Cho chị gái vay khi vàng 3,1 triệu/chỉ, giờ lên gần 12 triệu/chỉ vẫn không thấy tăm hơi đâu!
Những ngày gần đây, vàng đang là từ khoá nhận được nhiều sự quan tâm khi giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Khi giá vàng liên tục tăng, vàng đang là tài sản trú ẩn được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người lâm vào cảnh "dở khóc dở cười" khi giá vàng tăng.
Điển hình như cô gái dưới đây, cô tâm sự cho chị gái vay vàng khi giá vàng khoảng 3,1 triệu/chỉ. Nhưng sau 6 năm, khi giá vàng đang tăng gấp nhiều lần, vẫn không thấy tăm hơi chị gái đâu! Giá trị cây vàng đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm cho vay, và cô gái không biết xử lý thế nào với trường hợp này để vẫn đòi được tài sản, mà không mất lòng trong gia đình.

Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, cô gái tâm sự như sau:
"Năm 2019, em có cho người ta vay 1,2 cây vàng. Năm đó vàng mới có 3,1 triệu/chỉ. Theo thời gian vàng lên 40 triệu em có hỏi. Nhưng vàng lên người ta trả xót nên không trả. Lên 52 triệu em lại hỏi. Lên 73 triệu, em cũng bảo trả đi, càng không trả. Mà đó là vàng cưới, anh em và dòng họ cho em ngày em đi lấy chồng. Gọi là họ gửi, sau này em phải trả lại.
Mà em cho người ta vay (cho chị gái ruột vay), em hỏi không được. Giờ vàng lên gần 12 triệu/chỉ, em ú ớ luôn. Em không biết làm sao để lấy lại được số vàng đấy. Ngày chị hỏi vay để mua bất động sản, em bảo mới đi lấy chồng, không có tiền và chỉ có ít vàng cưới. Có vàng vay thì em cho vay thôi.
Trước khi cho vay, em cũng đã bảo rằng vay vàng thì sau trả bằng vàng. Vàng có lên hay xuống giá em không biết. Vay vàng thì phải trả bằng vàng cho em".

Nhiều người lo ngại cô gái sẽ không đòi được vàng. (Ảnh minh hoạ)
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã bình luận đưa ra lời khuyên cho cô gái. Đa số đều nhận xét rằng việc "vay vàng trả lại bằng vàng" là cần thiết. Đặc biệt là khi người chị gái vay vàng để mua bất động sản, giá đất cũng tăng, nên việc trả lại bằng vàng cũng là điều rất đáng. Thậm chí, nếu bán được giá bất động sản thì cũng có thể "tán lộc" lại cho em gái cũng được.
Dù người em cho vay vàng khi giá chỉ 3,1 triệu/chỉ, bây giờ đã lên gần 12 triệu/chỉ, thì người chị vẫn cần phải trả vàng. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại cho cô gái khi đã liên tục giục chị gái trả, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có động thái nào. Chỉ sợ rằng cô chị không có ý định trả thì sẽ rất khó xử và gây mất lòng trong gia đình!
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Ngày xưa lúc mẹ không có tiền đóng học phí cho mình thì mẹ có vay dì cái vòng vàng. Dượng sợ mẹ con mình bán, có ý không muốn cho mượn. Nhưng có vẻ đó là của riêng dì nên dì nhất quyết cho mượn. Khi ra trường, việc đầu tiên mình làm là trả nợ hết vàng. Sau đó đến ngân hàng chính sách cho vay đi học. Mình biết đời có vay có trả, ăn giựt của người khác thì không khá lên nổi được".
- "Dù vàng tăng giá nhưng cũng nhất định phải trả chứ. Mình vay vàng lúc đợt 5,5 triệu/chỉ. Khi vàng lên khoảng 10 triệu/chỉ, họ đòi thì cũng đành phải xoay trả. Bởi lúc khó khăn được họ giúp đỡ, thì bất luận khi vàng lên hay xuống cũng phải trả. Mình thống nhất vay vàng trả vàng, vay tiền trả tiền, đúng hẹn là phải trả".
- "Em vay bố mẹ ruột 13 cây vàng từ năm 2018 cũng 3,5 triệu/chỉ. E mới trả ông bà lúc 83,8 triệu. Em chỉ tiếc là sẵn tiền mặt mà không trả ông bà sớm hơn thôi. Giờ càng thấy may vì trả đi chứ giờ lên 11,5 triệu/chỉ rồi. Chị ruột bạn mà không trả, thì khó giữ tình chị em lắm".
- "Mình không thích cho người nhà vay là như thế. Nhiều người chẳng giữ chữ tín, phải nhớ cho ra cho, vay ra vay. Nên ai vay, mình bảo phải trả đúng hẹn, không thì bảo họ ra ngoài vay hoặc vay ngân hàng để họ có trách nhiệm với số tiền đó. Chứ nhiều người cứ cậy là người nhà, người thân nên kì kèo mãi không trả. Nhiều khi đi gặp mặt gia đình, thấy họ sống phông bạt mà nợ của mình thì mãi chẳng thấy đâu".
- "Vay vàng để mua bất động sản, bây giờ chắc giá bất động sản cũng phải tăng 2-3 lần rồi mà chị lại không có ý định trả. Mình chỉ sợ chị gái đó không muốn trả thôi, đợt 4 triệu/chỉ còn không trả thì bây giờ lại càng khó đòi ".

Ảnh minh hoạ.
Những lưu ý khi cho người thân vay tài sản
Cho người thân vay tiền, tài sản hoặc vàng có nhiều khác biệt. Bởi người vay là họ hàng, nếu trong trường hợp phải đi đòi tiền, thì cũng rất khó xử và dễ mất tình cảm gia đình. Nếu xử lý không khéo, có thể bạn vừa mất tiền, vừa mất luôn mối quan hệ!
Vậy nên trước khi quyết định xuống tiền cho người thân vay tiền, hãy lưu ý những điều sau nhé!
1. Đánh giá khả năng tài chính: Chỉ cho vay trong giới hạn
Trước khi cho người thân vay tiền hoặc tài sản, bạn cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng tài chính của bản thân để đảm bảo không ảnh hưởng đến các nhu cầu thiết yếu hoặc mục tiêu cá nhân. Hãy xem xét thu nhập hàng tháng, chi phí sinh hoạt, quỹ tiết kiệm, và các nghĩa vụ tài chính khác.
Ví dụ, nếu bạn kiếm 20 triệu/tháng, chi tiêu 15 triệu, và tiết kiệm 3 triệu, chỉ nên cho vay tối đa 2 triệu để không làm xáo trộn quỹ dự phòng. Với tài sản như vàng, trang sức, hoặc bất động sản, hãy cân nhắc nguy cơ khó đòi lại hoặc mất giá trị. Chỉ cho vay khi bạn chắc chắn rằng mất khoản này không khiến bạn rơi vào khó khăn.
2. Xác định mục đích và khả năng trả nợ của người vay
Một lưu ý quan trọng là tìm hiểu mục đích vay và khả năng trả nợ của người thân. Hãy hỏi rõ họ cần tiền hoặc tài sản để làm gì – như chữa bệnh, kinh doanh, hay mua sắm – và liệu họ có nguồn thu nhập ổn định để trả lại.
Ví dụ, nếu em họ muốn vay 30 triệu để mở quán cà phê, bạn cần biết kế hoạch kinh doanh của họ có khả thi không, hay chỉ là ý tưởng nhất thời. Nếu người thân có lịch sử vay mượn không trả đúng hạn, hãy thận trọng hơn. Hiểu rõ hoàn cảnh giúp bạn quyết định có nên cho vay, và nếu có, thì với số lượng bao nhiêu để giảm rủi ro.

Cho người thân vay tài sản nhất định phải giữ nguyên tắc ghi chép rõ ràng, vay ra vay, cho ra cho. (Ảnh minh hoạ)
3. Ghi chép rõ ràng và đặt thời hạn cho khoản vay
Để tránh hiểu lầm, bạn nên thỏa thuận rõ ràng với người thân về số tiền hoặc tài sản cho vay, lãi suất (nếu có), và thời hạn trả nợ, tốt nhất là ghi thành văn bản đơn giản. Ví dụ, nếu bạn cho anh trai vay 5 chỉ vàng và mong trả trong 6 tháng, hãy viết giấy vay nêu rõ điều kiện này.
Nhiều người ngại lập giấy tờ vì sợ làm mất lòng. Nhưng một biên bản sẽ giúp cả hai bên hiểu trách nhiệm và tránh tranh cãi sau này. Nếu không muốn dùng giấy tờ, ít nhất hãy xác nhận qua tin nhắn để có bằng chứng, đảm bảo sự minh bạch và dễ dàng theo dõi.
4. Giữ thái độ tôn trọng với người vay, nhưng cũng không để tình cảm lấn át lý trí
Khi cho người thân vay, hãy giữ thái độ tôn trọng nhưng không để tình cảm chi phối hoàn toàn. Nếu yêu cầu vay vượt quá khả năng hoặc có dấu hiệu lạm dụng – như vay nhiều lần mà không trả – bạn cần từ chối khéo léo.
Khi nhắc nhở trả nợ, hãy chọn cách nói nhẹ nhàng, như hỏi thăm kế hoạch trả thay vì yêu cầu gay gắt. Ngược lại, nếu người thân trả chậm, đừng vội chỉ trích; hãy tìm hiểu lý do để giữ mối quan hệ tốt đẹp. Sự tôn trọng lẫn nhau sẽ giúp việc vay mượn không trở thành gánh nặng.
5. Chuẩn bị cho rủi ro khi xem khoản vay như "món quà"
Cuối cùng, bạn cần chuẩn bị tâm lý rằng khoản tiền hoặc tài sản cho vay có thể không được trả lại. Để tránh căng thẳng, hãy chỉ cho vay những gì bạn sẵn sàng mất, đặc biệt khi người thân gặp khó khăn nghiêm trọng như bệnh tật hay thất nghiệp. Ví dụ, nếu bạn cho chị gái vay 20 triệu để chữa bệnh, hãy xác định trước rằng số tiền này có thể không quay về.
Nếu người thân trả lại, đó là điều tuyệt vời. Nếu không, bạn vẫn giữ được mối quan hệ mà không cảm thấy hối tiếc. Thỉnh thoảng kiểm tra tình hình tài chính cá nhân để điều chỉnh kế hoạch tiết kiệm sẽ giúp bạn duy trì sự ổn định, bất kể kết quả khoản vay.