Ở lứa tuổi mầm non, trẻ nhỏ có nhu cầu khám phá thế giới rất lớn. Thông qua việc sử dụng đôi bàn tay, trẻ có thể sờ đồ vật, chơi đồ chơi, tự ăn, tập tô màu, tập tô theo nét chữ...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc ép trẻ cầm bút quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển xương của bé. Bởi trẻ nhỏ có cấu tạo xương chưa phát triển, chưa được hình thành đầy đủ giống như người lớn.

Cho trẻ mầm non tập viết quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương: Bác sĩ chuyên khoa nói gì? - Ảnh 1.

Bài viết gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Những thông tin trên gây ra khá nhiều luồng thông tin trái chiều. Người cho rằng trẻ đang ở lứa tuổi cần được vui chơi hơn là học tập, hơn nữa xương tay chưa đủ phát triển để cầm bút. Có người lại cho rằng hành động cầm bút rất đơn giản cho nên không thể gây hại gì cho xương bàn tay của các bé.

Theo Ths.BS Nguyễn Dương Nhật Thi (chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức): "Xương của trẻ em về mặt hình dạng không khác gì xương người lớn. Nhưng về mặt chất lượng thì tỉ lệ xương sụn lại nhiều hơn, tỉ lệ xương cốt hoá thì ít hơn. Sở dĩ khi chụp phim X-Quang, xương bàn tay trẻ trông khác xương bàn tay người lớn là bởi ở trẻ mức độ cản tia X sẽ khác người lớn".

cách-dạy-trẻ-cầm-bút-chì-đúng-cách,-giúp-viết-chữ-đẹp-dễ-dàng.jpeg

Trả lời về vấn đề trẻ mầm non cầm bút có làm hại xương hay không, bác sĩ Nhật Thi chia sẻ rằng: "Tập viết chữ quá sớm không làm ảnh hưởng đến xương của trẻ, tuy nhiên ở lứa tuổi còn quá nhỏ thì mức độ chú ý và tập trung tập viết chưa cao, dẫn đến hiệu quả chưa tốt. Thực ra chưa có nghiên cứu nào nói về độ tuổi cầm bút. Ngay việc tô màu cũng là cầm bút đó thôi, nhìn chung việc trẻ cầm bút cũng là một cách để khám phá đồ vật, vì thế các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về điều này làm gì. Có thể để trẻ vừa chơi vừa học tập đan xen". 

Cách để củng cố và phát triển xương khớp cho trẻ

Bác sĩ Nhật Thi nhấn mạnh, "dinh dưỡng, vận động toàn diện" là 2 chìa khóa giúp xương của trẻ nhỏ phát triển tốt nhất. Để trẻ có thể phát triển xương tốt nhất, cha mẹ nên lưu ý:

1. Khuyến khích con tập luyện nhiều hơn

Trẻ sẽ có xương chắc khỏe nếu bé thực hiện nhiều hoạt động chịu trọng lượng hơn. Ví dụ như chạy, đi bộ, nhảy dây và leo trèo... Bố mẹ nên cân bằng giữa thời gian sử dụng máy tính, ti vi và hoạt động thể chất của con.

2. Tránh đồ uống có ga

Hầu hết đồ uống có ga đều có một lượng axit photphoric. Axit này có hại cho sức khỏe xương vì nó làm gián đoạn quá trình hấp thụ canxi. Bố mẹ nên cố gắng thay thế nước ngọt có ga của con bằng một thức uống thay thế lành mạnh hơn, ví dụ như nước cam. 

3. Tiêu thụ thực phẩm giàu canxi

Canxi là một siêu chất dinh dưỡng để củng cố xương của trẻ. Canxi chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì khối lượng xương. Do đó trẻ càng ăn nhiều canxi, xương càng trở nên chắc khỏe. 

Theo viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu canxi ở trẻ em Việt Nam như sau: 300 mg/ngày (0-5 tháng tuổi), 400 mg/ngày (6-11 tháng tuổi), 500 mg/ngày (1-2 tuổi), 600-700 mg/ngày (3-9 tuổi), 1000 mg/ngày (10-19 tuổi).

Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, sữa chua là nguồn cung cấp canxi dồi dào. Rau lá xanh, nước đậu nành, bánh mì, đậu, đậu lăng, hạnh nhân và cá cũng rất giàu canxi. 

20220808_Duong-chat-trong-hanh-nhan-giup-han-che-ty-le-ung-thu.jpeg

4. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết để xây dựng xương khỏe mạnh. Sự thiếu hụt Vitamin D có thể dẫn đến các vấn đề về cơ xương ở trẻ em như bệnh còi xương. 

Thực phẩm giúp xương chắc khỏe giàu vitamin D là cá hồi, lòng đỏ trứng, nấm, sữa, nước cam, ngũ cốc và bột yến mạch. 

5. Tăng cường thực phẩm giàu magie

Magiê là một khoáng chất quan trọng chịu trách nhiệm duy trì mật độ xương của trẻ. Mật độ xương cao giúp giảm nguy cơ gãy xương. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng magiê cũng giúp ngăn ngừa rối loạn cơ xương phổ biến – loãng xương. 

Thực phẩm giàu magie đó là rau bina, hạnh nhân, hạt điều, sữa đậu nành, bơ đậu phộng, khoai tây, chuối, gạo lứt nấu chín...

khoai-tay-nuong-thit-xong-khoi-thumbnail-2.jpeg

6. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin K

Sự thiếu hụt Vitamin K có thể dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương. Khoáng chất này có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều hòa quá trình trao đổi chất trong xương bằng cách kích hoạt protein. 

Thực phẩm giàu vitamin K có thể kể đến là rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, đậu xanh, kiwi, phô mai và đậu Hà Lan...