Ngày 8/8 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức lên tiếng khẳng định thông tin "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ nhường cho sản phụ mắc COVID-19" lan truyền trên MXH là hư cấu. Qua xác minh thực tế, Sở Y tế TP.HCM cho biết tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố không hề có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân, cũng không có "bác sĩ Khoa" nào công tác ở BV Chợ Rẫy.
Sự việc trắng đen đã rõ, tuy nhiên có một điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn là nếu không phải "bác sĩ Khoa", thì người xuất hiện trong ảnh ava của tài khoản Facebook này là ai?
Chiều 9/8, 2 ngày sau khi cái tên "bác sĩ Khoa" làm mưa làm gió khắp MXH, cư dân mạng cuối cùng cũng đã tìm ra sự thật. Lần theo manh mối là hình ảnh bác sĩ trong ava của Facebook "bác sĩ Khoa" hư cấu, dân mạng tìm được một người giống hệt, nhưng lại có một thân phận hoàn toàn khác biệt...
Theo đó, "bác sĩ Khoa" phiên bản gốc cũng là một bác sĩ nhưng lại ở tít... Singapore, thậm chí còn là người rất nổi tiếng.
Vị bác sĩ này có tên là Wei Seong Toh - là một bác sĩ chuyên khoa Nha khoa, đồng thời là Phó Giáo sư đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Sinh học tế bào gốc và tái tạo mô, Khoa Nha khoa, Đại học Quốc gia Singapore.
Phó giáo sư Toh từng tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Melbourne (Úc), sau đó ông về nước và lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore, nơi mà ông gắn bó tới hiện tại.
Không chỉ sở hữu học vấn, học vị thuộc hạng "khủng", bác sĩ Wei Seong Toh còn được biết đến là một nhà khoa học tầm cỡ, từng giành vô số giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước, nổi bật có thể kể tên giải Nhà khoa học trẻ tại Đại hội Vật liệu sinh học Thế giới lần thứ 9 vào năm 2012.
Tìm hiểu qua trang cá nhân của bác sĩ Wei Seong Toh, được biết anh hiện sống cùng vợ và 2 con gái.
Trước đó, nhiều người sau khi đọc được câu chuyện của bác sĩ Khoa được chia sẻ trên mạng xã hội đã liên lạc qua Facebook bác sĩ có tên Trần Khoa và được bác sĩ này xác nhận là "công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy".
Theo nội dung lan truyền, người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Ngoài ra còn có hình ảnh 2 bé song sinh được lan truyền, được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.
Thông tin này sau đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, đa phần đều cảm phục trước hành động của "bác sĩ Khoa".
Tuy nhiên, quá trình xác minh sau đó kết luận thông tin nói trên là hư cấu. Facebook Trần Khoa và các tài khoản có liên quan đều đã bị xóa bỏ. Không chỉ "chôm chỉa" hình ảnh của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Wei Seong Toh để "làm màu", ngay cả hình ảnh bé sơ sinh xuất hiện trong bài đăng hư cấu của Facebook Trần Khoa cũng thuộc về người khác - Bác sĩ Cao Hữu Thịnh, Bệnh viện An Sinh (TP.HCM).
Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Thịnh cho biết hình ảnh nói trên được các đồng nghiệp ở Bệnh viện An Sinh chụp sau ca mổ do chính anh thực hiện thời gian gần đây.
Hiện Sở Y tế TP.HCM đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc gây bức xúc trong dư luận.