"Chưa bao giờ em đặt bút ghi ra những chi tiêu của gia đình. Có lẽ vì vậy mà em không tiết kiệm được nghìn nào. Em xin tư vấn về cách vén với ạ, chứ 42 tuổi rồi mà "vô sản" - Đây là những dòng chia sẻ của 1 bà mẹ ở Nghệ An thu hút sự chú ý và tranh luận. Được biết, dù thu nhập hàng tháng không thấp, khoảng 35 triệu nhưng chị vẫn không tích luỹ được. Nhìn bảng liệt kê chi phí mà bà mẹ này đưa ra, có thể thấy, phần chi nhiều nhất là tiền học cho 3 đứa con.
Trong đó, với con gái nhỏ đang học mầm non, bà mẹ này chi 1 triệu tiền học phí, 800 nghìn đồng tiền học vẽ, 800 nghìn đồng tiền học Toán, 500 nghìn đồng tiền học tiếng Việt, 1,5 triệu tiền học tiếng Anh. Ngoài ra, tiền ăn uống hết 650 nghìn đồng.
Với con thứ hai, tiền học thêm Toán 800 nghìn đồng, tiền học thêm tiếng Anh 800 nghìn đồng, tiếng Trung 800 nghìn đồng, ăn sáng 600 nghìn đồng. Con thứ 3 tiền học 1,2 triệu đồng/tháng, tiền ăn sáng, đổ xăng, tiêu vặt 1,8 triệu đồng. Tính thêm các chi phí chung cư, tiền ăn, quần áo, vui chơi... tổng số tiền chị phải chi hàng tháng là 26 triệu đồng.
Với phần 9 triệu còn dư sau khi trừ các khoản, bà mẹ này cho biết: "1 trận con ốm là hết ngay. Con hỏng máy điện thoại hay máy vi tính là cũng xong ngay. Về thăm ông bà, Tết lễ biếu cha mẹ. Bản thân con cái ốm. Chưa phải đi vay là còn may mắn rồi".
Vén khéo hay tiêu "hoang"?
Bảng chi phí của bà mẹ nói trên thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người khen chị biết quản lý chi tiêu, bởi 4 người mỗi tháng hết 26 triệu không phải là nhiều. Một số phụ huynh chia sẻ, nhà mình chỉ có 2 mẹ con hoặc gia đình 3 người nhưng mỗi tháng vẫn ngốn không dưới 30 triệu.
Tuy nhiên, một số ý kiến thì cho rằng, dù tổng 26 triệu không cao nhưng chi phí cho học thêm quá nhiều. Đặc biệt, con mới học mầm non thì không nhất thiết phải học thêm cho đủ môn, vừa tạo áp lực cho con, vừa tốn kém tiền cha mẹ. Đầu tư cho con là con đường khá dài, sau này con còn lên cấp 2-3 rồi đại học, chi phí gấp 2-3 lần như hiện tại, sợ là một mình mẹ lo cho 3 đứa con thì không thể đủ.
"Tuỳ vào kinh tế để cho con học thêm chứ. 42 tuổi, chị chưa nghĩ đến lúc khó khăn, lúc ốm đau,... lúc đó tiền đâu mà xoay xở", một người góp ý. Trả lời những thắc mắc này, bà mẹ cho rằng vì con thích học nên chị vẫn chịu khó vén để con khỏi thiệt thòi.
Không ít người cũng đồng tình với chị. Họ cho rằng đầu tư tri thức cho con là đầu tư đáng giá nhất. Mua cho con cái nhà hay cho con vài tỉ vẫn có thể hết hoặc mất, còn tri thức không ai lấy đi được của con. Việc học của con là nhu cầu của mỗi gia đình nên không có đúng sai. Những môn năng khiếu học càng sớm càng giúp con phát huy tốt, lại có môi trường cho con tự tin hơn. Nên cha mẹ tốn tiền học cho con không sao hết, miễn con thấy vui vẻ với việc học, không quá tải.
"Em thấy mọi thứ đều hợp lý. Nếu chị muốn vén thêm thì bé Bống học vẽ và Toán đắt quá. Toán có thể mua sách về vừa học vừa chơi, rất nhiều sách dạng này. Vẽ thì có thể tìm chỗ khác rẻ hơn. Tiếng Việt thì cần thiết nếu bé đang chuẩn bị vào lớp 1. Mấy thứ khác em thấy hợp lý rồi.
Có 1 cách chị tiết kiệm 1 khoản nhỏ cho gia đình: Hàng tháng chị hãy trích 10% thu nhập bỏ vào quỹ Tự do tài chính. Quỹ đó chỉ dùng mua tài sản. Khi nào có khoản phát sinh thì lại bỏ thêm vào. Cứ kiên trì và đều đặn hàng tháng. Dù không nhiều nhưng 1 năm 12 tháng, ví dụ chị bỏ quỹ 3,5 triệu/tháng cuối năm cũng kha khá", một người góp ý.
Hiện câu chuyện vẫn thu hút sự tranh luận.