Thông thường, những chú chim hải âu trắng phau bay vòng vòng trên bờ biển mang lại cho chúng ta ấn tượng về sự thanh lịch và đáng yêu. Ở một số thành phố biển phương Tây, loài chim này còn trở thành biểu tượng đặc trưng không thể thiếu.
Thế nhưng, phía sau những ấn tượng tốt đẹp về những chú chim hải âu là sự thật phũ phàng. Chúng có thói quen “cướp giật” một cách trắng trợn. Khoai tây chiên, hamburger, kem… trên tay du khách đột ngột không cánh mà bay. Thủ phạm không ai khác, chính là những con chim hải âu, hay còn gọi là mòng biển.
Song, các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng trái đất nóng lên, nhiệt độ tăng cao đã dẫn đến một loạt các vấn đề môi trường. Đồng thời, những con chim mòng biển có những dấu hiệu thay đổi tập tính và hành vi. Chúng ngày càng "to gan" hơn, thích phá hoại, thậm chí còn có thể làm ra hành vi tàn nhẫn như nuốt chửng chim non.
Biến đổi khí hậu dẫn đến thay đổi hành vi
Vào tháng 7/2019, mòng biển Anh đã xuất hiện trên các tờ báo lớn vì chúng đã "bắt" một chú chó Chihuahua ở Devonshire, bị phát hiện nuốt sống chim bồ câu và thậm chí săn thỏ.
Natalie Williams, chủ sở hữu của chú chó Chihuahua mất tích, đã theo dõi mái nhà, nơi mòng biển hay đậu, sau đó tìm thấy một đống xác chết trông rất đáng sợ và lông động vật, thậm chí còn có xác một con mòng biển bị cắn chết bởi những con mòng biển khác.
Về thiên hướng hành vi hung tàn ngày càng tăng và lý do khiến mòng biển săn mồi các loài chim và động vật có vú khác, các nhà khoa học tin rằng điều này có liên quan mật thiết đến những thay đổi môi trường toàn cầu.
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, nhiều sinh vật phù du và cá di cư đến vùng nước sâu, lạnh hơn. Điều đó có nghĩa là mòng biển sống xung quanh các vùng nước nông gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn.
Ngoài ra, sự suy thoái của ngư nghiệp nước Anh trong những năm gần đây cũng góp phần vào tình trạng khan hiếm thức ăn ở mòng biển. Dưới tình thế này, nhiều loài chim đã phải tiến sâu vào nội địa để tìm kiếm nguồn thức ăn mới.
Ở Anh, một người dân thành phố Bristol đã chụp được hình ảnh mòng biển bắt chim bồ câu. Sau khi bức ảnh được chia sẻ lên mạng xã hội Twitter, nhiều người để lại bình luận kể lại trải nghiệm nhìn thấy những cảnh tượng tương tự.
Từ đó có thể đưa ra nhận định: Có vẻ như các loài chim khác đã trở thành thức ăn thông thường của mòng biển. Thậm chí, người dân ở Devonshire cũng nhìn thấy nhiều cảnh tượng mòng biển tàn nhẫn nuốt chửng đồng loại.
Bên ngoài một nhà hàng ở Cornwall Shire, một con mòng biển đang ăn thịt chim bồ câu khiến thực khách không khỏi run sợ. Dọc theo bờ biển Northern Bergland, nhiều người đã nhìn thấy cảnh mòng biển bắt và ăn chim non ngay cả khi chim mẹ đang kề bên.
Hành vi quá quắt: Say xỉn, nôn ói, cướp giật
Càng đáng chú ý hơn là, những con mòng biển này không chỉ thích “mùi máu của chim”. Không ít người trên khắp nước Anh đã nhìn thấy những con mòng biển say xỉn rơi xuống mái nhà, lảo đảo trên đường và thậm chí nôn vào những người đang cố gắng cứu giúp chúng.
Mùa hè năm 2019, một người đã ghi lại cảnh tượng bầy chim mòng biển đang “mở tiệc” trên bãi biển Bournemouth với các loại rượu vang và bia mà khách du lịch chưa uống hết.
Điều càng khiến người ta mở mang tầm mắt hơn là một chai rượu vang trong số đó đựng nước tiểu và đã được lũ chim uống gần hết. Xem ra mòng biển say rượu cũng không khác gì con người là mấy!
Nhưng chúng không chỉ uống bia rượu thừa của con người, một chim mòng biển có biểu hiện “ác tính” hơn, dần dần học được cách giật lấy rượu từ tay người.
Fiona Heath, đến từ Glasgow (Scotland), chia sẻ trải nghiệm là nạn nhân của những con chim mòng biển trên Twitter: “Một con mòng biển vừa bay đến uống rượu và làm đổ ly rượu của tôi. Chúng không chừa lại cho tôi một giọt nào cả”.
Hiệp hội Phòng chống ngược đãi động vật Anh (RSPCA) đã “tiếp nhận chữa trị” gần 30 con mòng biển điên trong 2 tuần liền. Ban đầu, nhóm người trong hiệp hội cho rằng những con chim này mắc một chứng bệnh thần kinh mới, nhưng mọi chuyện vỡ lẽ sau khi họ phát hiện chúng đã tự khỏi ngay sau khi nôn mửa.
Jo Daniel, người đứng đầu tổ chức, chịu trách nhiệm giải cứu những con mòng biển say rượu thực hiện chiến dịch đầu tiên vào mùa hè năm 2019.
“Những con mòng biển đó giống như người say xỉn, bốc ra mùi rượu nồng nặc, làm cho chiếc xe cứu hộ động vật của chúng tôi có mùi như một quán bar di động”, Jo kể lại.
Virgil Turner, một lính cứu hỏa ở Dorsetshire, cũng kể lại câu chuyện về việc giải cứu mòng biển say rượu: “Khi chúng tôi đến, một con mòng biển đã rơi ra khỏi mái nhà. Nó đứng lắc đầu và đột nhiên cố gắng bay lên khi tôi đến gần”.
Sau đó, Turner đã tóm được “con chim ngốc đang mất nhận thức”, mòng biển bị kích thích đột ngột nên đã nôn ra trên người lính cứu hỏa.
Song, không phải tất cả mòng biển thoạt nhìn say rượu đều là kẻ nghiện rượu. Còn có một khả năng khác.
Vào khoảng tháng 7 hàng năm, một số lượng lớn "kiến bay" tràn ngập nước Anh. Những con kiến này chứa axit formic, có thể làm ngộ độc mòng biển ăn phải và biểu hiện gần giống như dùng thuốc gây ảo giác.
Có người nhìn thấy mòng biển bay loạn như phát điên trên không trung, nhiều con biểu hiện hành vi công kích tàn nhẫn.
Bảo vệ hay tiêu diệt loài vật đang trở nên "xấu tính" này?
Ở Anh, nhiều người già đã bị mòng biển mổ vào đầu, một số người đưa thư đã bị tấn công nhiều lần và thậm chí có những con chó bị mòng biển “đánh hội đồng” cho đến chết.
Tháng 7 hàng năm là thời điểm mòng biển trở nên hung hăng nhất, vì khoảng thời gian này chính là giai đoạn quan trọng để con non của chúng phát triển đến khi đủ sức bay ra khỏi tổ.
Vì những hành vi ngày càng thái quá này, chính quyền hạt Worcestershire thậm chí đã thuê "nhân viên kiểm soát mòng biển" chuyên nghiệp để đối phó với những con chim này. Một số địa phương khác gọi mòng biển là "chuột bay hung dữ", kêu gọi đuổi hết loài động vật có hại này.
Tuy nhiên, thái độ của các tổ chức cứu hộ động vật lại khác hẳn.
Wild Bird Aid, một nhóm cứu hộ ở đảo Wight, đã đăng tải hình ảnh của 6 con mòng biển chết trên mạng xã hội. Theo đó, họ cho rằng các tài xế lái xe đã cố sức cán chết chúng.
Theo luật pháp Anh, những người cố tình giết hoặc bắt nhốt mòng biển sẽ phải chịu án tù lên đến 6 tháng hoặc phạt tiền 5.000 Bảng.
Tuy nhiên, trong trường hợp mòng biển say rượu hoặc trúng độc vì ăn phải kiến độc bay tán loạn trên đường thì việc xác định người lái xe cố ý giết loài chim được bảo vệ này là chưa đủ cơ sở.
Người dân muốn "trục xuất" mòng biển ra khỏi nơi sinh sống của họ. Nhóm bảo hộ động vật lại ra sức bảo vệ loài chim này. Hai luồng ý kiến đã và đang tranh đấu dữ dội.
Xét theo góc độ bao quát hơn, nguyên nhân khiến mòng biển trở nên "xấu tính" là biến đổi khí hậu, hay đó chính là do một tay con người làm ra. Nếu trong tương lai, loài chim này có biểu hiện nguy hại hơn thì chính quyền chắc chắn phải có biện pháp xử lý triệt để.
(Nguồn: Thepaper)