Năm hết Tết đến, khoảnh khắc đón chào năm mới luôn khiến bất kì ai phải háo hức, mong chờ. Người lớn mong sum vầy, trẻ nhỏ được hoà mình vào các hoạt động đón Tết an vui của cả gia đình. Với người dân Việt Nam, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong nhà mà không có bánh chưng hẳn như sẽ thiếu đi cả không khí Tết. Đây cũng là cách để duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.

Theo quan niệm từ thời xa xưa, chiếc bánh chưng của người Việt có hình vuông, tượng trưng cho đất. Bánh chưng được làm từ gạo nếp trắng ngần với phần nhân có đậu xanh, thịt mỡ, hành, tiêu...  Tất cả được bọc trong lớp lá dong xanh mướt và được buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo với tạo hình vuông vức, đẹp mắt.

Chiếc bánh chưng của những em bé thành phố: Cả đêm mong chờ, sáng dậy cũng háo hức mẻ bánh mẹ luộc - Ảnh 1.

Để con hiểu được nét văn hóa đặc biệt này, chị Bùi Hoà (31 tuổi, sống tại Hà Nội) hiện đang là mẹ của 3 em bé Quang Vinh (nickname Tôm), Quang Vũ (nickname Gấu) và Bảo Vy (nickname Anna) đã cùng con làm bánh chưng tại nhà. 

"Không khí Tết bao năm vẫn vậy, chỉ có cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận về Tết là thay đổi mà thôi. Cứ tưởng bọn nhỏ chúng nó không biết bánh chưng Tết là gì, ấy thế mà chúng nó cả tối, cả đêm mong chờ, sáng dậy cũng háo hức mẻ bánh chưng mẹ luộc y như mình ngày xưa hóng bánh bé xíu xiu bố luộc để còn ăn lúc nóng hổi.

Ở Hà Nội chẳng thiếu gì chỉ thiếu tiền, nên bánh chưng chẳng cần chờ đến Tết, lúc nào cũng sẵn luôn. Mà bọn nhỏ nhà mình thì chỉ thích bánh chưng không thịt, không đỗ để rán ăn. Thế thì nay mẹ gói cho tấm bánh chưng không nhân y như Tết năm nay của mẹ và nhiêu cô, dì, chú, bác khác.

 Tính ra gói bánh chưng cũng nhàn mà nhỉ:

- Sáng trước khi đi làm ngâm gạo nếp với đỗ xanh, xong thái thịt ướp với muối canh và hạt tiêu.

- Lúc đi làm về qua chợ mua 1 bó lá dong, bó lạt. Lúc nấu cơm bà rửa bó lá (chắc phải được vài lần gói nữa mới hết) chắc khoảng 10 phút thôi, xong trải ra cho dóc nước rồi lau khô.

- Gói có 3 cái thôi nên siêu nhanh.Lúc gói thì bọn nhỏ đứng le ve bên cạnh hỏi này hỏi kia nhức đầu nhưng mà vui. Xong xuôi, ngày xưa thì có đoạn luộc bánh chưng bếp củi qua đêm, ngồi canh háo hức lúc giao thừa.

Giờ mình chọn luộc bằng nồi áp suất. Mỗi lần luộc là được 3 hoặc 4 cái nhỏ xinh. Vừa đủ 3 anh em mỗi đứa 1 chiếc khỏi giành nhau.

- Nồi áp suất mình đổ nước ngập bánh, chọn chế độ hầm đậu. Xong lần 1 xả van hơi nước, sau đó lật bánh ngược lại luộc thêm 1 lần nữa.

- Luộc xong mình để trong nồi ủ, sáng sớm dậy nhấc ra rửa dưới vòi nước sau đó đem ép nhẹ cho bánh chắc lại.

Cũng chỉ kịp ép 2 cái thôi, còn 1 cái thì 4 bố con đứng cạnh canh từ lúc vớt bánh rồi. Ăn thì chẳng đáng bao nhiêu đâu mà sao cái đoạn háo hức nó lại hay thế nhỉ, vui phết.

Câu chuyện bánh chưng ngày Tết xin kết thúc tại đây. Nếu được hỏi có thích gói thêm không, có làm thêm mẻ nữa không? Mình vẫn mạnh dạn trả lời có và chắc chắn sẽ gói tiếp", chị Hòa chia sẻ. 

Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau học cách làm bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về. Cùng kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà mùi hương thơm lừng hòa quyện từ lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng – hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.

Hiện nay, đến ngày lễ Tết, do công việc bận rộn mà nhiều phụ huynh thường đặt hoặc mua bánh chưng ở các siêu thị, hàng quán, mua online... Vì vậy mà gia đình không tổ chức gói bánh chưng sum vầy và cùng nhau trông nồi bánh chưng chín như những Tết xưa. Lũ trẻ cũng không có được cảm giác háo hức khi chờ bố mẹ luộc cho cái bánh chưng để ăn. Để trẻ có được trải nghiệm và biết về nét đẹp văn hóa gói bánh chưng ngày Tết là điều vô cùng đặc biệt.