Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quyết định chưa từng có trong tiền lệ là phong tỏa các thành phố lớn với dân số tổng cộng lên đến gần 60 triệu người. Đứng trên chiến tuyến chống lại virus corona, đội ngũ y tế đối mặt với tình trạng thiếu thốn trang thiết bị cùng sự đe dọa đến từ các bệnh nhân và người nhà quá khích của họ.

Tận lực chiến đấu với bệnh tật, y bác sĩ Vũ Hán còn đối mặt với khó khăn từ thiếu trang thiết bị đến nỗi khổ "thù trong giặc ngoài" khó ai thấu - Ảnh 1.

Một bác sĩ ở Vũ Hán cho biết anh đã không về nhà được 2 tuần. Trong ca làm việc gần đây của anh, đã có khoảng 150 bệnh nhân đứng chờ được thăm khám.

"Tất cả mọi người đều lo lắng. Một vài người tuyệt vọng vì phải chờ đợi suốt nhiều giờ liền giữa thời tiết lạnh giá. Tôi nghe một bệnh nhân đứng xếp hàng hét lên rằng anh ấy đã chờ đợi quá lâu nên giờ đây chỉ muốn đâm chúng tôi. Tôi lo lắng thật nhưng giết chúng tôi cũng đâu thể làm giảm đi số bệnh nhân đang xếp hàng chờ đến lượt mình, đúng không?" - vị bác sĩ chia sẻ.

Nỗi lo của vị bác sĩ trên hoàn toàn có thể hiểu được. Theo tờ Beijing Youth Daily, hồi 29/1 vừa qua, 2 bác sĩ ở bệnh viên Vũ Hán thứ 4 bị người thân của 1 bệnh nhân bị nhiễm virus corona hành hung. 1 trong số 2 nạn nhân còn bị đám người kia xé áo bảo hộ ngay trong khu vực dễ lây nhiễm.

"Chúng tôi luôn trong tình trạng cảm xúc dâng trào khi bệnh viện đã hoạt động hết công suất từ hồi đầu tháng 1. Nhiều bệnh nhân thậm chí còn không có giường nằm. Nhưng chúng tôi phải làm sao bây giờ? - một bác sĩ yêu cầu được giữ kín danh tính trải lòng.

Chiến đấu với bệnh tật thôi chưa đủ, y bác sĩ Vũ Hán còn đối mặt với muôn vàn khó khăn từ thiếu trang thiết bị đến "thù trong giặc ngoài" - Ảnh 2.

Tính đến ngày 31/1, Trung Quốc có hơn 9.600 ca nhiễm bệnh và 213 người chết. Con số này đã bỏ xa báo cáo về hội chứng hô hấp cấp tính SARS hồi 2002-2003. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định dịch viêm phổi cấp Vũ Hán là một vấn đề nguy cấp toàn cầu, có thể lây lan đến những quốc gia thiếu khả năng đối phó với nó.

Bắc Kinh cho biết họ đã huy động hơn 6.000 nhân viên y tế để giúp đỡ người dân ở tỉnh Hồ Băc, nơi có thành phố Vũ Hán là thủ phủ. Lực lượng quân đội Trung Quốc cũng hoạt động tối đa để đưa các bác sĩ đến 3 bệnh viện tuyến đầu trong việc tiếp nhận và chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm virus.

Tại Hồ Bắc, khoảng 500 nghìn nhân viên y tế đã bỏ qua kì nghỉ Tết Nguyên đán để túc trực tại bệnh viện để đối phó với dịch bệnh nhưng vẫn không thể hoàn toàn ngăn chặn được sự lây lan của virus corona. 60% người nhiễm bệnh và 95% ca tử vong do dịch viêm phổi ở Trung Quốc đều là người dân ở tỉnh Hồ Bắc. Các bệnh viện ở tỉnh này hiện tại đã gần như quá tải tất cả.

Theo lời một bác sĩ thì lực lượng quân y được điều đến để hỗ trợ nhưng các bệnh viện vẫn không đủ nhân lực.

"Có quá nhiều bệnh nhân cần được điều trị, quá nhiều người chờ được kiểm tra sức khỏe, tất cả đều đang rất bận rộn. Nhưng chúng tôi ai nấy đều dốc toàn lực để các đồng nghiệp của mình được chợp mắt dù chỉ 1-2 tiếng" - một bác sĩ chia sẻ.

Theo Tân Hoa Xã, Đại học quân y đến từ Trùng Khánh đang tiến hành điều trị cho hơn 72 bệnh nhân nhiễm virus corona tại bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán. Các nhân viên y tế ở thành phố cho biết họ tình hình cung cấp trang thiết bị y tế đã cải thiện nhưng vẫn chưa đủ hoàn toàn.

Một bác sĩ ở bệnh viên Tongji đã phải mặc duy nhất một bộ đồ bảo hộ trong suốt 1 ca làm việc kéo dài 10 tiếng của mình vì không đủ thiết bị.

"Đồ bảo hộ cần phải được thay mỗi khi chúng tôi ra khỏi khu vực cách ly các bệnh nhân. Tôi phải mặc tã người lớn và hạn chế uống nước trong mỗi ca làm việc để không phải đi vệ sinh quá nhiều lần. Điều này đã trở thành chuyện hiển nhiên phải làm của chúng tôi ở bệnh viện" - vị bác sĩ nói.

Tận lực chiến đấu với bệnh tật, y bác sĩ Vũ Hán còn đối mặt với khó khăn từ thiếu trang thiết bị đến nỗi khổ "thù trong giặc ngoài" khó ai thấu - Ảnh 3.

Theo nhật báo chính thức của Vũ Hán, Yangtze Daily, ngày 26/1 vừa qua, thành phố Vũ Hán đã nhận được 10 nghìn đồ bảo hộ, 800 nghìn mặt nạ hô hấp N95 , 5 triệu khẩu trang dùng 1 lần và 4.200 cặp kính. Nguồn cung cấp này được nhận định là đầy đủ, giúp giảm bớt sự thiếu hụt trang thiết bị tạm thời.

Thế nhưng, bác sĩ ở bệnh viện Tongji cho biết họ lại gặp phải vấn đề về chất lượng của các thiết bị được hỗ trợ.

"Chúng tôi đã có kinh nghiệm về những thiết bị kém chất lượng tràn lan thời gian qua. Tôi không chắc ai đã mua những thứ này cho bệnh viện và nếu không đảm bảo được sự an toàn và chất lượng, bác sĩ và y tá như chúng tôi có thể chết" - người này cho biết.

Ngày 30/1 vừa qua, 1 bác sĩ ở bệnh viên Liên minh Vũ Hán đã lên Weibo kêu gọi sự ủng hộ của mọi người vì hiện nay bệnh viện đã rơi vào tình trạng thiếu thốn trầm trọng các thiết bị y tế, bao gồm đồ bảo hộ, mặt nạ và kính.

Bài đăng này đinh kèm chi tiết về tài khoản ngân hàng và số điện thoại của các nhân viên bệnh viện để mọi người có thể liên lạc. Một trong số đó là 1 người đàn ông họ Cheng, nói rằng đồ bảo hộ mặc 1 lần là thiết bị cấp thiết nhất.

"Nếu không có đồ bảo hộ, bác sĩ không thể đến thăm khám hoặc chữa trị cho bệnh nhân nên sự thiếu hụt thiết bị này ảnh hưởng rất lớn đến công việc của chúng tôi. Chúng tôi cần số lượng rất lớn đồ bảo hộ để dùng mỗi ngày. Bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng sau khi lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ lần đầu tiên nhưng rất nhiều thiết bị được chuyển đến đây không đảm bảo chất lượng y tế nên chúng tôi đành phải bỏ chúng đi" - Cheng cho biết.

Người này còn nói thêm rằng các bác sĩ ở bệnh viện Liên minh Vũ Hán đang phải làm việc dưới áp lực từ mọi phía. Thời gian làm việc của họ mỗi ngày có thể lên đến 15-16 tiếng. Chính vì điều đó nên những ngày gần đây, mạng xã hội không ngừng lan truyền những đoạn clip cho thấy các y bác sĩ đã gục ngã về mặt tinh thần, vỡ òa cảm xúc vì phải làm việc quá nhiều mà không được nghỉ ngơi.

Chiến đấu với bệnh tật thôi chưa đủ, y bác sĩ Vũ Hán còn đối mặt với muôn vàn khó khăn từ thiếu trang thiết bị đến "thù trong giặc ngoài" - Ảnh 5.

Nữ y tá vỡ òa cảm xúc vì áp lực công việc.

Một bác sĩ khác cùng đồng nghiệp của anh đã phát hiện ra rằng các nhân viên quản lý và khối điều hành đã lấy đi nhiều khẩu trang mà các y bác sĩ đươc hỗ trợ, hơn số lượng được cung cấp rất nhiều.

"Tôi rất tức giận. Tiền tuyến đang thiếu hụt trang thiết bị y tế thế mà những người có quyền lực lại giành phần lợi ích về cho riêng mình. Chẳng phải đội ngũ y bác sĩ chúng tôi nên được ưu tiên trước hay sao? Những người đứng đầu bệnh viện đang sử dụng khẩu trang N95 loại tốt hất trong khi các bác sĩ và y tá tiền tuyến lại phải mang đồ bảo hộ thông thường. Tôi còn có thể nói gì nữa đây" - bác sĩ bức xúc chia sẻ.

(Nguồn: SCMP)

Chiến đấu với bệnh tật thôi chưa đủ, y bác sĩ Vũ Hán còn đối mặt với muôn vàn khó khăn từ thiếu trang thiết bị đến "thù trong giặc ngoài" - Ảnh 6.