Bổ sung thêm bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 02/2023/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.

Theo đó, “bệnh COVID-19 nghề nghiệp” được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2023 - Ảnh 1.

Bệnh COVID-19 nghề nghiệp được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Theo Phụ lục 35 Thông tư 02:

- Bệnh COVID-19 là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

- Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau:

+ Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2. 

+ Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. 

+ Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP. 

+ Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.  

Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa

Thông tư 02/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.

Theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau: 

a) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa chính được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; 

b) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; 

c) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2023 - Ảnh 2.

Thi tuyển công chức, đã đạt kiểm định đầu vào thì không phải thi vòng 1

Đây là một trong những nội đáng chú ý nêu trong Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Căn cứ Điều 4 Nghị định 06/2023/NĐ-CP, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.

Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trước ngày 31/01 hằng năm, Bộ Nội vụ sẽ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. 

Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.

Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2023 - Ảnh 3.

Lớp cận chuyên, chất lượng cao bị xoá sổ

Đây là thông tin đang được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Cụ thể, theo Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 15/4/2023) nhấn mạnh không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.

Lớp học trong trường chuyên vẫn được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học với sĩ số không quá 35 học sinh/lớp.

Việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường trung học phổ thông chuyên như hiện nay được cho phép thực hiện đến hết năm học 2023 - 2024. Còn các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường trung học phổ thông chuyên trước đó vẫn tiếp tục thực hiện cho đến khi học hết lớp 12.

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2023 - Ảnh 4.

Cho phép bảo lãnh ngân hàng theo phương thức điện tử

Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/4/2023, đã bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử. Do đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua phương tiện điện tử.

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật.

Lưu ý, việc nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử sẽ bị giới hạn giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh:

Khách hàng là cá nhân: Giá trị mỗi cam kết bảo lãnh không quá 4 tỷ đồng. 

Khách hàng là tổ chức: Giá trị mỗi cam kết bảo lãnh không quá 45 tỷ đồng.

Giới hạn này không áp dụng với các trường hợp như: Thông tin nhận biết khách hàng được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách hàng gửi đề nghị cấp bảo lãnh thông qua hệ thống SWIFT; khách hàng sử dụng chữ ký số khi đề nghị cấp bảo lãnh; khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,…