Đừng nghĩ rằng chiếc chậu rửa bát chỉ chiếm chưa tới 1 mét vuông trong phòng bếp của gia đình mà coi thường nó nhé. Bởi dù nhỏ bé thế thôi nhưng tần suất sử dụng nó trong ngày của mỗi gia đình là vô số kể. Bạn sẽ dùng để rửa sạch hoa quả, đồ ăn, rửa bát đĩa cho 3 bữa ăn hàng ngày,...
Nếu lựa chọn một chiếc chậu rửa bát kém chất lượng, không tiện sử dụng và khó vệ sinh hàng ngày, hay chậu quá nhỏ, làm bắn nước lên bàn bếp thì thực sự rắc rối to đấy.
Nên chọn chậu rửa bát được làm từ vật liệu tốt, dễ làm sạch sẽ giúp bạn tiết kiệm được một nửa công sức
Trước khi mua, bạn nên tìm hiểu các chất liệu làm nên chiếc chậu rửa bát. Hiểu rõ được ưu và nhược điểm của mỗi loại sẽ giúp bạn dễ dàng so sánh chúng.
Về cơ bản, chậu rửa bát có thể phân làm 3 loại: chậu rửa bằng đá, sứ, thép không gỉ...
- Chậu rửa bát bằng thép không gỉ
Đây là loại chậu rửa bát được ưa chuộng vào những năm 1990 vì các ưu điểm như chắc, bền, giá cả phải chăng. Chúng nhanh chóng chiếm thị phần lớn trên thị trường chậu rửa bát.
Chậu rửa bát bằng thép không gỉ có hai loại là inox 201 và inox 304.
Mặc dù cả hai loại đều được gọi là thép không gỉ nhưng điểm khác biệt lớn nhất là inox 201 rất dễ gỉ sét, gây ảnh hưởng tới chất lượng sử dụng. Chính vì thế, khi mua loại chậu rửa bắt bằng thép không gỉ bạn nên chọn loại inox 304.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm rằng, chất liệu thép không gỉ sẽ không sợ axit, kiềm và bền nhưng chúng lại rất dễ để lại vết xước trong quá trình sử dụng hàng ngày. Nếu để ý điều này, bạn nên lựa chọn loại chậu được mài để tạo các rãnh hoặc bề mặt gồ ghề để khéo léo che đi những vết xước.
Những chậu rửa bát bằng thép có giá thành rẻ nhưng nhược điểm là rất mỏng, các vết bo ở các góc thô và không có sự mềm mại, tinh tế. Đặc biệt những góc của chậu rửa bát này thường vuông 90 độ, dễ bám dầu mỡ và rất khó làm sạch khi rửa bát, chúng cũng là nơi thường xuyên bám bẩn và vi khuẩn.
- Chậu rửa bát bằng chất liệu đá
So sánh với chậu rửa bằng thép không gỉ thì chậu rửa bát được làm từ chất liệu đá như thạch anh hay đá granit sẽ có bề mặt sử dụng cứng cáp hơn. Nó cũng dễ làm sạch và không có thường xuyên bị xước trong quá trình sử dụng.
Nhưng tất nhiên, nhược điểm của chiếc chậu rửa bát được làm bằng chất liệu này là giá thành đắt. Nó thường đắt gấp đôi chậu rửa bát bằng chất liệu thép không gỉ.
Nếu bạn muốn đặt mua những mẫu thiết kế đẹp hơn ở nước ngoài, giá thành thậm chí còn cao hơn rất nhiều lần.
- Chậu rửa bát bằng sứ
Đây là mẫu chậu rửa bát bạn thường xuyên nhìn thấy chúng xuất hiện trên những bức ảnh chụp trên mạng.
Nhưng nó đúng là chỉ đẹp khi bạn chụp ảnh sống ảo mà thôi, bởi người ta vẫn thường có câu "đừng đụng vào hàng sứ". Nếu không giữ gìn và nhẹ nhàng được trong quá trình sử dụng, tốt nhất không nên chọn chất liệu này.
Kết luận:
- Nếu bạn coi trọng sự hiệu quả, chi phí ít thì nên chọn chậu rửa bát bằng thép không gỉ.
- Thích cao cấp hơn một chút, đủ túi tiền thì chọn chậu đá. Nhưng phải chú ý tới trọng lượng của chậu khi lắp đặt.
- Còn chậu sứ thì nên chọn loại được thiết kế theo phong cách retro.
Chậu rửa bát đôi tốt hơn chậu rửa bát đơn? Đừng nghe lời người bán hàng lừa bạn!
Nhiều người nghĩ rằng, lựa chọn một chậu rửa bát đôi sẽ tốt hơn chậu rửa bát đơn, bởi chúng dễ phân vùng làm việc và xử lý thực phẩm cho bạn. Bạn có thể rửa bát ở một bên, rửa rau ở một bên mà không ảnh hưởng gì tới nhau cả, nghe thật tiện lợi biết bao.
Nhưng thực tế việc lắp một chậu rửa đơn vẫn sẽ đủ linh hoạt để phục vụ nhu cầu sử dụng của bạn. Chúng còn rỗng rãi và thoáng đủ cho bạn sử dụng mà không cảm thấy bức bối.
Tất nhiên, nếu bạn thích sử dụng chậu rửa bát đôi vẫn được nhưng hãy chắc chắn rằng chiều dài của mỗi ngăn không dưới 40cm để việc rửa không bị ảnh hưởng.
Còn nếu phải lựa chọn một chiếc chậu rửa bát nhỏ cho phòng bếp mini của người độc thân, tốt nhất bạn nên chọn loại có độ sâu lớn hơn 20cm. Bằng cách này, bạn có thể tránh được tình trạng nước bắn ra thành và bệ bếp.
Lắp đặt chậu rửa bát theo hình chữ L sẽ hợp lý nhất cho căn bếp của bạn
Chậu rửa bát được lắp đặt hợp lý nhất là theo hình chữ L, theo đường di chuyển nấu nướng của con người.
Cách sắp xếp lần lượt sẽ là: Tủ lạnh - chậu rửa bát - bàn chuẩn bị đồ nấu ăn - bếp nấu.
Theo Yidoutang