Không dừng lại ở việc gây mất thẩm mĩ mà sún răng còn để lại những hậu quả tai hại cho trẻ, đáng ngại nhất là có thể khiến trẻ nói ngọng.
Sâu răng, sún răng là tình trạng phổ biết ở trẻ em Việt Nam. Có đến hơn 90% trẻ mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cho rằng sún răng không ảnh hưởng gì, khi nào trẻ thay răng sẽ có hàm răng đều và đẹp như bình thường.
Chị Phan Thị Thanh (Thạch Thất, Hà Nội) - người đã đăng clip kể: "Hai bé nhà mình, bé lớn hơn 4 tuổi, bé út hơn 2 tuổi, cả hai đều bị sún hết răng. Lúc đầu mình cứ nghĩ là do men răng yếu nên răng bị sún, bởi hai bé cũng hay ăn kẹo và uống nước ngọt. Mình cho hai bé đi khám ở một số phòng khám nha khoa, các bác sĩ đều nói khi nào lớn bé thay răng thì tự rụng, chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho các con thôi. Mình cứ đinh ninh như thế, dù vẫn đôi chút lo lắng".
Dần dần, tình trạng sún răng của hai bé nhà chị Thanh càng trở nên trầm trọng hơn, răng sún đến nỗi cụt hết cả răng, bé út còn bị sưng lợi, phát sốt, quấy khóc, bỏ ăn nhiều ngày. Mấy lần, bé còn bị mọc nốt ở lợi có mủ, chị Thanh lại ra hiệu thuốc tự mua thuốc cho con uống. Đến gần đây, khi cho con đi khám lại tại một phòng khám nha khoa khác, chị mới giật mình khi bác sĩ kết luận răng của con bị viêm tủy, mấy nốt có bọng mủ là do tủy bị viêm không thoát ra ngoài được.
Khi răng bị ăn mòn, thức ăn nhồi nhét vào ống tủy dẫn đến viêm tủy. Để xử lý tình trạng này, bác sĩ đã điều trị viêm tủy cho con chị Thanh bằng cách vệ sinh ống tủy và nhét bông ngấm thuốc vào để bên trong hết viêm, sau đó hàn lại bít lỗ tủy. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp tạm thời chờ đến lúc trẻ thay răng. Còn răng nào bị sún đến mức cụt quá buộc phải nhổ sớm.
Không hiếm những đứa trẻ từ 2 tuổi trở lên rơi vào tình trạng sún răng như con chị Thanh.
Bác sĩ đang điều trị viêm tủy cho con chị Thanh.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ hay bị sún răng?
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách như uống sữa qua đêm không tráng miệng nước lọc, không đánh răng thường xuyên... khiến vi khuẩn hình thành các mảng bám trên bề mặt răng.
- Ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, nước uống có ga; thức ăn nhanh, đồ sấy khô với hàm lượng đường cao, chúng bám dính trên răng, phân hủy đường tạo thành axit ăn mòn men răng, ngà răng và lâu dần sẽ hình thành các lỗ sâu trên răng.
- Răng trẻ bị thiếu canxi hoặc fluor.
- Do mẹ sử dụng kháng sinh khi đang mang thai làm răng bé phát triển không tốt.
Ăn nhiều đồ ngọt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sún răng.
Hậu quả khôn lường khi trẻ bị sún răng
- Gây mất thẩm mỹ: Cấu tạo răng gồm 2 lớp men răng và ngà răng. Ở trẻ nhỏ, lớp men răng và ngà răng của trẻ tương đối mỏng và mủn nên dễ bị sâu và tổn thương. Khi răng sún hoặc sâu răng sẽ làm giảm thể tích thân răng, răng có màu đen hoặc nâu. Lâu dần, phần răng sún lan rộng tụt gần xuống lợi, làm chân răng nằm sát với lợi.
- Nếu tình trạng sún răng kéo dài còn gây sưng và đau đớn, sốt, trẻ có thể quấy khóc, biếng ăn...
- Răng sún sẽ mang theo những vi khuẩn có hại làm ảnh hưởng không chỉ răng mà còn gây viêm tủy, viêm quanh cuống răng và cả răng vĩnh viễn.
- Việc bị sún răng có thể làm thay đổi tiến trình mọc răng chuẩn của bé, có thể làm răng mọc lệch, mọc sớm, gây đau cho trẻ.
- Nếu răng trẻ bị sún nghiêm trọng, đặc biệt là răng cửa, trẻ sẽ khó phát âm chuẩn, dễ dẫn đến tình trạng trẻ nói ngọng hơn so với các bé khác.
Bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen đánh răng thường xuyên ngay khi trẻ đã mọc tương đối nhiều răng.
Cách phòng tránh
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên. Với trẻ sơ sinh, có thể dùng gạc thấm nước nhẹ nhàng chà mặt trong và ngoài của lợi và răng. Với trẻ từ 2 tuổi trở nên, nên tập cho trẻ thói quen đánh răng đều đặn 2 lần mỗi ngày.
- Không cho bé uống thuốc kháng sinh tùy tiện bởi kháng sinh chính là thủ phạm gây vàng răng, răng xỉn màu.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng của trẻ, kiểm soát việc con ăn các thực phẩm không tốt cho sức khỏe răng miệng như đồ uống có ga, bánh kẹo, nước lạnh, nước ngọt. Bổ sung thức ăn giàu canxi và fluor như cá biển, trứng, sữa tươi...
- Đưa bé đi khám răng định kì 3 - 6 tháng/lần để phát hiện sớm những bất thường ở răng miệng và có biện pháp xử lý sớm, tránh ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này. Khi bé bị sún răng, đưa bé đi thăm khám càng sớm càng tốt để xác định tình trạng sún và cách chữa trị sún răng hiệu quả nhất.