và cái chết của bé Tiểu A có mối quan hệ nhân quả hay không. Trước hết, cuộc kiểm tra của cơ quan công an không phát hiện thành phần độc hại nào trong thanh cay được Lý chia sẻ cho bạn. Mặc dù thanh cay dùng làm đồ ăn vặt có nhiều loại phụ gia thực phẩm nhưng chúng không có thể hiện mối nguy hiểm. Hành vi chia sẻ đồ ăn vặt của Lý là tương tác bình thường giữa những đứa trẻ, không hề có mục đích làm hại bé Tiểu A.
Thứ hai, biên bản thẩm vấn và ảnh chụp hiện trường của cơ quan công an cho thấy, Tiểu A chỉ mới cắn, ngậm vào thanh cay, không có đủ bằng chứng chứng minh Tiểu A thực sự đã ăn món này.
Thứ ba, cha mẹ Tiểu A đều xác nhận nạn nhân không có tiền sử dị ứng. Nguyên nhân tử vong là xuất huyết dưới nhện thứ phát sau xuất huyết não.
Vì vậy, bằng chứng mà cha mẹ Tiểu A đưa ra chưa đủ để chứng minh giữa thanh cay và cái chết của Tiểu A có mối quan hệ nhân quả; không thể kết luận có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nếu chỉ dựa vào tương quan về mặt thời gian. Cuối cùng, tòa án nhận định, cậu bé họ Lý không cố ý hay vô ý xâm phạm Tiểu A, không có lỗi trong cái chết của bạn cùng lớp, không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài ý muốn trong trường hợp này.