Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là phương pháp nuôi dưỡng trẻ sơ sinh tối ưu và được khuyến khích trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều mẹ cảm thấy lo lắng không biết nên lựa chọn phương pháp nào để tốt nhất cho cả mẹ và bé.
Cùng lắng nghe những chia sẻ từ bác sĩ Anh Thy - người đầu tiên tại Việt Nam lấy được chứng nhận Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC (International Board Certified Lactation Consultant) nhé.
Sự khác nhau giữa bé ti mẹ trực tiếp và ti bình, mẹ nên chọn phương pháp nào?
1. Lợi ích của ti mẹ trực tiếp hoàn toàn
- Tăng gắn kết tình mẹ con.
- Tiện lợi, đi đâu cũng chỉ cần mang 2 bầu sữa theo.
- Đảm bảo vệ sinh.
- Đảm bảo lượng kháng thể con nhận được ở mức cao nhất.
- Giảm nguy cơ tắc tia sữa.
- Duy trì sữa mẹ lâu dài được nhiều năm.
2. Bất lợi của ti mẹ trực tiếp
- Mẹ thường lo lắng không biết con bú bao nhiêu. Mình khắc phục bằng cách theo dõi dấu hiệu bú đủ của bé: bé bú đủ sẽ tè 5-6 bỉm ướt trở lên/24h, nước tiểu nhạt màu và tăng cân trong chuẩn.
- Mẹ đi làm lại khó sắp xếp được thời gian cho bé bú, trừ khi công việc của mẹ có thể sắp xếp buổi trưa về cho con bú, khi mẹ không có nhà, bé có thể được bổ sung bằng thực phẩm ăn dặm
3. Lợi ích của ti bình
- Mẹ biết lượng sữa bé bú mỗi cữ.
- Mọi người trong gia đình có thể phụ mẹ cho bé bú.
4. Bất lợi của ti bình
- Đi đâu xa cũng phải đem nhiều dụng cụ hút sữa, tiệt trùng, máy hâm sữa.
- Vệ sinh phải kỹ càng.
- Khó duy trì sữa mẹ lâu dài.
5. Lợi ích của ti bình ti mẹ song song
- Gia đình có thể hỗ trợ mẹ những khi mẹ bận.
- Mẹ có thể đi làm mà vẫn duy trì sữa mẹ ở cơ quan, về nhà ôm con bú.
6. Bất lợi của ti bình ti mẹ song song
- Bé có thể bỏ ti mẹ hoặc ti bình ở bất kỳ thời điểm nào. Nhiều trường hợp mẹ tập ti bình từ lúc mới sinh, nhưng đến 2-3 tháng hoặc trước khi đi làm vài tuần, bé vẫn bỏ ti bình. Việc ti bình sớm quá không đảm bảo bé vẫn còn chịu ti bình về sau.
- Bên cạnh đó ti bình sớm khi ti mẹ chưa giỏi có thể khiến bé sai khớp ngậm.
Các mẹ thường có 3 lựa chọn: ti mẹ trực tiếp hoàn toàn, ti bình hoàn toàn, ti mẹ và ti bình song song. Bất kỳ phương án nào cũng có 2 mặt của nó.
Nếu mẹ có công việc linh động, hoặc giờ giấc đi làm buổi trưa về cho con bú được, hoặc ở nhà nội trợ, mình thường khuyên mẹ chọn ti mẹ trực tiếp hoàn toàn, để con đường nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi nhất, dài nhất.
Nếu mẹ phải đi làm, cơ quan không có chỗ hút sữa hoặc không hút được mỗi 3-4 tiếng, bác thường khuyên mẹ cho bú trực tiếp hoàn toàn vài tháng đầu. Mẹ sẽ tập hút sữa và tập bú bình cho con trước khi đi làm khoảng 1,5-2 tháng.
Nếu lựa chọn bất kỳ phương án nào, mẹ cần phải chấp nhận mặt bất lợi của nó. Không bao giờ có một giải pháp hoàn hảo 100%, chỉ có thể chọn giải pháp phù hợp nhất với hoàn cảnh của từng bà mẹ mà thôi.
Vì sao nhiều mẹ thường bị giảm tiết sữa vào khoảng tuần thứ 6 - thứ 8 và trở nên ít dần?
Ở vài tuần đầu, cơ thể thường sẽ chưa hiểu rõ nhu cầu của bé bú bao nhiêu nên thường sản xuất hơi nhiều so với nhu cầu của bé. Nhưng sau vài tuần, nghĩa là sau tuần 6-8 trở đi, cơ thể mẹ sẽ cân bằng việc sản xuất vừa đủ cho bé, không sản xuất dư nữa. Vì vậy lượng sữa sản xuất từ ngực mẹ sẽ giảm đi, tuy nhiên sẽ không giảm thấp hơn nhu cầu của bé, nên mẹ cứ yên tâm mà tiếp tục cho bé bú.
Các mẹ có biết tại sao cơ thể mẹ không sản xuất dư không? Vì sản xuất dư sẽ rất phí phạm nguồn sữa, bé bú không hết. Ngoài ra, khi sữa nhiều quá cũng khiến cho mẹ bị căng tức rất khó chịu và tăng nguy cơ tắc tia.
Tóm lại, khi mẹ cho bé bú trực tiếp thì cơ thể mẹ sẽ tự điều tiết cân bằng tăng giảm lượng sữa sản xuất đủ cho bé.
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ có cần bổ sung thêm canxi và sắt không thưa bác sĩ?
Sau sinh, các mẹ thường bị mất 1 ít máu. Quá trình mang thai và cho con bú cũng khiến bà mẹ tiêu hao 1 lượng canxi không nhỏ.
Để mau hồi phục lượng sắt, bà mẹ nên ăn các loại thực phẩm giàu sắt như nhóm đạm, đặc biệt là cá, hải sản, thịt đỏ, các loại đậu hạt, ngũ cốc, các loại rau xanh…
Để nhận được lượng canxi đủ trong giai đoạn cho con bú, bà mẹ nên dùng nhiều loại thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, hải sản… Một bà mẹ cần khoảng 1000mg canxi/ngày
Ở Việt Nam, các bà mẹ thường bị văn hóa của thế hệ đi trước ảnh hưởng nên bị hạn chế nhiều nhóm thức ăn sau khi sinh. Nếu bản thân mình nằm trong nhóm này, các mẹ có thể dùng thêm các loại vitamin bổ sung dành cho mẹ cho con bú. Nếu bản thân được ăn phong phú đầy đủ thì sắt và canxi từ thực phẩm sẽ dễ hấp thu hơn nhiều so với dạng thuốc uống.
Sau khi sinh, trong tháng đầu, khi sức khỏe chưa hồi phục, các mẹ có thể uống bổ sung sắt và canxi, theo y lệnh của bác sĩ sản. Sau đó, có thể xem xét lại chế độ ăn của mình, tình trạng sức khỏe cụ thể của bản thân để quyết định là có cần thiết phải bổ sung thêm thuốc bổ hay không.
Thưa bác sĩ, em bé vừa ngậm ti mẹ 3-5 phút đã ngủ gật và ngủ một chút lại đòi ti. Nên xử lý như thế nào?
Trong tháng đầu tiên, nhiều bé có một kiểu bú gọi là bú gộp. Bú gộp là tình trạng bé sẽ bú nhiều cữ nhỏ gộp thành một cữ lớn, sau đó ngủ 1 giấc dài. Ví dụ: bé bú 5-10 phút, ngủ 5-10 phút, sau đó lại thức dậy đòi bú 5-10 phút, rồi lại ngủ 5-10 phút, cứ như vậy kéo dài tầm hơn 60 phút, sau đó bé mới ngủ 1 giấc dài 1,5-3 tiếng. Tình trạng bú gộp thường kéo dài 1-1,5 tháng, sau đó bé sẽ bú ra cữ hơn, cữ bú sẽ dần ngắn lại.
Trong 3-4 tháng đầu, các bé cũng có vài khung giờ quấy. Vào khung giờ quấy, bé có thể thức từ cữ ăn này qua cữ ăn khác hoặc bú ngắn ngủ ngắn, nhưng bé vẫn có những lúc bú rồi ngủ dài. Các mẹ thường hiểu nhầm rằng bé bú tí ngủ tí là ti vặt, nhưng không phải, đây chỉ là khung giờ quấy của bé mà thôi, vì những khung giờ khác bé vẫn ngủ giấc dài được mà.
Tình trạng bú gộp hoặc bú nhiều trong khung giờ quấy sẽ khác với bú vặt. Một em bé bú vặt thường đi kèm với ngủ vặt, nghĩa là bé không có giấc ngủ dài. Các cữ bú của bé cách nhau ngắn tầm 60 phút, sau đó bé ngủ tầm 60 phút thức dậy mẹ lại cho bé bú. Tình trạng bú vặt thường hay xảy ra trong hầu hết các cữ bú của bé từ sáng tới tối. Bú vặt thường hay xảy ra khi bé tầm 3 tháng trở đi, đây là thời điểm các bé thích khám phá, không tập trung bú. Điều này làm nhiều mẹ lo lắng là bé bú không đủ nên cứ thấy bé khóc là đưa ti cho bú hoặc cứ canh giờ cho bú lặt vặt.
Để tránh ti vặt, các mẹ nên lưu ý rằng: nếu bé khóc, hãy tìm nguyên nhân trước, kiểm tra tã, nhiệt độ, bé có gì khó chịu… Mẹ hãy dỗ dành bé, bế lên đi lại, đổi trò chơi, đổi người chơi, đổi môi trường… Khi đã làm tất cả mà vẫn không thể giúp bé bình tĩnh, bé vẫn khó chịu, khóc thì mẹ hãy cho bé bú, dù bé bú vì đói hay để trấn an thì chúng ta cũng không cần suy xét kỹ làm gì. Khi làm được điều này, các mẹ có thể giảm bớt thói quen bú vặt ngủ vặt về sau.