Bang Guppong - người tự cho mình là "Tổng tư lệnh Đội Giải phóng nhi đồng" đã cướp xe buýt của một học viện, nơi mẹ anh điều hành để đưa các em học sinh trên xe đến ngọn núi gần đó. Mong muốn của anh là giải phóng trẻ em, giúp chúng thoát khỏi những giờ học mệt mỏi, để có thể vui chơi thỏa thích theo đúng lứa tuổi.
Bang Guppong khẳng định: "Kẻ thù của trẻ em Hàn Quốc là trường học, cơ sở đào tạo và cha mẹ của chúng. Họ không muốn những đứa trẻ được hạnh phúc và khỏe mạnh. Họ thao túng luật pháp và thể chế để khiến trẻ em bận rộn hơn. Tệ hơn, việc đó khiến trẻ em xa lánh thế giới trước khi chúng trở thành người lớn".
Bang Guppong sau đó bị bắt và ra tòa với tội danh bắt cóc trẻ vị thành niên.
Đó là một phần nội dung trong tập 9 của bộ phim đang gây sốt thời gian gần đây - "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo". Trong phim, những đứa trẻ ngồi suốt 12 tiếng đồng hồ trên ghế để làm bài, sau đó phải đi học ngoài giờ đến 10h tối, nuốt vội một bữa ăn, "tiếp sức" bằng lon nước tăng lực trong cửa hàng tiện lợi.
Câu chuyện dường như được cường điệu trên phim ảnh, thực tế lại vô cùng quen thuộc hiện nay. Nhiều đứa trẻ hiện tại bị "đóng khung" vào một guồng quay khép kín: Học ở trường - học ở trung tâm - học kèm.
Cha mẹ bị cuốn vào cơn lốc của thành tích, của sự ngấm ngầm ganh đua mà quên rằng, con cần có lúc được chơi với bạn bè, gần gũi với thiên nhiên, giúp gia đình làm việc nhà, đọc sách, tìm hiểu những điều yêu thích. Đó cũng chính là học, và rất cần thiết cho cuộc sống. Đó cũng chính là cách để con giảm áp lực chuyện thi cử, học hành.
S.K.Y - mục tiêu 3 chữ vàng
Áp lực học tập luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Hàn Quốc. Đất nước này đứng gần cuối trong bảng xếp hạng dựa trên mức độ hạnh phúc của trẻ. Nguyên nhân chính nằm ở việc môi trường học tập cạnh tranh cao, trẻ thiếu thời gian để giải trí hay tham gia hoạt động khác.
Nghiên cứu do tổ chức Save the Children và ĐH Quốc gia Seoul thực hiện năm 2019 xếp Hàn Quốc đứng thứ 31 trong số 35 quốc gia được khảo sát về mức độ hạnh phúc của trẻ 10 tuổi. Một kết quả khảo sát nhân dịp Ngày Trẻ em 5/5 mới đây ở Hàn Quốc cũng cho thấy, cứ 5 trẻ em ở Hàn Quốc thì có 1 em cảm thấy không vui vẻ, hạnh phúc, mà lý do lớn nhất là vì áp lực phải học tốt ở trường.
Giáo dục Hàn Quốc thường được thế giới ngưỡng mộ, là mô hình để các quốc gia khác noi theo. Tiêu chuẩn giáo dục Hàn Quốc thực sự cao và các trường tư thục hay công lập đều cung cấp chất lượng giảng dạy tuyệt vời. Hàn Quốc cũng có tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới - 70% những người từ 24 đến 35 tuổi đã hoàn thành một số loại hình giáo dục sau trung học, chẳng hạn như bằng đại học hoặc cao hơn...
Nhưng đằng sau những thống kê rực rỡ, những điểm số cao ngất ngưởng trong những bài kiểm tra quốc tế PISA test (Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment) là hàng tá những sự đánh đổi.
Một ngày học điển hình ở trường trung học Hàn Quốc bắt đầu lúc 8 giờ sáng và kết thúc từ 4 giờ đến 4 giờ 50 chiều. Mỗi tiết học trong 50 phút, cả giờ nghỉ trưa cũng vậy. Tuy nhiên, khi việc học ở trường kết thúc, chuyện học sinh đi học thêm tại các học viện tư hoặc các buổi dạy thêm cho đến tận nửa đêm là điều bình thường. Vì vậy, không có gì lạ khi nghe nói có những học sinh, sinh viên học nhiều đến 18 giờ/ngày, kể cả thời gian ôn tập ở nhà.
Trước mỗi kỳ thi đại học, học sinh Hàn Quốc tiếp tục dành 2-3 tiếng tại các lớp ôn luyện, gọi là hagwons để củng cố kiến thức. Không chỉ có bữa ăn trưa, học sinh Hàn Quốc được phục vụ bữa ăn tối ngay tại trường vì ở lại học muộn.
Các bậc cha mẹ cũng bị trói buộc, dành toàn bộ tiền lương cho các trung tâm luyện thi tư nhân và dồn tất cả thời gian, năng lượng vào việc chăm sóc con cái. Trong bộ phim tài liệu "Nghịch lý giáo dục ngoại khóa" năm 2017 của Hàn Quốc, hầu hết các gia đình chi hơn 1 triệu won (khoảng 18 triệu) mỗi tháng cho các trường luyện thi, và một số gia đình thậm chí chi hơn 3 triệu won (khoảng 54 triệu). Đây chỉ là mức giá của những giáo viên bình thường.
Theo báo cáo, tổng dân số của Hàn Quốc là khoảng 52 triệu người, nhưng có hơn 100.000 cơ sở dạy thêm sau giờ học. Số liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố, năm 2019, người Hàn Quốc đã chi 19,5 nghìn tỷ won cho việc dạy thêm ngoại khóa. Ngay cả vào năm 2020, khi cơn đại dịch mới bùng phát, ngành dạy thêm sau giờ học ở Hàn Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng 5% và ít nhất 80% học sinh tiểu học và trung học tham gia học thêm sau giờ học.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung, 70% thu nhập hộ gia đình ở Hàn Quốc được chi cho giáo dục ngoại khóa. Vào tháng 3 năm 2020, khi đại dịch xảy ra nghiêm trọng nhất ở Hàn Quốc, hơn 70% các trường luyện thi ở địa phương vẫn mở cửa hoạt động. Năm ngoái, lĩnh vực giáo dục tư nhân của Hàn Quốc đạt doanh thu 9,3 nghìn tỷ won (tương đương 7,9 tỷ USD) với 5,35 triệu học sinh sử dụng dịch vụ.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ Hàn Quốc được bố mẹ kỳ vọng trúng tuyển một trường đại học ưu tú, trở thành công chức hay làm việc tại một chaebol (công ty lớn) của Hàn Quốc. Ước mơ của học sinh cấp 3 vì thế gói gọn trong 3 chữ vàng S.K.Y - tên viết tắt của ba trường đại học hàng đầu là Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei.
Ngày 18/11 hàng năm, sự im lặng bao trùm lên Hàn Quốc khi học sinh toàn quốc tham dự kỳ thi áp lực bậc nhất thế giới - Suneung. Sự khốc liệt của kỳ thi này được khắc họa trong kiến giải nổi tiếng "4 đỗ - 5 trượt": "Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể mơ tới việc thành một phần của S.K.Y. Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể thi đỗ vào trường đại học khác. Còn nếu ngủ 5 tiếng hoặc hơn, nhất là trong năm cuối cấp, thì hãy quên ngay ý định bước chân vào cổng trường đại học".
Mặt tối của nền giáo dục được ngưỡng mộ
Áp lực tạo ra kim cương nhưng "quá tay" đôi khi tạo thành đống tro tàn. Trước sự cạnh tranh khốc liệt để phân thắng thua cuộc đời qua một bài kiểm tra, các nhà phê bình cho rằng không có gì là đáng ngạc nhiên khi Suneung thường dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, thậm chí là các vụ tự tử ở những người trẻ tuổi.
Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nền kinh tế OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Và trong khi tỷ lệ này đã giảm trong những năm gần đây đối với hầu hết nhóm tuổi 30 đến 80, các vụ tự tử ở những người 9 đến 24 tuổi lại đang tăng. Năm 2019, có 876 người độ tuổi này tìm đến cái chết, nghĩa là cứ mỗi 100.000 thanh thiếu niên lại có 9,9 vụ tự tử. Trong một số trường hợp, Suneung được coi là nguyên nhân trực tiếp.
Trong phim "City in the Sky", Park Yingcai được nhận vào một trường đại học y khoa nhờ học hành chăm chỉ, nhưng vì "áp lực giáo dục" quá lớn phải chịu đựng trong quá trình học của mình, cậu bé đã bỏ nhà đi để trả thù sau khi hoàn thành "ước mơ của mẹ". Kết quả là mẹ cậu quẫn trí và tự tử.
Năm 2011, một học sinh trung học ở Hàn Quốc đã sát hại dã man mẹ mình rồi giấu xác. Nguyên nhân là do bị mẹ bắt học hành triền miên, thậm chí có lúc không cho ăn ngủ. Trong kỳ thi thử tuyển sinh đại học, cậu bé đứng thứ 4.000 trong số 700.000 thí sinh. Vì sợ bị la mắng, cậu đã thay đổi bảng điểm. Kết quả là người mẹ vẫn không hài lòng và định đến trường tìm giáo viên. Cậu bé đã giết mẹ mình vì sợ lộ ra sự thật.
Trong 30 năm qua, Hàn Quốc thực hiện hơn 21 cuộc cải cách lớn và điều chỉnh chính sách thi tuyển sinh đại học, tuy nhiên, chưa thấy sự thay đổi rõ rệt nào cho phụ huynh và trẻ em.
Trước khi thẩm phán đưa ra phán quyết, Bang Guppong, nhân vật trong "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo" nói: "Tôi muốn nói điều này với các ông bố bà mẹ đang nuôi dạy con. Các em nhỏ phải được chơi ngay bây giờ. Đợi sau khi vào đại học, sau khi đi tìm việc, sau khi kết hôn là quá muộn. Chơi ném bi, đuổi bắt, đóng cọc, nhảy dây… đợi sau này thì quá muộn. Quá muộn để tìm ra con đường duy nhất đến với hạnh phúc trong cuộc sống đầy âu lo".
Tờ Etoday đưa tin nhiều người Hàn Quốc đã cầm những tấm biển có in lời thoại của Bang Guppong để than thở về tình trạng hiện tại của trẻ em nước này.
Nhưng trên thực tế, sự mong muốn con mình phải giỏi như người ta, sự lo lắng, sợ hãi con mình hư hỏng vì quá nhiều cạm bẫy ngoài kia đã khiến nhiều ông bố bà mẹ phải dùng các biện pháp ép buộc với con. Vấn đề cạnh tranh khốc liệt để vào đại học và việc học thêm vẫn đang đè nặng lên vai trẻ em, tước đi thời gian quý báu và cơ hội tìm kiếm hạnh phúc của cuộc đời trẻ.