Chia sẻ thú vị của một người nước ngoài chọn Triều Tiên là nơi làm việc mưu sinh - Ảnh 1.

"Chúng ta dễ dàng gán mác ‘cấm đoán’, "khép kín", "điên rồ" và "khốn khổ" cho Triều Tiên còn tôi muốn xóa bỏ những rào cản đó dù chỉ trong chốc lát, và có cái nhìn sâu sắc hơn về những con người nơi đây", Benjamin Griffin, chàng trai người Anh, 24 tuổi, từng sống và làm việc ở Triều Tiên nhiều năm, chia sẻ.

Trước khi đặt chân đến Triều Tiên cách đây 4 năm, những gì anh biết về đất nước này chỉ giới hạn trong "một bộ phim tài liệu và vài clip trên Youtube". Tour du lịch của hãng Juche Travel Services (JTS) Triều Tiên giúp Griffin mở mang tầm mắt.

"Lần đầu đến Bình Nhưỡng vào năm 2013, tôi cứ nghĩ là sẽ thấy quân lính ở khắp mọi nơi". anh thú nhận. Tuy nhiên, những gì Griffin tận mắt chứng kiến là cảnh người dân Triều Tiên đi bộ đến nơi làm việc, ăn uống, mua bán và tập nhảy trong công viên. Đối với anh, cảnh tượng này có phần kỳ lạ.

Chia sẻ thú vị của một người nước ngoài chọn Triều Tiên là nơi làm việc mưu sinh - Ảnh 2.

Griffin trong giờ giảng bài ở Triều Tiên

"Thực tế là trong cuộc sống hàng ngày, người dân Bình Nhưỡng không hề lo lắng về chuyện làm thế nào để đánh bại Mỹ hay phê phán chủ nghĩa tư bản, họ quan tâm đến việc đi mua hàng ở đâu, đang làm việc ở mức độ nào hay con gái có lấy được chồng không", chàng trai nhớ lại.

Một năm sau, khi bước sang 21 tuổi, Griffin trở lại Triều Tiên, làm giáo viên tiếng Anh tại trường cao đẳng du lịch ở Bình Nhưỡng.

Anh chàng sau đó đủ điều kiện làm hướng dẫn viên du lịch cho JTS. Chính anh đã tạo ra "tour du học" kéo dài 3 tuần cho các đối tượng từ đủ mọi lứa tuổi và quốc tịch tại trường Đại học Kim Il Sung vào tháng 7 tới.

Những người tham dự tour du học này sẽ được ở trong ký túc xá của trường và học tiếng Triều Tiên 4 tiếng một ngày. Thời gian còn lại, họ sẽ có cơ hội tham gia các tour du lịch có hướng dẫn viên, các hoạt động như bơi lội, khiêu vũ, đá bóng...

Thông qua các hoạt động này, họ sẽ được tiếp xúc với người dân Triều Tiên.

"Không thể phủ nhận ở Triều Tiên còn tồn tại nhiều vấn đề nhưng chúng ta cần thấu hiểu lẫn nhau ở một mức độ nào đó. Du học là một bước tiến gần hơn đến điều ấy", Griffin nói.

Theo anh, việc tìm hiểu giá trị cốt lõi của Triều Tiên và người dân nơi đây cũng rất quan trọng. Hoạt động trao đổi thông tin giữa các bên sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng là phải tập trung vào việc tương tác giữa con người với nhau.

Chia sẻ thú vị của một người nước ngoài chọn Triều Tiên là nơi làm việc mưu sinh - Ảnh 3.

Chàng trai trẻ chụp ảnh cùng các sinh viên Triều Tiên

Griffin từng chứng kiến sự đói nghèo ở vùng nông thôn Triều Tiên cũng như cuộc sống của các gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa ở Bình Nhưỡng.

Tại thủ đô Triều Tiên, người ta thường làm việc 6 ngày một tuần, từ 10 đến 12 tiếng. Chủ nhật với họ là ngày "nghỉ ngơi và làm các công việc tình nguyện", như cắt cỏ, tập luyện cho những màn biểu diễn tập thể.

"Không có nhiều thời gian để họ sống một mình", Griffin cho hay. Theo anh, nhiều người Triều Tiên vẫn quan tâm đến văn hóa phương Tây dù ở mức độ hạn chế. 

Các thương hiệu thời trang như Nike và Adidas, cả hàng giả lẫn hàng thật, đều tìm cách "tuồn" vào Triều Tiên. Các sinh viên mà Griffin dạy vào năm 2014 cũng có hiểu biết về phim và các ca sĩ phương Tây.

"Tôi nhớ là họ đã hỏi tôi về tin đồn liên quan đến Beyonce – về chiếc váy cô ấy mặc trong một lễ trao giải. Tôi không rõ họ lấy thông tin từ đâu. Thậm chí họ còn xem những bộ phim Anh, Mỹ mà tôi chưa từng xem!", anh ngạc nhiên.

Tuy nhiên, Griffin không gặp khó trong việc duy trì trật tự lớp học.

Chia sẻ thú vị của một người nước ngoài chọn Triều Tiên là nơi làm việc mưu sinh - Ảnh 4.

Người Triều Tiên tập nhảy múa

"Ban đầu họ rất nghiêm túc, khi tôi bước vào phòng, ngay lập tức họ sẽ dừng nói chuyện và đứng dậy. Tôi nói: 'Các bạn không cần phải làm thế', thì họ đồng thanh: 'Chào buổi sáng, giáo sư Ben'", Griffin nói.

"Nhưng mọi việc thay đổi khi tôi bắt đầu gặp một vài người trong số họ ở quanh Bình Nhưỡng. Họ kể với tôi chuyện bạn trai hoặc chỗ ăn trưa. Họ muốn tôi trò chuyện bằng tiếng Anh để ghi âm lại bằng điện thoại", chàng trai trẻ nhớ lại.

Bạn bè cùng làm hướng dẫn viên du lịch của Griffin thường xuyên đi hát karaoke, đôi lúc họ chọn đi hát vào buổi tối.

Griffin bác bỏ ý kiến cho rằng đi du học Triều Tiên là góp phần phát triển chương trình hạt nhân nước này. Anh nói mọi chi phí từ tour du học nói trên đều được chuyển về phía nhà trường để trả cho các giáo viên và duy trì cơ sở vật chất.

Theo anh, nhu cầu giao tiếp và trao đổi văn hóa được đáp ứng thông qua tour du học này có vai trò quan trọng hơn cả.