Sau 2 ngày (31/5 và 1/6) triển khai chương trình "Ngày vi chất dinh dưỡng" – toàn dân đưa trẻ đi uống vitamin A miễn phí, đông đảo các mẹ có con nhỏ từ 6-36 tháng tuổi đã đưa con đến các trạm y tế phường, xã uống và kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi cho con đi uống Vitamin A về một số mẹ đã tá hỏa hỏi ý kiến mọi người vì thấy con có những biểu hiện bất thường như ốm sốt, nôn trớ.
Sau khi cho con đi uống vitamin A về, nhiều mẹ thấy con có biểu hiện bất thường như buồn nôn, thậm chí sốt (?)... đã đăng đàn hỏi ý kiến các mẹ trong những nhóm dành cho mẹ bỉm sữa.
Chị H.N.D hỏi về tình trạng của con trai 6 tháng tuổi: "Có mẹ nào cho con uống Vitamin A chưa ạ? Con em uống lúc trưa giờ sốt nhẹ 38,1 độ. Có mẹ nào giống em không? Lo quá".
Một trường hợp khác là con của chị N.M.M. Bé uống Vitamin buổi sáng nhưng đến 4h chiều đã bị nôn trớ rất nhiều, cơ thể thấy có vẻ mệt mỏi. Chị M.M không biết con bị thế nào và phải xử lý ra sao.
Hay trường hợp của chị Nguyễn Bích Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội). Chị Thủy kể lại đã phải suy nghĩ rất nhiều rồi mới quyết định cho bé Gấu (7 tháng tuổi) đi uống ở trạm y tế phường. Trước đó, chị có nghe kể về tình trạng trẻ bị đi ngoài sau khi uống Vitamin A. Vì bé Gấu là con đầu chưa có kinh nghiệm nên chị rất thận trọng trong việc chăm sóc cũng như việc uống thuốc, tiêm phòng. "Sáng nay con đi phân lỏng trong khi mọi ngày rất bình thường. Tôi không biết có phải do đi uống Vitamin A hay không?".
Uống vitamin A có khiến trẻ bị buồn nôn, tiêu chảy, sốt hay không?
Uống vitamin A có gây tác dụng phụ như các mẹ đang lo lắng?
Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám Bệnh, BV Nhi đồng 2, TP.HCM, cho biết: "Về bản chất việc uống vitamin A cũng như uống thuốc tiêu chảy, thuốc ho hay các loại thuốc khác, khi cơ thể không thích ứng với các chất lạ đưa vào người thì sẽ sản sinh ra những phản ứng để chống lại, hay còn gọi là tác dụng phụ. Đây là cơ chế tự nhiên.
Tác dụng phụ khi trẻ uống Vitamin A thường gặp là mệt mỏi, nôn ói hay đi ngoài nhẹ. Phụ huynh đừng lo lắng vì vài ngày cơ thể sẽ tự điều hòa, thải ra ngoài hết sẽ khỏi".
Đối với trẻ khoảng 6 tháng tuổi, bác sĩ nhấn mạnh: "Riêng trẻ từ 6 tháng tuổi, có 1 tác dụng phụ đáng lưu tâm một chút là việc phồng thóp. Thấy dấu hiệu này phụ huynh hãy đưa bé đến bệnh viện. Bác sĩ khi tiếp nhận sẽ đưa bé vào môi trường chuẩn, tránh nhiễm trùng để theo dõi là chủ yếu, ngoài ra không can thiệp gì".
Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên khuyên cha mẹ không nên vì những lo lắng vô cớ mà không cho trẻ đi uống vitamin A.
Còn đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên cho biết thêm: "Khi mang thai nếu uống quá liều vitamin A cũng có thể ảnh hưởng đến thai. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm và phải uống quá liều rất nhiều mới bị ảnh hưởng".
Nhiều mẹ thấy con có biểu hiện khác thường lại lo lắng con uống quá liều vitamin A, tuy nhiên GS. TS. Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết: "Với liều lượng Vitamin A được uống trong Ngày Vi chất dinh dưỡng thì không thể quá liều cho trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu khác thường như sốt... thì có thể do nguyên nhân khác (thời tiết)... Vì vậy cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để thăm khám khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào khiến phụ huynh lo lắng".
Trước tâm lý hoang mang, lo lắng của các mẹ, bác sĩ Huyên khuyến cáo: "Nếu thiếu vitamin A trẻ có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển về sau. Biến chứng điển hình là mù mắt. Vì vậy, nhà nước đã có chương trình cho trẻ dưới 3 tuổi được uống vitamin A miễn phí. Đây là chương trình rất thiết thực. Do đó, các mẹ không nên vì những lo lắng vô cớ mà không cho trẻ đi uống vitamin A".