Theo TODAY, mỗi năm nước Mỹ có:

- 45.000 người tử vong do tự sát.

- Trung bình 25 nỗ lực tự sát lại có 1 nạn nhân không qua khỏi.

Là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 10 ở xứ sở cờ hoa, tự sát đã trở thành mối lo ngại cực lớn với mọi tầng lớp và độ tuổi. Nghiêm trọng hơn, nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy cả trẻ nít, đặc biệt là các bé gái - đã mơ hồ nghĩ tới cái chết.

Đương nhiên, người đạt được ý đồ tự sát sẽ chẳng biết gì nữa, vì họ đã chết rồi.

Còn với kẻ sống sót sau nỗ lực tự tử bất thành? TODAY đã có bài phỏng vấn với những người từng cố gắng tự sát hoặc phải đấu tranh cả đời để chống lại "sự cám dỗ của cái chết".

"Chị cứ nghĩ bọn trẻ sẽ sống tốt hơn nếu chị biến mất khỏi cõi đời này" (và chị đã sai)

Lần đầu tiên Nancy Nettles cố gắng tự sát là vào ngày sinh nhật 31 tuổi.

Khi đó, cô sống cảnh lay lắt không nhà cửa cùng 2 đứa nhỏ, ngày qua ngày rong ruổi trên ô tô để tìm việc làm ổn định tại Nashville (Mỹ).

"Hồi đấy chị nghĩ là, tụi trẻ có thể sẽ được sống tốt hơn nếu chị biến mất", Nancy kể.

"Chị vô gia cư lại thất nghiệp, không giống người có thể lo lắng cho con trẻ, đúng không?"

Vào ngày định mệnh đó, Nancy tính tự tử bằng cách làm cho mình sốc thuốc. Tuy nhiên, con bé 7 tuổi đã phát hiện ra và gọi 911. Người mẹ 2 con thức dậy trong bệnh viện và mất 1 tuần điều trị tâm lý - thế nhưng, Nancy vẫn cố tự sát thêm 2 lần nữa nhưng đều may mắn sống sót.

"Chị giận Chúa", cô nói. "Chị giận dữ và không biết phải nói thế nào vì mình vẫn còn sống. Ý chị là, thứ năng lượng tiêu cực vì không thể chết đó giúp chị còn sống đến giờ này".

Nancy giờ đã 52 tuổi, chị từng bị lạm dụng tình dục từ lúc còn là 1 đứa trẻ và người phụ nữ này hiếm khi kể về những nỗi đau chôn giấu.

Khi lớn lên, Nancy trải qua việc ly hôn, nghèo khó, mất sạch nhà cửa và thậm chí mắc cả bệnh đa xơ cứng suy nhược - quá đủ để đẩy ai đó vào đường cùng.

Tới hôm nay, bà mẹ kiêm ca sĩ Opera về hưu trở thành bác sĩ trị liệu tâm lý ở Nashville. Các con của chị cũng đã khôn lớn và rất yêu thương mẹ.

"Chị cảm thấy vô cùng may mắn vì ngày đó KHÔNG CHẾT, để sống tiếp và bước qua hết khó khăn trong đời".

"Tôi từng tuyên bố sẽ tự sát trên bàn ăn ngày Lễ Tạ ơn, khi đó tôi mới 10 tuổi"

Anh Richard Cole nghĩ đến chuyện tự sát mỗi ngày ngay từ bé.

"Đó là quá trình đã ăn sâu vào suy nghĩ của tôi", anh ấy nói. "Mỗi ngày, tôi thức dậy và nghĩ tới việc đánh răng và tự tử, đi học và tự tử..."

"Là đứa trẻ 10 tuổi với nỗi buồn kiểu đó, bạn sẽ nhanh chóng bị cô lập với xã hội. Thậm chí việc ở trong lớp với 20 đứa khác, bạn vẫn cô đơn. Người lớn không hiểu và lũ nhỏ càng không hiểu được".

Cole cũng không biết mình muốn trở thành thứ gì khi lớn lên. Trong khi, cũng câu hỏi đó thì bạn bè cùng trang lứa bảo rằng: Tớ muốn làm lính cứu hỏa, tớ muốn làm nhà khoa học, tớ muốn làm cảnh sát...

Anh ta hiểu mỗi đứa trẻ đều có giấc mơ, chỉ là không tìm thấy mục tiêu cho riêng mình.

Vào ngày 26/11/1998 - anh chàng 27 tuổi Richard Cole dùng súng lục cỡ 9mm tự bắn vào ngực.

"Lúc đó lạnh lắm, lông vũ trong áo khoác của tôi bay khắp nơi và tôi tự cảm nhận được mình đổ gục trong vũng máu".

Và kỳ diệu thế nào, Cole sống sót và tỉnh dậy trong bệnh viện.

Theo thống kê, tỷ lệ tự sát bằng súng bất thành ở Mỹ rơi vào khoảng 15%.

Hiện tại, Cole đã 47 tuổi và thừa kinh nghiệm để nhận ra ai đó đang có ý định tự sát.

"Tôi đã từng trải qua ý muốn tự sát nhiều năm trong đời, hãy tin tôi, mong muốn kết liễu chính mình sẽ đến và đi".

"Dù đôi lúc ý nghĩ tự tử thoáng qua trong đầu nhưng tôi sẽ không hành động như vậy, không ai nên làm như vậy".

"Tôi từng nghĩ cuộc đời mình chẳng còn gì đáng sống, vì thế cái chết không khiến tôi sợ hãi"

Jillian Shih, sinh viên 23 tuổi ở Boston, đã cố gắng tự sát sau khi bị 1 gã trai tấn công tình dục.

Khi đó, Jillian đau đớn tột cùng về thể xác và không biết phải làm thế nào để chấp nhận sự thật, vượt qua nỗi cô đơn. Ngoài ra, cô cũng mắc chứng rối loạn ăn uống khiến tình hình càng tồi tệ.

"Tôi cảm thấy tuyệt vọng và chỉ muốn chết quách đi".

"Tôi thấy mình quá đỗi xấu xí, không đủ thông minh và không xứng đáng với mọi thứ trên đời".

Trong khi tuyệt vọng, Jillian nhắn tin vào đường dây nóng phòng chống tự sát nhưng không nhận được phản hồi. Ngay sau đó, cô tự làm mình sốc thuốc tại phòng riêng.

May mắn thay, cán bộ trong khu ký túc đã phát hiện ra Jillian và đem cô đi cấp cứu. Dù không chết, cô gái trẻ vẫn tiếp tục nung nấu ý định tự sát.

Những ngày sau đó với Jillian "không bằng chết" nhưng rồi cô cũng nhận ra rằng: "Ý muốn nắm giữ cuộc sống trong tôi đã le lói, tôi chỉ mong chờ ngày không phải dùng bất kỳ thứ thuốc an thần nào nữa".

Jillian bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh tươi sáng nhưng vẫn thực tế như, được sống trong căn nhà đẹp, cưới người mình yêu và làm điều mình thích.

"Cháu sẽ phải tới gặp bác bao lâu nữa?" Jillian hỏi chuyên gia trị liệu. Và câu trả lời cô nhận được đơn giản là "Không lâu nữa đâu".

"Các bác sĩ nói rằng, tôi là người duy nhất hỏi họ câu đó", Jillian vừa nói vừa nhoẻn miệng cười.

Tâm trạng lên xuống không có nghĩa bạn phải tự kết liễu đời mình

Rõ ràng không có phương pháp nhất định cho mọi nạn nhân tự tử bất thành hồi phục.

Tuy nhiên, TODAY dẫn một nghiên cứu cho thấy: Hầu hết những người sống sót sau tự tử đều tiếp tục sống tốt, sống khỏe - 90% trong số đó không chết vì nỗ lực tự sát tiếp theo.

Bà mẹ 2 con Nancy Nettles, Richard Cole và Jillian Shih khẳng định với TODAY rằng, họ đã và sẽ kiểm soát sức khỏe tinh thần của mình suốt quãng đời còn lại, nhận ra, chia sẻ những góc khuất trong tâm hồn để không rơi vào bế tắc.

Nếu bạn chưa tin, hãy nhìn cách Richard Cole ôm ấp chú chó của mình.

Cảm giác sau khi tự tử bất thành là gì? - Ảnh 5.

Theo TODAY