Chị Phương Nhi (Q7, TPHCM) đã có những chia sẻ thú vị làm sao để chung sống hòa thuận và gắn bó với mẹ chồng mình như mẹ đẻ dưới một mái nhà.  

Mỗi dịp cuối tuần hay vào dịp lễ, mình với mẹ chồng thường cùng nhau đi chợ mua đồ ăn về nấu cho cả nhà. Thấy hai mẹ con quấn quýt lấy nhau, không ít các chị bán rau quả cứ nhầm mình là con gái của mẹ chồng mới ghê chứ”, chị cười kể.

Bí quyết của chị Nhi không khó như các cô con dâu vẫn tưởng đó là chị rất chịu khó chú ý và quan tâm đến những sở thích vụn vặt nhất của mẹ chồng. Ví dụ điển hình như một chuyện nhỏ nhặt nhất trong bữa ăn đó là bát mắm tôm chấm thịt. Bữa ăn nào có món thịt luộc chị đều chuẩn bị kỹ càng đến hai bát để chấm. Vì mẹ chồng chị không ăn cay được nên chị cất công học cách pha chế mắm tôm như thế nào cho ngon rồi dọn riêng cho mẹ chồng một chén mắm chấm không tỏi, không ớt. Mẹ chồng chị có sở thích là ăn ớt xanh. Thế là mỗi lần đi siêu thị, chị đều mua một ít về bỏ tủ lạnh dùng dần. Mẹ chị thấy vậy rồi mắng chị là mua nhiều để nó hư lại phí. Thấy vậy, chị cười xuề xòa đáp: “Nhúm ớt có mấy tiền đâu mẹ, thà phí mấy nghìn còn hơn là nhỡ hết mà chưa kịp mua, mẹ lại ăn không ngon miệng”.

Chị kể: “Mỗi lần như vậy mẹ chồng mình lấy làm ưng ý lắm nhưng ít khi biểu hiện ra mặt để mình biết. Một lần có bà bạn đến nhà chơi, mình ở trên lầu, nghe mẹ chồng mình thỏ thẻ ‘Con dâu tôi nó hiếu thảo lắm, thương tôi như mẹ nó vậy, đến bát mắm tôm mà nó còn làm riêng cho tôi chấm, quan tâm đến tôi từ những cái nhỏ nhặt. Tôi thích ăn gì nó đều mua sẵn rồi bỏ trong tủ lạnh, chưa hết nó lại mua cái khác rồi’ làm chị thấy như mở cờ trong bụng”.

Nhà chồng chị là trưởng nên một năm có rất nhiều ngày giỗ chạp ông bà, các cụ hai bên nội ngoại chồng, chị đều ghi tất tần tật vào cuốn sổ tay nhỏ, sát đến ngày lại nhắc để cùng mẹ chồng chuẩn bị cho tươm tất. Mặc dù ở nhà, chị nắm rõ cách nấu các món cúng giỗ nhờ học được từ mẹ, thậm chí có những món chị nấu còn ngon hơn cả mẹ chồng nhưng cứ hễ nấu món gì, chị đều quay sang hỏi bà bí quyết làm sao để nấu ngon như bà khiến mẹ chồng chị lấy làm thích chí lắm. “Lúc thì mình hỏi làm sao để tỉa củ cà rốt đẹp như mẹ, lúc thì mình hỏi ninh thịt thăn bò trong bao nhiêu phút là mềm. Có cái gì mình không biết, mình đều hỏi mẹ chồng cụ thể. Thứ nhất là bổ sung vào sổ tay nấu ăn những bí quyết gia truyền của gia đình nhà chồng, thứ hai nữa là mình tạo cho bà cảm giác mình cần mẹ chồng. Vì vậy, mình hay được mẹ chồng tẩm bổ cho, lúc thì bát gà tần thuốc bắc, lúc thì bát canh khoai sọ sườn non...”, chị cười lớn kể.

Chiến thuật cưa đổ mẹ chồng
Chiến thuật của chị đã chinh phục thành công thiện cảm của mẹ chồng (Ảnh minh họa).

Cũng là người đã "cưa đổ" thành công trái tim mẹ chồng là chị Diệu Hiền (Ba Đình, Hà Nội). Chị cho hay: “Mẹ chồng mình cực kì thương con dâu. Thậm chí nếu bà thấy mình đi làm về mà lại tất bật vào bếp nấu ăn, trong khi chồng mình nằm dài xem ti vi thì bà lại mắng cho anh một trận. Chồng mình lại thuộc dạng điếc không sợ súng nên phải đến khi bà cầm chổi đánh cho mấy cái, lúc đó mới chịu xuống phụ vợ nhặt rau ấy chứ”. 

Chị chia sẻ, để “lôi kéo” được mẹ chồng về phe mình, chị đã mất một thời gian dài thích nghi với cuộc sống nhà chồng, lúc đó chị mới rút ra những kinh nghiệm xương máu cho bản thân mình.

Trước đây, vào những dịp như mùng 8/3 hay 20/10, chị đều đích thân đến cửa hàng đặt một lẵng hoa thật đẹp rồi nhờ dịch vụ vận chuyển mang đến tận nhà tặng mẹ chồng. Chị ngồi ở cơ quan mà trong lòng lấy làm vui sướng lắm, nghĩ bụng thế nào về cũng được mẹ chồng tấm tắc khen. Nhưng ai mà ngờ được lúc về nhà, chị bị bà mắng cho một trận. Mẹ chồng chị bảo như thế là phung phí, hoa để vậy nhiều lắm là 3 ngày rồi cũng quăng vào sọt rác, chi bằng để số tiền ấy đi làm từ thiện còn hơn. Chị tiu nghỉu, ậm ừ đi lên phòng, nghĩ chiến thuật này của mình thực sự không ổn.

Chị Hiền cho biết, chị bị mắc kẹt trong suy nghĩ không tặng thì không được, mà tặng thì lại bị mẹ chồng mắng. Rồi chị chợt nghĩ ra kế sách hay đó là nếu tặng hoa tươi mà không chơi lâu dài được thì tặng hoa chậu hay giỏ lan chẳng hạn. 

"Hôm ấy sinh nhật mẹ chồng, đi làm về mình khệ nệ xách thêm hai giỏ lan tím với lan vàng. Mẹ chồng thấy vậy ra xách giùm mình rồi hỏi ‘Của ai đây’. Mình trả lời tỉnh queo ‘Quà sinh nhật của mẹ đấy’. Mình để ý thấy mẹ chồng mình cười tủm tỉm rồi lấy bình xịt hai giỏ lan mà vẫn không quên mắng yêu mình ‘Mua làm gì cho tốn kém hả con’”, chị cười ríu rít kể lại.

Một lần khác, khi bố chồng chị đi du lịch Thái Lan với cơ quan, chồng chị thì đi công tác Sài Gòn chưa về. Ở nhà chỉ còn hai mẹ con lủi thủi, chị bèn nghĩ nhân dịp này chị sẽ rủ mẹ chồng đi đổi gió. Chị đặt một phòng ở nhà hàng sushi rồi về nhà chọn cho mẹ chồng bộ váy đẹp nhất để hai mẹ con xúng xính dắt nhau đi hẹn hò.

Chiến thuật của mình đã cưa đổ mẹ chồng thành công. Mẹ chồng thương mình lắm, sáng sớm dậy đi làm, mình đã được mẹ chồng chuẩn bị cho lúc thì bát bún thịt kèm ly sữa, lúc thì bát phở kèm ly nước cam. Mẹ bảo mẹ rảnh rang hơn mình nên muốn dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho tươm tất. Rồi vào mỗi dịp cuối tuần, mẹ chồng đều rủ mình đi mua sắm, đi siêu thị mà chưa lần nào phải để mình phải trả tiền cả...”, chị mỉm cười tâm sự.

Rồi đến những ngày tháng mình mang thai, mẹ chồng đều lân la hỏi những bài thuốc dân gian để chữa những bệnh cảm vặt vãnh cho chị. Tối nào mẹ chồng cũng bắt chị đi thể dục với bà để sau này dễ sinh nở hơn. “Có lần hai mẹ con mình đi dạo với nhau, mẹ chồng mình bảo ‘Ngày xưa mẹ đã chịu khổ lắm rồi, nên bây giờ, mẹ không đặt nặng vấn đề mẹ chồng con dâu như các bà, các cụ ngày xưa. Mẹ xem con như con gái của mình vậy’. Thậm chí, bà còn bảo hẹn mẹ mình để cả hai cùng đi uống café tâm sự cho gần gũi nhau hơn”, chị kể.