“Nhỡ kế hoạch” nên bây giờ... nhàn

Chào Huyền, bạn giới thiệu về hai cục cưng nhà mình đi!

Tiến Vinh năm nay 6 tuổi còn Tiến Thành 4 tuổi. Vì “nhỡ” nên khi mình sinh nhóc thứ 2 thì cậu anh mới được 22 tháng. Trộm vía ngay từ bé, 2 nhóc thương mẹ nên khá ngoan, ăn ngủ tốt và hay cười.

Thời gian khi bé Thành ra đời, cả nhà mình cũng "náo loạn" lắm, hai vợ chồng cứ hết bỉm với sữa, "mịt mùng" với hết chuyện ăn đến chuyện tè dầm của các con nhưng hoàn thành kế hoạch sớm nên giờ rất nhàn hạ, hai anh em đã lớn, biết yêu thương, bảo ban và trông nhau khi không có bố mẹ ở bên. 

Để các bé tươi vui suốt ngày, Huyền có bí quyết gì không?

Có lẽ bởi trong lúc mang bầu, tinh thần mình thoải mái, không nghén ngẩm gì, ăn uống điều độ nên con mới vui vẻ như vậy. Sau khi các bé ra đời, mình đã tìm hiểu thêm các biện pháp chăm sóc con và điều quan trọng là môi trường sống của các bé phải được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Tuy nhiên, cha mẹ sinh con, trời sinh tính, anh em chúng nó mỗi “tên” một khác, lúc mới sinh, Vinh rất dễ tính, bú mẹ hay bú bình đều ngoan thế nhưng bé Thành hơi “khó nhằn” hơn một chút. Mình tung đủ chiêu từ đổi các thể loại sữa, núm ti này nọ, đút bằng thìa… nhưng bé nhất quyết chỉ thích ti mẹ, không chịu ti bình. 
 
Lúc đó Huyền giải quyết như thế nào?

Mình stress vô cùng, không có cách nào khắc phục nên cả nhà đành thử cho Thành ăn dặm sớm. Nhưng đường ruột của bé chưa tiêu hóa được nên bị đi ngoài liên tục, bé gầy sọp đi trông thấy. Mình xót xa vô cùng.

Từ dạo đó, dù cơ quan ở rất xa nhà nhưng trưa nào mình cũng về cho con ti. Mãi sau hơn 1 tuổi, Thành mới chịu ăn sữa ngoài. Lúc này mình mới dễ thở hơn một chút.

Mình rút ra một kinh nghiệm "xương máu" là phải cho bé ti cả mẹ lẫn bình ngay từ lúc mới sinh thì sau này mẹ mới yên tâm đi làm được.

Hai anh em trai chắc hẳn có lúc xảy ra “chiến tranh”, vợ chồng bạn thường xử lý thế nào?

Bận trước nên nhàn sau, mình bây giờ cũng gọi là nhàn rồi, 2 bé chơi với nhau khá hòa thuận, thỉnh thoảng lắm mới thấy ông em ra mếu máo, kể tội anh trai. Tuy nhiên, mình không theo chủ trương lớn phải nhường bé, vợ chồng mình sẽ thay phiên làm "quan tòa" cho các con. 

Từng bé sẽ giải thích một, ai đúng, ai sai mình sẽ giải quyết công bằng, tuy nhiên đôi khi cậu em “khóc ác liệt” quá nên được bố mẹ ưu ái hơn một chút (Cười). 

Ngoài những lúc như vậy, hai anh em rất yêu thương, còn biết bảo ban nhau hăng say làm việc nhà nữa cơ.

Chia sẻ thú vị của một bà mẹ “nhỡ kế hoạch” nhưng vẫn nhàn 1

Hầu như các cậu bé đều rất mải chơi, khi bố mẹ nhờ việc nọ, việc kia thì phụng phịu nhưng hai nhóc nhà Huyền thì rất mê làm việc nhà. Bí quyết của Huyền là gì vậy? 

Mình thường khuyến khích con làm việc nhà bằng những lời động viên, lời khen ngợi. Các bé càng tỏ ra rất thích thú làm việc khi được bố mẹ ghi nhận. Tuy nhiên đôi khi các con lại ì ra rồi đổ lỗi cho nhau rằng: “Ai mang ra nghịch thì tự mà dọn”, mình lại ca bài “Bố mẹ đi làm rất vất vả để nuôi 2 anh em, bố mẹ mệt lắm, mẹ ốm thì bác sĩ tiêm sẽ rất đau, các con không yêu thương nhau, yêu thương bố mẹ ư?”.

Bài ca đó dù muôn thuở, cũ kỹ nhưng lần nào dùng cũng có hiệu quả. Hai anh em lại chạy ra ôm mẹ và lại thi nhau xem ai dọn nhanh hơn để được mẹ khen. 

Còn ngoài ra, hai anh em rất chủ động bảo ban nhau dọn dẹp gọn gàng đồ chơi. Thường ngày, sau khi mẹ nấu cơm xong, một bé sẽ khệ nệ lấy nồi cơm, còn một bé dọn bát đũa. Anh lớn thì thích rửa bát cùng mẹ còn cậu em rất thích lau nhà. 

Thêm vào đó, Vinh rất tự lập, dù đã học lớp 1 nhưng chưa bao giờ mình phải giục bé dậy sớm đi học, soạn sách vở cho con. Trộm vía Vinh biết đọc, cộng trừ từ lúc hơn 3 tuổi, tư duy lôgic khá nhanh.

Khi đi học về, Vinh còn đóng vai thầy giáo để tự ra các câu hỏi, bày trò chơi cho em nữa.

Chia sẻ thú vị của một bà mẹ “nhỡ kế hoạch” nhưng vẫn nhàn 2

Bé Vinh dạy em như thế nào vậy?

Vì tuổi khá sát nhau lại rất yêu thương em nên ngay từ khi còn bé, Vinh đã ý thức được việc bảo ban, trông nom em giúp bố mẹ. Đây chính là điểm mình thấy nhàn khi hoàn thành xong sớm kế hoạch. Với nhiều gia đình khác thì cha mẹ sẽ là người dạy dỗ con, vợ chồng mình may mắn khi bé Vinh cũng tham gia “gánh” tránh nhiệm này cùng bố mẹ.

Hàng ngày, bé hay dạy em Thành về những gương tốt đạo đức qua việc kể truyện cổ tích, thần thoại. Khi đọc thơ, kể truyện, bé Vinh còn tỉ mẩn giảng giải cặn kẽ cho em hiểu tại sao lại nên thế này mà không nên thế kia. 

Anh trai thường bày và chỉ dẫn cụ thể cho em về những trò chơi xếp hình. "Trộm vía" câu chuyện nào, trò chơi nào mà anh Vinh dạy, bé Thành đều ghi nhớ rất tốt.

Vui vì con coi bố mẹ như những người bạn thân

Bé biết đọc, cộng trừ sớm phải chăng do Huyền cho con đi học sớm?

Lúc Vinh hơn 3 tuổi, nhiều người bạn của mình tỏ ra ngạc nhiên khi bé đã bắt đầu biết đọc chữ, làm các phép tính, lúc hơn 4 tuổi Vinh đọc được sách, cộng nhẩm đến hàng chục. 

Khi con đến tuổi đi học, mình cũng thử cho bé đi thi thử tại các trường như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, bé đều đạt điểm cao. Điều đáng nói là vợ chồng mình chẳng bao giờ cho con đi học ôn ở bất kỳ đâu ngoài ở nhà. Bé thường được bố mẹ kể chuyện, chơi trò chơi bằng bộ sách chim đa đa. Bộ sách đó khá hợp lý với lứa tuổi từ 3 – 6 tuổi, nó gồm những mẩu chuyện, trò chơi luyện khả năng tư duy, tưởng tượng, chú ý, nhận thức, quan sát, ghi nhớ của bé.

Nhiều bậc phụ huynh đặt áp lực cho con học phải thế này thế kìa, bạn thì thế nào?

Khi đón con từ trường về nhà, câu hỏi đầu tiên của mình là hôm nay con ăn uống thế nào, có gì vui không, sau cùng mình mới hỏi điểm số của con. 

Ai cũng thích con học giỏi, mình cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, mình quan niệm là cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con, điều này sẽ vô tình gây sức ép cho con. Mình muốn con học theo khả năng và học theo những cách thoải mái nhất.

Nhưng không phải bố mẹ nào cũng có những suy nghĩ giống bạn?

Mình nghĩ mấu chốt là ở bản lĩnh của bố mẹ các bé. Theo cách nhìn nhận của mình, cha mẹ nào thoải mái, không quá lo lắng thúc ép thì kết quả của con thường tốt. Ngược lại có những bố mẹ gây những sức ép cho con phải thế này phải thế kia khiến con tự ti.

Trộm vía con mình điểm khá tốt, được cô giáo khen là rất hăng hái phát biểu, diễn đạt rõ ràng, điều đó làm mình rất vui vì mình nghĩ điều quan trọng nhất của bé mới đi học là dám nói lên ý kiến của mình, không sợ sai. Tuy nhiên là bé trai nên đôi khi bị cô giáo trừ điểm vì viết ẩu. Trước việc này mình thường khuyên nhủ, bảo ban con chứ không mắng mỏ này nọ. 

Vì vậy, bé Vinh coi mình như một người bạn thân, lúc nào cũng vui vẻ hợp tác, kể cho bố mẹ nghe rất nhiều chuyện, từ đó mình có thể hiểu hơn về con, về lớp. Vinh tỏ ra rất thích đi học, yêu cô giáo. 

Chia sẻ thú vị của một bà mẹ “nhỡ kế hoạch” nhưng vẫn nhàn 3
Chị Huyền đưa 2 cậu con trai của mình cùng cô cháu gái trong những ngày đầu năm mới.
 
Tết của Vinh và Thành như thế nào vậy Huyền?

Mỗi độ Xuân đến, Tết về, các con đều rất háo hức, mình luôn muốn con được hưởng một cái Tết y hệt như ngày mình còn bé. 

Năm nào nhà mình cũng mua hoa đào, cây quất từ sớm để các con nhìn ngắm và thưởng thức không khí Tết cổ truyền. Vợ chồng mình thường mua bóng và các con tự bơm, tự trang trí cây, cắm đèn nhấp nháy. 

Khi được bố mẹ chở đi ra chợ Bưởi mua cây về trồng, các bé vui lắm, cũng đòi giúp bố mẹ trồng cây và nhận luôn nhiệm vụ tưới cây hàng ngày. Trước Tết 1 vài ngày, cả nhà mình thường tụ tập đông đủ ở nhà bà ngoại để cùng gói bánh chưng. 

Các con nhìn ông bà, bố mẹ gói bánh, nhìn gạo nếp được ngâm đãi sạch đặt trong chậu có trộn với nước gừng, từng miếng thịt lợn được thái ngay ngắn xếp sẵn trong đĩa lớn, các con mắt sáng rực lên và bảo: “Sau này con sẽ gói bánh giúp ông bà, bố mẹ nhé”. 

Cảm ơn sự chia sẻ rất thú vị này, chúc Huyền và gia đình có một cái Tết thật ý nghĩa!



Là một giáo viên dạy đàn piano, Hoàng My cho rằng: "Muốn con hiểu rõ về các phong tục 
Tết nên khi con còn bé xíu mình thường kể những câu chuyện liên quan tới Tết..."
Chia sẻ thú vị của một bà mẹ “nhỡ kế hoạch” nhưng vẫn nhàn 4