Tăng trần giá vé máy bay nội địa

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa có hiệu lực từ ngày 1/3 với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến quyền lợi của khách hàng.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024: Tăng trần giá vé máy bay nội địa, thêm đối tượng ưu tiên mua nhà- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo đó, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế-xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000-250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể:

- Với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,2 triệu đồng/vé/chiều);

- Đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,79 triệu đồng/vé/chiều);

- Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,2 triệu đồng/vé/chiều);

- Đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,75 triệu đồng/vé/chiều).

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024: Tăng trần giá vé máy bay nội địa, thêm đối tượng ưu tiên mua nhà- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp

Thông tư số 09/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính vừa ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo thông tư này, mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp như sau:

Đối với trường hợp cấp mới, gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: 5 triệu đồng/1 lần thẩm định. Đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: 3 triệu đồng/1 lần thẩm định.

Đối tượng làm việc ở khu công nghệ cao được ưu tiên mua nhà

Theo Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao, có hiệu lực từ ngày 25/3, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao, trong đó có nhiều chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao cũng như đào tạo nhân lực,... mà người lao động có thể quan tâm.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024: Tăng trần giá vé máy bay nội địa, thêm đối tượng ưu tiên mua nhà- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, tại khoản 5 Điều 14 quy định các đối tượng thuê, mua, thuê mua nhà ở, cơ sở lưu trú phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao gồm: Nhà đầu tư và cá nhân là chuyên gia, người lao động làm việc tại khu công nghệ cao được thuê nhà ở trong thời gian hoạt động, làm việc tại khu công nghệ cao.

Người lao động làm việc trong Ban quản lý khu công nghệ cao, chuyên gia và người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với các nhà đầu tư tại khu công nghệ cao được ưu tiên xét mua nhà ở.

Tuy nhiên, việc mua, thuê mua nhà ở chỉ thực hiện đối với khu nhà ở xây dựng ngoài ranh giới khu công nghệ cao.

Ngoài ra, theo Điều 22 về Xuất cảnh, nhập cảnh, tạm trú, lưu trú trong khu công nghệ cao:

Người lao động được phép tạm trú, lưu trú tại cơ sở lưu trú trong khu công nghệ cao để phục vụ hoạt động trong khu công nghệ cao khi các điều kiện sau đây được đáp ứng:

a) Khu vực lưu trú phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng, bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường và vệ sinh, an toàn lao động theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghệ cao;

b) Người lao động là công dân Việt Nam thực hiện tạm trú, lưu trú theo quy định của pháp luật về cư trú; người lao động là người nước ngoài thì thực hiện tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.