Trước đó, 4 đại dương đã được Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ công nhận gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

Mặc dù việc đề xuất chỉ định vùng nước băng giá quanh lục địa phía Nam phủ băng tuyết này như một đại dương riêng biệt đã xuất hiện từ gần 100 năm trước và được các nhà khoa học sử dụng nhưng cho đến nay, đề xuất này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, vào ngày 8/6/2021 - Ngày Đại dương Thế giới, Nam Đại Dương đã chính thức trở thành đại dương thứ 5 trên bản đồ của hành tinh chúng ta.

Nhà địa lý Alex Tait cho biết: "Nam Đại Dương từ lâu đã được các nhà khoa học biết đến, nhưng vì chưa có thỏa thuận quốc tế nào nên chúng tôi chưa bao giờ chính thức công nhận nó".

Chính thức công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ 5 của Trái đất - Ảnh 1.

Dòng hải lưu Nam Cực xác định ranh giới của Nam Đại Dương. (Ảnh: Shutterstock)

Theo ông Alex Tait, một trong những tác động lớn nhất của việc công nhận Nam Đại Dương sẽ là đối với ngành giáo dục: "Học sinh tìm hiểu thông tin về thế giới đại dương thông qua các đại dương trên Trái đất. Nếu không bao gồm Nam Đại Dương, học sinh sẽ không được tiếp nhận các chi tiết cụ thể về đại dương này và cũng như tầm quan trọng của nó".

National Geographic Society bắt đầu lập bản đồ vào năm 1915, nhưng mới chỉ chính thức công nhận 4 đại dương, được xác định bởi các lục địa giáp với chúng.

Trong khi đó, Nam Đại Dương không được xác định bởi các lục địa bao quanh nó mà bởi dòng hải lưu Nam Cực chảy từ Tây sang Đông. Các nhà khoa học cho rằng, dòng hải lưu Nam Cực được tạo ra cách đây 34 triệu năm khi lục địa Nam Cực tách khỏi Nam Mỹ.