Với việc áp dụng quy tắc "phòng bệnh hơn chữa bệnh" và ứng dụng công nghệ cao, các nhà khoa học đã mang lại thêm hy vọng trong việc cứu chữa bệnh nhân.
7 năm trước, ông Adams đang ngồi xem tivi tại nhà của mình ở Sydney thì lên cơn đột quỵ. Nhờ có người vợ ở ngay bên, ông may mắn được cấp cứu tức thì. Nhưng thời khắc sinh tử đó không bao giờ phai mờ trong ông, nếu lúc đó không có người thân bên cạnh, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ông Michael Adams - Thành phố Sydney, Australia nói: "Nếu có 1 thiết bị đơn giản mà ta có thể sử dụng thường xuyên để kiểm tra xem mình có nguy cơ bị đột quỵ, đau tim không thì tốt biết mấy".
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney tin rằng họ đã tiến rất gần đến việc phát triển loại thiết bị này. Mặc dù các cơn đau tim dường như không thể đoán trước nhưng thường có những dấu hiệu cảnh báo. Con chip có thể xác định những thay đổi nhỏ trong máu vốn diễn ra rất lâu trước khi xảy ra đột quỵ hoặc đau tim. Họ có thể phát hiện xem dòng chảy của máu có bị xáo trộn, dẫn đến đông máu hoặc gây tắc nghẽn mạch máu hay không. Cách thức hoạt động của thiết bị này tương tự như các xét nghiệm COVID-19.
Tiến sĩ Arnold Lining Ju - Đại học Sydney, Australia cho biết: "Chỉ cần lấy một lượng máu nhỏ và cho máu đi qua thiết bị này, máu sẽ đông lại và chúng tôi sẽ đo cơ chế đông máu xem tốc độ nhanh chậm thế nào. Từ đó đưa ra dự đoán, đánh giá nguy cơ cho bệnh nhân".
Theo các nhà khoa học Australia, con chip này có thể thay đổi cuộc sống của những người có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ ở Australia và trên toàn thế giới. Theo thống kê năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận gần 18 triệu ca tử vong trên toàn cầu do bệnh tim mạch.