Tắm lá mùi, uống nước mùi ngày Tết, cơ thể nhận được nhiều lợi ích!
Đã là thông lệ, cứ đến 30 Tết hàng năm, các gia đình Việt lại nấu một nồi nước cây mùi già để cả nhà tắm rửa. Khi lựa chọn những cây mùi để đun nước tắm, các gia đình nên chọn loại đã trổ hoa, kết trái, thân cây chuyển từ màu xanh sang nâu tía. Như vậy mới đảm bảo rằng khi đun nước tắm sẽ có mùi thơm ngan ngát, cay cay cực kỳ đặc biệt.
Nhiều gia đình cho rằng hương thơm cay cay của lá mùi già có thể xua tan mọi hạn đen của năm cũ, rũ bỏ tà khí, đón một năm mới tốt đẹp hơn.
Không chỉ vậy, tắm lá mùi già còn là phương pháp để làm thư giãn cơ thể, hỗ trợ sức khỏe rất tốt. Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam): Cây mùi có vị cay, tính nóng rất thích hợp để giải cảm, phòng cảm cúm. Người có dấu hiệu cảm xông và tắm nước lá mùi sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.
Theo dân gian, việc sử dụng lá mùi để xông hoặc đun nước tắm có thể giải đi những nhiệt độc trong cơ thể, trừ tà khí, khu phong. Việc tắm, gột sạch cơ thể bằng lá mùi sẽ giúp lấy lại khỏe, tinh thần thoải mái, tránh cảm cúm.
Vị lương y cho hay, mùi có vị cay, tính nóng nên có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh. Có tác dụng chữa trị bệnh cảm, giảm đau phong thấp, thấp khớp, cực kỳ tốt cho những người bị suy nhược thần kinh, đau nhức nửa đầu...
Theo thông tin trên tạp chí Medical Microbiology, các nhà khoa học Đại học Nội vụ Beira, Bồ Đào Nha đã chứng minh rau mùi có khả năng kháng khuẩn. Việc ứng dụng đặc tính này của rau mùi trong ngành công nghiệp thực phẩm và y học có thể kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật, ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh.
Ngoài đun nước tắm, thì đun nước mùi già rồi uống cũng có tác dụng trong việc kích thích tiêu hóa ngày Tết. Theo ghi chép của sách Nam dược cây mùi nấu nước để nguội uống có tác dụng tiêu thức ăn, kích thích ăn ngon miệng. Do những ngày đầu năm chúng ta có xu hướng ăn nhiều thịt, đồ chiên rán... nên rất dễ gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Uống nước mùi già có thể là một giải pháp tốt.
Dùng hạt mùi trộn với mật ong ăn giúp chữa trĩ nội và trĩ ngoại. Rau mùi nấu ăn cùng rau sam ăn cả cái và nước chữa kiết lỵ đau bụng mót rặn đi ngoài ra máu.
Nhưng cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng
1. Những ai nên thận trọng trong việc tắm lá mùi?
- Người mắc bệnh da liễu: Đang mắc các bệnh về da như viêm da cơ địa, da trầy xước, bong tróc da, nhiễm trùng da… không nên tắm các loại nước lá nói chung và lá mùi nói riêng.
- Trẻ mắc sởi, thủy đậu: Không nên tắm cho những trẻ đã mắc bệnh sởi hay thủy đậu khi đang bị sốt, ủ bệnh sởi hay khi trẻ đã mọc ban và thậm chí là ngay khi sởi vừa bay. Bởi việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.
2. Thời điểm không nên tắm lá mùi
Đó là khi ăn no. Lúc này không nên tắm lá mùi già vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng, ở tim, dẫn đến tiêu hóa kém, chóng mặt, tim đập nhanh.
3. Sai lầm nên tránh khi tắm lá mùi
Không nên tắm nước lá mùi quá đặc và có thể pha loãng chúng ra bằng cách hòa thêm nước nóng lạnh để tắm được thoải mái hơn. Hơn nữa, nên rửa lá mùi sạch trước khi nấu nước tắm để loại bỏ các tạp chất, các vi khuẩn thường bám trong lá mùi. Trong rau mùi già có thể nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... nên việc rửa thật kỹ, thật sạch loại rau này là cần thiết