'Chìa khoá' trong giáo dục giới tính cho trẻ - Ảnh 1.

Phụ huynh có thể chia nhỏ chủ đề giáo dục giới tính thành nhiều cuộc trò chuyện phù hợp. Ảnh: INT.

Việc lắng nghe và chia sẻ cởi mở cũng sẽ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ gắn kết hơn.

Trao đổi thẳng thắn

“Cha mẹ chưa bao giờ nói với tôi về giáo dục giới tính. Điều này nói lên rất nhiều điều, dù cả hai đều là bác sĩ nhi khoa. Song, giống nhiều phụ huynh khác, họ chưa bao giờ thảo luận về những vấn đề như tuổi dậy thì, tình dục hoặc sức khỏe tâm thần với tôi khi tôi còn nhỏ. Bây giờ, với tư cách là cha mẹ của một thiếu niên nam và nữ, tôi thấy mình đang cố gắng hết sức để không quay lại những khuôn mẫu cũ”, Sona Charaipotra - một phụ huynh có hai con tại Mỹ chia sẻ.

Thực tế, nhiều phụ huynh không trao đổi với con về chủ đề giới tính. Trong một cuộc khảo sát về giáo dục giới tính của Parents đối với 1.500 người tại Mỹ, 70% phụ huynh cho biết cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với con về các chủ đề liên quan đến tình dục so với cha mẹ của họ trong quá khứ. Trong khi đó, 69% tin rằng, giáo dục giới tính nên là môn bắt buộc ở trường học.

Giáo dục giới tính nói chung bao gồm các cuộc thảo luận về cơ thể, tuổi dậy thì, giao tiếp, quấy rối tình dục, lạm dụng và tấn công, cũng như hình ảnh cơ thể, bản dạng và biểu hiện giới tính, khuynh hướng tình dục. Tuy nhiên, chỉ 1/3 số phụ huynh được khảo sát cho biết họ quen thuộc hoặc rất quen thuộc với các yêu cầu về giáo dục giới tính của tiểu bang mình. Trong khi 70% trong số họ cảm thấy sẵn sàng nói chuyện với con về tình dục, thì con số này thay đổi khi chia nhỏ theo các yếu tố như giới tính hoặc dân tộc.

“Trẻ em sẽ học về những chủ đề này dù có hoặc không có chúng ta. Tốt nhất là chủ động và tạo ra mối quan hệ tin tưởng vừa an toàn vừa tôn trọng sự phát triển của trẻ”, Rosalia Rivera, nhà giáo dục về sự đồng thuận, chuyên gia phòng ngừa lạm dụng tại Mỹ cho biết. Đó là lý do tại sao cha mẹ nên bắt đầu sớm trong việc giáo dục giới tính cho con.

Theo bà Rivera, cha mẹ nên đi trước một bước và khẳng định mình là người có thẩm quyền về mọi thứ liên quan đến tuổi dậy thì, giáo dục giới tính, sự đồng thuận, giới tính và các chủ đề nhạy cảm khác. Điều đó sẽ giúp trẻ tin rằng, cha mẹ là người an toàn để con chia sẻ thông tin trung thực, không xấu hổ. Bà Rivera cho biết: “Điều quan trọng là phải ở bên con và là người hướng dẫn an toàn của trẻ”.

'Chìa khoá' trong giáo dục giới tính cho trẻ - Ảnh 2.

Nhiều cha mẹ không biết liệu trẻ đã sẵn sàng với chủ đề giáo dục giới tính chưa. Ảnh: INT.

Hơn bao giờ hết, hiện nay, các phụ huynh có nhiều nguồn lực và công cụ để tìm hiểu về giáo dục giới tính. Từ đó, giúp cha mẹ có thể truyền đạt kiến thức cho con mình. “Hãy xóa bỏ sự xấu hổ. Đối với bất kỳ cha mẹ nào tò mò, thì 100% trẻ sẽ trải qua tuổi dậy thì. Phụ huynh hãy tìm hiểu về điều đó, dạy cho trẻ về nó, có những cuộc trò chuyện cần thiết là rất quan trọng”, Tiến sĩ Y khoa Cara Natterson, tác giả của bộ sách “Care and Keeping of You” cho biết.

Theo Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Quốc gia, tuổi dậy thì có thể bắt đầu sớm nhất là từ năm 8 tuổi. Điều đó có nghĩa là nếu cha mẹ đợi cho đến khi con ở độ tuổi thiếu niên hoặc vị thành niên, thì việc giáo dục giới tính đã muộn. Bà Megan Michelson, người sáng lập podcast “The Birds And Bees” cho biết: “Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn có thẩm quyền và đặc quyền để giải thích những thay đổi trong giáo dục giới tính và tuổi vị thành niên. Chúng tôi muốn cha mẹ bắt đầu nói chuyện và tiếp tục nói chuyện về vấn đề đó”. Bà Michelson cho rằng, cha mẹ cần có cách tiếp cận “thường xuyên và thẳng thắn”. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng, ấn tượng đầu tiên có sức mạnh rất lớn. Do đó, phụ huynh cần chủ động. Việc thực hành này đòi hỏi cha mẹ có một tầm nhìn, định hướng rõ ràng và mục tiêu trong đầu.

Song, thực tế, việc ngồi xuống để trò chuyện nghiêm túc, trực tiếp có thể khiến cả cha mẹ và trẻ cảm thấy sợ hãi. “Cha mẹ có thể bắt đầu từ lúc con mới ba hoặc bốn tuổi, khi một đứa trẻ rút một chiếc băng vệ sinh ra khỏi túi xách và hỏi, ‘Đây là cái gì?’. Thay vì cầm lấy và bảo trẻ không được chạm vào những thứ như vậy, hãy nói: ‘Ôi con yêu, đây là băng vệ sinh’. Mặc dù đây có thể là cuộc trò chuyện đầu tiên của cha mẹ và trẻ về kỳ kinh nguyệt, nhưng không nên là cuộc trò chuyện cuối cùng về vấn đề đó”, bà Michelson chia sẻ.

Là một bác sĩ nhi khoa và phụ huynh, Tiến sĩ Natterson khuyên các cha mẹ nên cùng con thảo luận cởi mở. “Câu thần chú của tôi là nói sớm, nói thường xuyên, nói về mọi thứ, nhưng không phải tất cả cùng một lúc. Chúng ta không thể chỉ ngồi xuống và cung cấp mọi thông tin cho con vì đó là một bài giảng. Mỗi ngày đều có những khoảnh khắc đáng học hỏi. Phụ huynh có thể cùng con xem một chương trình và nhấn tạm dừng. Cha mẹ có thể nghe một câu chuyện của con về điều gì đó đã xảy ra ở trường hoặc trên sân. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu những cuộc trò chuyện này”, bà Natterson cho biết.

'Chìa khoá' trong giáo dục giới tính cho trẻ - Ảnh 3.

Cha mẹ cần trang bị cho trẻ em những thông tin thực sự chính xác. Ảnh: INT.

Giải thích theo thuật ngữ mà trẻ hiểu

Các độ tuổi và giai đoạn khác nhau sẽ đòi hỏi khuôn khổ khác nhau để tiếp cận cuộc thảo luận về tuổi dậy thì, tình dục. “Chúng tôi muốn cha mẹ cảm thấy được trao quyền để chia nhỏ giáo dục giới tính thành nhiều cuộc trò chuyện phù hợp với lứa tuổi, bắt đầu từ khi con còn nhỏ. Bằng cách trả lời các câu hỏi của con mình phù hợp với lứa tuổi, chúng ta cũng có khả năng bình thường hóa những thay đổi đi kèm với tuổi vị thành niên.

‘Em bé đến từ đâu?’, ‘Em bé đó chui ra khỏi đó bằng cách nào?’, ‘Băng vệ sinh là gì?’ đều là những câu hỏi bình thường mà trẻ tò mò có thể hỏi. Chúng tôi muốn cha mẹ cảm thấy được trang bị và trao quyền để trả lời theo cách thúc đẩy sự tự tin và mang lại cuộc thảo luận cởi mở”, bà Michelson cho biết.

Theo các chuyên gia, những cuộc trò chuyện về giáo dục giới tính ở giai đoạn đầu đời sẽ đặt nền tảng cho tương lai. Lý tưởng nhất là những cuộc trò chuyện trung thực và thẳng thắn, cung cấp thông tin trên cơ sở cần biết, tạo dựng lòng tin giữa trẻ và cha mẹ.

Bà Michelson cho biết: “Cha mẹ nên là chuyên gia và là nguồn đáng tin cậy cho con. Ví dụ, hãy bắt đầu bằng cách gọi tên các bộ phận cơ thể. Điều này có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ mới biết đi tắm trong bồn hoặc tập đi vệ sinh”. Khi trẻ lớn và tò mò hơn, các cuộc trò chuyện về giáo dục giới tính sẽ mở rộng ra ngoài phạm vi tự chủ của cơ thể để giải quyết khái niệm lớn hơn. “Nói về tuổi dậy thì và kinh nguyệt trước khi chúng xảy ra giúp trẻ nhận ra rằng, những thay đổi như thế này là bình thường và có thể dự đoán được. Những cuộc trò chuyện thực tế này tạo ra một môi trường không có sự xấu hổ cho giáo dục và giao tiếp”, bà Michaelson chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không biết liệu trẻ đã sẵn sàng khi nói tới chủ đề này chưa. Theo nhà giáo dục Rivera, những dấu hiệu có thể là trẻ đang đặt nhiều câu hỏi hơn về cơ thể của mình hoặc cơ thể người khác. Trẻ có thể đang khám phá cơ thể của chính mình và cố gắng hiểu các chức năng của cơ thể. Những dấu hiệu đó sẽ báo hiệu cho cha mẹ rằng, chắc chắn đã đến lúc nói về hiểu biết cơ thể và sự an toàn.

Đối với nhiều phụ huynh, những năm tháng vị thành niên của con họ có thể là khởi đầu cho trải nghiệm giáo dục giới tính ở trẻ. Tuy nhiên, việc bắt đầu những cuộc trò chuyện này sớm và thường xuyên là điều rất quan trọng. Bởi, trẻ em ngày nay bị “bủa vây” bởi nhiều thông tin hơn bao giờ hết. “Nếu con có câu hỏi và cha mẹ không muốn trả lời, trẻ sẽ tìm kiếm câu trả lời. Ngày nay, trẻ sống trong một thế giới mà chúng có thể nhận được câu trả lời ở bất kỳ đâu”, Tiến sĩ Natterson nói.

Chuyên gia này nhắc nhở các phụ huynh rằng, việc trẻ em tiếp cận thông tin ngày nay cũng mang đến nhiều rủi ro hơn. Vì vậy, cha mẹ cần trang bị cho trẻ em những thông tin thực sự chính xác, lành mạnh. “Đôi khi chỉ đơn giản như: ‘Con có thể thấy một người khỏa thân trên Internet. Nếu điều đó xảy ra, con không làm gì sai, nhưng hãy đến nói chuyện với mẹ. Chúng ta có thể nói về những gì con đã thấy và cảm giác của con’”, Tiến sĩ Natterson gợi ý.

Cha mẹ không nên đi quá xa đến mức trẻ chưa sẵn sàng để trò chuyện. Tuy nhiên, cha mẹ nên từng bước tham gia vào những cuộc trò chuyện và nói với trẻ rằng: ‘Không phải lỗi của con. Cha mẹ sẽ không tức giận đâu’. Điều đó có nghĩa là, phụ huynh đang để ngỏ cánh cửa nếu có chuyện gì xảy ra. Trong trường hợp cha mẹ thất bại khi trò chuyện với trẻ, phụ huynh cần thử lại vào những lần khác.

Các chuyên gia cho biết, cha mẹ có thể cảm thấy ngại ngùng và đó là điều hoàn toàn bình thường. “Trẻ em được cho là tò mò và sẽ đặt câu hỏi. Đó là một phần của quá trình phát triển lành mạnh ở trẻ em. Chỉ vì điều đó là bình thường không có nghĩa là cha mẹ có thể trả lời con một cách dễ dàng”, bà Michelson cho biết. Về lâu dài, việc trao đổi sẽ khiến mối quan hệ của cha mẹ và con gắn kết hơn.

“Ngay cả khi cha mẹ nói điều gì đó sai, hoặc không được chấp nhận, hoặc khiến con xấu hổ, thì việc trò chuyện vẫn là điều tốt. Khi cha mẹ không hiểu, hãy quay lại và tiếp tục nói chuyện. Nếu trẻ không nghe, cha mẹ hãy lắng nghe con. Trò chuyện là hai chiều, không chỉ chúng ta kể cho con nghe về cuộc sống, mà trẻ còn kể cho chúng ta nghe về cuộc sống của chúng, về những gì là thực tế và về ngôn ngữ mà chúng sử dụng”, Tiến sĩ Natterson chia sẻ. Các chuyên gia nhấn mạnh, “chìa khoá” trong giáo dục giới tính cho trẻ là tạo ra một mối quan hệ cởi mở, thoải mái, một nơi mà trẻ cảm thấy an toàn khi đặt câu hỏi hoặc nêu lên mối quan tâm.

Theo Parents