Bầu trời biên giới đầu tháng 4, nắng nóng như đổ lửa nhưng lực lượng quân sự, biên phòng, công an cùng phối hợp căng mình chốt chặn đường sông, đường đồng, đường mòn, lối mở phòng để chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Tây Nam.
Căng mình siết chặt tuyến biên giới
Đại tá Nguyễn Quang Định - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp - cho biết Đồng Tháp có đường biên giới giáp với Campuchia dài 50,5 km với 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước (huyện Hồng Ngự), Dinh Bà (huyện Tân Hồng); 6 cửa khẩu phụ và 3 bến đò ngang trên tuyến biên giới sông Sở Thượng (huyện Hồng Ngự)… Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp quán triệt các đơn vị, đồn biên phòng trực thuộc thực hiện nghiêm công tác chống dịch Covid-19.
: Cửa khẩu quốc tế Thường Phước được kiểm soát chặt chẽ
Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ chung tay cùng với các cấp, các ngành, địa phương tham gia phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện, dựng lều dã chiến làm nhiệm vụ chống dịch ở tuyến biên giới. Dưới cái nắng oi ả, các anh vẫn căng mình chốt chặn 24/24 giờ không cho người dân qua lại biên giới.
Thiếu tá Trần Duy Ê - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, cho biết: "Lực lượng quân sự, biên phòng, công an phối hợp cùng tham gia làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nhằm phòng chống dịch Covid-19, đồng thời phòng chống tội phạm, buôn lậu".
Dựng lều dã chiến chống dịch tại các đường mòn, lối mở không cho người dân qua lại biên giới
Chúng tôi đến địa bàn biên giới của tỉnh Đồng Tháp, nhìn cảnh dựng lều dã chiến chống dịch như thời chiến của người lính với nhiệm vụ không để dịch bệnh bên ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Tinh thần của các anh đoàn kết một lòng, vượt qua cái nắng gay gắt, chấp nhận bữa ăn vội vàng với những tô mì gói để kịp tuần tra, canh giữ đường biên giới. Điều đó giúp chúng tôi hiểu thêm vai trò của người lính ở tuyến đầu vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc vừa chống dịch.
Lực lượng quân sự, biên phòng, công an canh giữ đường mòn, lối mở ngăn dịch Covid-19 trên tuyến biên giới
Trung úy Võ Quốc Thắng - Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, nói: "Tháng 4 thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng chúng tôi quyết tâm tuần tra, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở không để người dân xâm nhập trái phép, lây lan dịch bệnh".
Cùng tham gia chốt kiểm soát số 2 (xã Thường Phước) dân quân Nguyễn Hữu Trí, cho biết: "Mặc dù, xa gia đình, khó khăn, vất vả nhưng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
Chúng tôi ăn sáng vội tại Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Hồng Ngự, sau đó thượng tá Huỳnh Thanh Phong - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hồng Ngự dẫn đi đến kiểm tra các chốt chặn đường mòn, lối mở trên địa bàn huyện. Cho xe ghé vào chốt kiểm soát số 2, thượng tá Phong quả quyết rằng:
"Lực lượng quân sự phối hợp với biên phòng, công an lập các chốt kiểm soát quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Hồng Ngự. Đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, quản lý chặt chẽ người nước ngoài, người đến, đi qua biên giới".
Thức khuya, dậy sớm phục vụ
Để có được những bữa cơm ngon, ấm lòng tình quân - dân, các cán bộ, chiến sĩ phục vụ các điểm cách ly tập trung ở Phòng khám quân dân Giồng Găng (huyện Tân Hồng), Bệnh viện dã chiến tỉnh Đồng Tháp (TP Sa Đéc) phải thức khuya, dậy sớm chuẩn bị chu đáo từng bữa ăn. Công việc thầm lặng của người lính đều có cùng niềm mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi, người dân được trở về với cuộc sống thường nhật.
Áo bộ đội ướt đẫm mồ hôi khi phục vụ bữa ăn tại điểm cách ly
Hằng ngày, các anh đang căng sức mình để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh (Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp) được tăng cường về khu cách ly phục vụ, tâm sự:
"Chúng tôi hiểu được tâm trạng của người dân không khỏi lo lắng trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp; điều kiện sinh hoạt không được thoải mái như ở nhà. Vì vậy, anh em cố gắng hết khả năng của mình trong khâu phục vụ cũng như động viên người dân tuân thủ đúng nội quy, quy định để bảo vệ bản thân mình cũng như cho mọi người xung quanh".
Đến thăm điểm cách ly tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, chỉ đạo: "Không nhận tiền người cách ly để mua nhu yếu phẩm, cán bộ mua hàng hóa phục vụ công dân thực hiện cách ly. Chi phí tỉnh sẽ thanh toán".
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp còn nhắn gửi với cán bộ, chiến sĩ đang phục cách ly: "Đây là lúc chúng ta chia sẻ với đất nước, với địa phương và với những người đang bị cách ly. Chúng ta vất vả nhưng hãy đặt mình đang trong hoàn cảnh những người bị cách ly để làm tốt hơn, chứ không phải làm cho xong việc. Cuộc chiến chống Covid-19 đang giai đoạn quan trọng, mọi người cố gắng, phục vụ tốt, giữ gìn sức khỏe để dập dịch thành công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Gần 10 giờ trưa, chúng tôi vào bếp ăn, nhìn thấy người lính nấu ăn mồ hôi nhễ nhại, áo ướt đẫm nhưng ai cũng thấy vui, trò chuyện rôm rả khi đang phục vụ bữa cơm cho người dân đang bị cách ly. Nhìn thấy hình ảnh người lính phục vụ từng bữa cơm mà áo ướt đẫm mồ hôi, ai cũng tỏ lòng thương mến, quý trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (bìa trái, hàng đầu) đến thăm điểm cách ly tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Đồng Tháp
Ông V.H.H., quê quán tỉnh Nghệ An, đang sinh sống và làm việc tại Anh về cách ly tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Đồng Tháp, tâm sự: "Đây là lần đầu tiên tôi được sống trong doanh trại quân đội, cuộc sống có những điều thật sự rất thú vị và trở thành kỷ niệm trong đời.
Ở gần các cán bộ, chiến sĩ thật sự ấm áp, bởi cách cư xử thân thiện, tận tình, chu đáo như người thân trong gia đình. Tôi rất xúc động khi biết rằng, để chăm lo cho người dân đang cách ly, các anh phải thức khuya, dậy sớm chuẩn bị cơm nước, rồi vệ sinh khu vực nơi ở của người dân, phun xịt hóa chất tiêu độc khu vực, chăm sóc y tế cho mọi người".
Các chiến sĩ chuẩn bị bữa ăn cho người cách ly tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Đồng Tháp.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quí - trợ lý hậu cần Bệnh viện dã chiến tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Hầu như ngày nào, giờ nào cũng có người dân nhờ chúng tôi mua thứ này, thứ kia phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Rồi đến bữa ăn hằng ngày, khâu chuẩn bị cũng khá vất vả, bởi có người ăn chay trường, có người không ăn được cá da trơn, gia đình có trẻ nhỏ...
Nhiều lúc rất mệt bởi có lúc một mình phải đảm đương nhiều công việc, nhưng anh em động viên, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ".