5 năm lấy nhau, đến nay vợ chồng Liên - Tuấn (Hà Đông, HN) đã có với nhau một mặt con gần 4 tuổi. Nhưng từ lúc lấy nhau đến giờ, Tuấn - chồng Liên vẫn lười y nguyên như ngày hai người mới cưới. 

Mỗi khi đi làm về, Tuấn không đụng vào bất cứ việc gì trong nhà. Về đến nhà, người chồng siêu lười 31 tuổi này chỉ có ăn, nằm kềnh xem ti vi và ngủ. Quần áo Tuấn thay ra cũng không buồn treo lên móc hay bỏ vào máy giặt. Ngược lại, thay xong, Tuấn thả luôn xuống cái chậu giặt ở nhà tắm.

Ngày nào đi làm về, lúc nào Liên cũng thấy nhà cửa ngổn ngang. Chưa kể nhìn quần áo mỗi nơi một cái mà bà vợ trẻ một con này không khỏi ngao ngán.

Bận con nhỏ là thế nhưng ngày nào Liên cũng phải nhắc chồng đi tắm, rửa tay. Mỗi lúc ăn tối xong, Liên nhắc nhiều lắm thì Tuấn mới lau hộ cái bàn, xếp hộ cái ghế. Nếu hôm nào Liên quên không nhắc là y như rằng, Tuấn lại ra phòng khách nằm khểnh xem ti vi... 

“Nhiều lúc nghĩ chăm chồng mà cứ chẳng khác nào phải chăm sóc như con vậy. Nói ra mọi người không tin. Nhưng ngay cả chuyện vợ chồng, anh cũng lười y như vậy. Lâu lâu, chồng còn chẳng thèm đụng vào vợ. Tối nào xem phim xong, chồng cũng ôm gối ngủ một mạch đến sáng thôi” - Liên tâm sự.

Chiến dịch “cải tạo” chồng siêu lười của các bà vợ 1
Ngày nào đi làm về, lúc nào Liên cũng thấy nhà cửa ngổn ngang. Chưa kể nhìn quần áo mỗi nơi một cái mà bà vợ trẻ một con này không khỏi ngao ngán.

Quá chán ngán với cuộc sống có người chồng lười biếng và hững hờ, Liên thấy khổ tâm và mệt mỏi quá. Chẳng lẽ vợ chồng lại vì chuyện này mà chia tay? Nhưng bao nhiêu lần góp ý chồng phải đỡ đần việc nhà cho vợ là bấy nhiêu lần Tuấn không chịu. Liên cũng thấy “đã hết thuốc chữa bệnh lười” cho chồng rồi.

Nhưng Liên nghĩ, cô sẽ không thể hầu hạ chồng cả đời như này được. Thế là người vợ thông minh này bắt đầu nghĩ cách lên kế hoạch cải tạo chồng lười. Đặc biệt, Liên sẽ nghĩ cách làm sao để chồng phải chăm chỉ một cách tự nguyện. 

Dù bận rộn và mệt mỏi, Liên cũng cố bắt đầu chịu khó nhờ chồng làm việc nhà với. Ban đầu chỉ là những việc đơn giản nhưng tần suất nhờ vả cứ ngày một nhiều lên. 

Mỗi lúc Liên đang nấu cơm thì cô giả bộ nhờ chồng quét nhà. Lúc Liên rửa bát thì cũng không quên nhờ chồng đi giặt tất hay phơi quần áo từ máy giặt. Lúc thì có kẻng đổ rác, Liên giả vờ bận gọi chồng đi đổ rác giúp. Hoặc có lúc, Liên lại nhờ chồng mang hoa quả lên tầng để cô chuẩn bị thắp hương…

Đầu tiên, khi bị vợ vô cớ nhờ vả nhiều việc, Tuấn càu nhàu và ức chế ra mặt. Chồng Liên còn bảo: “Lấy vợ về để làm gì?”. Bản thân Liên thường xuyên phải nhắc nhở hoặc nhờ chồng việc, cô cũng nói đến mỏi miệng vì phải nhờ vả nhẹ nhàng đến gay gắt đều có. 

"Mà có phải lúc nào chồng mình cũng nghe đâu. Lúc chồng vui thì làm, không vui thì có nói mấy cũng chịu. Nhiều khi mình còn nghĩ thôi tự làm đi còn nhanh hơn, đỡ phải nói, phải năn nỉ hay cằn nhằn cho thêm nhức đầu ra" - Liên mệt mỏi kể.

Bên cạnh nhờ vả chồng, Liên còn "huấn luyện" chồng bằng cách kêu mệt mỏi thường xuyên hơn. Liên phân tích cho chồng hiểu, thời gian đi làm của cô cũng như chồng mà lại còn phải làm tất cả việc nhà. Nếu làm suốt ngày luôn chân luôn tay thế này, Liên sẽ mệt mỏi, căng thẳng, sức khỏe không tốt để chăm con. Cứ thế, "mưa dầm thấm lâu", chồng Liên bắt đầu cảm thông hơn và dần dần tự nguyện làm việc nhà giúp vợ.

Đến giờ, sau gần 1 năm cải tạo chồng lười, Liên hồ hởi khoe: “Giờ nghe thấy kẻng rác là chồng đã tự động đem xô rác đi đổ rồi. Thi thoảng anh còn tự nguyện nhận lau nhà giúp mình dù lau vẫn còn rất rối. Có lúc mình bảo muốn đi tập thể dục chiều tối nhưng chưa đi được vì phải lo nấu cơm. Thế là chồng bảo cứ đi đi, chồng nấu cơm hộ. Nói chung cứ từng bước dần dần cải tạo chồng vì nếu sống mãi với chồng lười thì nản lắm”.

Trường hợp nhà Hương - Dũng (Tây Hồ, HN) cũng có chồng siêu lười hệt như nhà Liên. Trước đây khi chưa có con, sáng dậy trước khi đi làm là Hương đã sắp sẵn áo (đã là phẳng phiu), quần, tất, khăn mùi xoa sẵn sàng cho chồng. Nhưng cứ đi làm về là Dũng lại vứt uỵch quần áo, tất mỗi chỗ một chiếc. Nhiều lúc, Hương tìm để đi giặt còn mãi chẳng ra, vì toàn thấy tất cọc cạch. 

Ăn tối xong, Dũng cũng chỉ ngồi đọc báo, xem ti vi, vào mạng, chơi game. Chẳng bao giờ, Dũng hỏi được vợ một câu như "Cần chồng giúp gì không?". Buồn ngủ thì Dũng lại vào phòng ngủ với màn Hương đã mắc sẵn, gối đã để ngăn nắp. Có lúc Dũng còn lèo nhèo đòi vợ đấm lưng, nặn trứng cá, nhổ tóc sâu rồi mới đi ngủ.

Nhưng khi vợ chồng còn son thì không sao. Đến khi có con, Hương mới hối hận vì đã quá chiều chồng. Lúc này, thời gian Hương dành cho bản thân còn không có, huống chi dành được cho chồng nhiều.

Hương ít khi quan tâm đến chồng hẳn, việc nhà Hương cũng không thể làm chu toàn như trước. Thậm chí có hôm, Hương còn mặc kệ cho chồng mặc áo nhăn nhúm đi làm. Dù trong lòng Hương cũng xót, nhưng người phụ nữ này quyết để vậy, hy vọng chồng biết tự chăm sóc bản thân. 

Và y như rằng, vì việc này mà vợ chồng Hương hay sinh chuyện cãi nhau. Chồng Hương bực bội, cố tình không hiểu nói: “Lấy vợ rồi mà còn không bằng cả lúc chưa có vợ”. Hương thì chán ngán với chồng lười lại không biết cảm thông nên không buồn nói nữa.

“Mình nhận ra, cứ cố làm thì chồng cũng chả thương mình hơn. Thế nên mình đành phải thương lại bản thân mình trước đã. Nhỡ mình lăn ra ốm thì lúc đó ai chăm con?" - Hương than vãn.

Chiến dịch “cải tạo” chồng siêu lười của các bà vợ 2
Thấy chồng đại lười và không chia sẻ việc nhà với vợ, Hương cũng liên tục nói lời mật ngọt khi nhờ vả chồng. Cứ thế chồng tít mắt cười sung sướng và tự nguyện giúp vợ.

Thấy chồng đại lười và không chia sẻ việc nhà với vợ, Hương không thèm nói nửa lời. Hương cũng mặc kệ việc trong nhà, làm được đến đâu thì làm chứ không cố như trước. Và nếu mệt quá thì cô không làm, chỉ cho chồng ăn uống đơn giản, nhà bẩn thì 1 tuần cô dọn dẹp 1 lần...

Nhà Hương có khoảng 30 cái cốc, cứ mỗi hôm ăn xong chồng Hương lại mang 1 chiếc cốc lên để vừa ngồi xem vừa uống (coca/nước cam/ nước ngọt...). Uống xong, chồng Hương không bao giờ đi rửa. Hương quyết thi gan để đấy. Có lần hết sạch cốc, chồng Hương mới chịu đi rửa. 

Cho tới một lần, Hương làm hết việc nhà như nấu cơm, dọn dẹp rửa bát, tắm cho con, lau nhà... rồi mệt quá nằm vật ra. Chồng Hương sợ quá hỏi vợ. Được thể, Hương nói một tràng trong nước mắt tủi thân: “Em quá mệt mỏi rồi. Em không thể cứ kéo dài thế này được nếu anh không chia sẻ việc nhà với em. Em là vợ chứ có phải ô sin đâu. Ô sin còn có lương chứ vợ thì việc gì cũng đến tay”.

Từ hôm đó, thương vợ, Dũng nhận giúp Hương lau nhà, đổ rác, cho quần áo vào máy giặt và phơi quần áo. Tuy có lúc nhớ lúc quên Dũng không làm nhưng vì đã giao cho chồng nên Hương mặc kệ. Nhà bẩn thì chịu bẩn, kệ cho chồng tự giác làm. 

Bên cạnh đó, Hương cũng liên tục nói lời mật ngọt khi nhờ vả chồng. Cô cũng cứ luôn mồm nhờ trong ngon ngọt: “Chồng yêu ơi, giúp vợ cái này với”. Khi chồng làm xong thì lại bắt đầu giả vờ bài ca ca tụng để động viên chồng ngay tức thời. Cứ thế, Dũng sung sướng cười tít mắt.

“Để chờ chồng tự giác làm thì không có chuyện đâu. Vì thế, phải áp dụng bài ca nhờ vả thì mới có hy vọng chồng sẵn sàng làm cho. Như thế, cũng đỡ hơn hồi đầu nhiều rồi. Giờ thì cứ nhờ vả dần dần tạo thói quen cho chồng thôi. Phải bắt chồng làm nhiều hơn nữa cho quen việc để không thấy ngại mới được” - Hương tâm sự.

Cười tươi như hoa, Hương cũng kể về bữa ăn cuối tuần trước. Đây là lần đầu tiên cô được chồng nấu cho ăn: “Trước nhờ làm gì, mặt chồng phụng phịu hoặc làm miễn cưỡng. Giờ thì đã thấy làm hăng hái hơn. Như cuối tuần trước, chồng còn tự nấu cho vợ được món bún xào cơ đấy. 

Nhưng chả hiểu sao, khi dọn ra được đúng đĩa bún nhỡ mà chồng bày ra biết bao nhiêu xoong nồi, rổ giá. Khi mình đi rửa bát, chồng còn xông vào đẩy vợ ra. Nhưng chồng rửa bát xong thì báo hại mình phải đi lau nhà vì nước bắn tung tóe ướt cả sàn bếp”.


Hãi hùng vợ lười
Chiến dịch “cải tạo” chồng siêu lười của các bà vợ 3