Chiều con thái quá hóa hại con
Dù đã 6 tuổi nhưng bé Mi không thích đi học, mỗi lần chuẩn bị đến trường là kêu khóc, giãy giụa.
Mi là một trong số những trẻ mắc hội chứng bám mẹ từng được điều trị tại khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương.
Chỉ có một số rất ít là trẻ bẩm sinh đã quá nhạy cảm, hay lo sợ, chủ yếu nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng này là do người mẹ |
Theo lời mẹ em, bé Mi sinh ra khi bố mẹ đã lớn tuổi, cách người chị gái đầu 15 tuổi, nên được cả nhà rất chiều chuộng. Người mẹ sau khi sinh đã nghỉ việc ở nhà chăm con và lúc nào cũng ở bên quấn quít, lo cho con từng ly từng tí. Bé Mi rất bám mẹ, mẹ đi đâu cũng đòi đi theo. Khi bắt đầu đi mẫu giáo bé khóc nhiều quá sinh bệnh nên lại được gia đình cho ở nhà.
Chị gái Mi cũng rất chiều em và cô em coi đó là người mẹ thứ hai, luôn bám riết lấy mỗi khi mẹ vắng mặt. Khi chị gái đi lấy chồng, Mi nhất định không cho, khiến cả nhà bối rối.
Đến tuổi vào tiểu học, Mi rất sợ đến trường, chẳng chơi với bạn nào, và nếu phải vào lớp, mẹ phải đứng ở cổng để em nhìn thấy thì mới yên tâm học, nếu không Mi đòi về ngay.
Bác sĩ Minh cho biết, quá bám mẹ, bé Mi rơi vào hội chứng rối loạn lo âu chia ly, luôn sợ mẹ đi mất, sợ bị bỏ rơi, có cảm giác bất an khi không có mẹ bên cạnh. Trường hợp của em khá nặng. Thực tế, có rất nhiều trẻ bám mẹ với những biểu hiện phổ biến như chỉ quấn quít bên mẹ, sợ môi trường xung quanh... Đa số những trường hợp đến khám thường có các biểu hiện lâm sàng như nôn, đau bụng, đau đầu (nhất là khi phải đi học, xa mẹ) mà khi khám thực thể không phát hiện được nguyên nhân.
Trường hợp của bé Nhím, con chị Nhung ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng là một điển hình như vậy.
Mỗi buổi sáng đưa con đi học là một cuộc chiến của hai mẹ con. Bé Nhím quấn quít mẹ vô cùng. Mọi việc trong nhà đều phải đợi mẹ làm cho, từ rửa mặt, tắm, cho đi vệ sinh... Hễ chị Nhung có việc gì ra khỏi nhà là bé kêu khóc, đòi đi theo. Nhím cũng không thích chơi cùng các bạn trong xóm. Được mẹ dẫn đi đâu, cô bé cũng bám chặt lấy chân mẹ hoặc bắt mẹ bế, chứ không muốn chạy xuống vui chơi như trẻ khác.
Thấy con nhút nhát, chị Nhung càng thương bé, và mãi khi con 4 tuổi chị mới cho bé đến trường mầm non.
Đến khi Nhím đi học, sáng nào bé cũng kêu khóc: "Mẹ ơi, con ở nhà với mẹ, con không đi đâu". Nếu bị đưa đến lớp, bé lại tiếp tục điệp khúc: "Mẹ ở đây với con, con sợ lắm". Ra ngoài cổng trường, chị Nhung đứng lại nghe tiếng con khóc lặng mà nước mắt cũng ngân ngấn.
Chỉ được đúng hai buổi, sau đó, cứ sáng ra là bé kêu đau bụng, đau đầu, thậm chí lăn ra nhà, nôn mửa khiến chị Nhung lo lắng vô cùng, sợ con bị bệnh gì nên cho bé đi khám. Tuy nhiên, các kết quả siêu âm, xét nghiệm, khám lâm sàng đều cho thấy bé không có bệnh tật gì. Mãi tới khi làm test tâm lý, chị mới biết con mình mắc hội chứng bám mẹ.
Theo bà Quách Thúy Minh, trẻ dưới 2 tuổi thường gắn bó với mẹ, sợ thế giới bên ngoài, nhưng từ 3 tuổi trở lên, các bé bắt đầu thích tự khẳng định mình, muốn được độc lập. Vì vậy, nếu trẻ trên 3 tuổi mà vẫn không thích chơi với người khác, nhất là bạn cùng lứa, đến chỗ đông người thường tỏ ra sợ hãi, bám chặt lấy mẹ, không muốn xa mẹ dù một vài phút, sợ đi học... thì là bất thường.
Bác sĩ Minh cũng cho biết, chỉ có một số rất ít là trẻ bẩm sinh đã quá nhạy cảm, hay lo sợ, chủ yếu nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng này là do người mẹ. Một số bà mẹ hay lo âu, nuông chiều, bao bọc con quá mức, làm thay con mọi việc. Những bà mẹ này lúc nào cũng sợ con gặp nguy hiểm, một số người còn không dám cho con đến nhà trẻ vì sợ con bị lây bệnh, không được chăm sóc chu đáo... Họ cố gắng làm mọi cách để bảo vệ con, dành toàn bộ thời gian của mình để ở bên chăm sóc con và tưởng như thế là tốt cho trẻ.
Thực tế, trẻ dưới một tuổi rất cần được mẹ bế bồng, nựng nịu chăm sóc để tạo cảm giác an toàn, tình cảm gắn bó. Nhưng từ 6 đến 8 tháng, bé đã bắt đầu biết phân biệt người lạ, quen thì mẹ cũng cần phải tách dần để con quen dần với môi trường xung quanh, và độc lập, trưởng thành hơn.
Những trẻ bám mẹ sẽ nhút nhát, hay sợ hãi, lệ thuộc, cảm thấy mẹ là nhất, khó thích nghi với môi trường mới và hòa đồng với những người xung quanh. Nếu không được điều chỉnh cách giáo dục, những trẻ này sẽ lớn lên sẽ là những người kém tự lập, khó hòa nhập, thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc sống hôn nhân sau này.
Hãy dần dần để con thích ứng với việc không có mẹ bên cạnh |
Bản thân người mẹ cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực vì sẽ luôn lo lắng, sợ xa con, sợ con gặp điều không may. Nhiều người không dám đi công tác, không dám đi chơi hay đi làm vì không yên tâm để con cho người khác chăm sóc.
Bác sĩ Minh cho biết, để tránh những điều này, người mẹ cần tự kiểm soát cảm xúc và giúp con "tách" mẹ dần dần. Hãy cho bé cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, tập cho con tự làm những việc có thể, ví dụ, bé 2 tuổi có thể tự xúc cơm ăn, tự rửa tay...