Học phí tăng 30-70%
Dù lộ trình tăng học phí đã được báo trước song việc các trường công lập đồng loạt tăng học phí, đặc biệt là việc một số trường tự chủ tài chính tăng kịch trần đã và đang thu hẹp cơ hội học tập của một bộ phận học sinh nghèo, cận nghèo hoặc có điều kiện kinh tế trung bình.
Năm nay, áp theo quy định mới, học phí các trường tăng từ 30 - 70%. Với sinh viên từ các địa phương về các thành phố lớn học ĐH, áp lực tài chính không chỉ đến từ học phí mà còn từ giá cả sinh hoạt hằng ngày đang leo thang. Một sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, tiền giáo trình, dụng cụ học tập là 4 - 5 triệu đồng/năm, tiền ăn ở sinh hoạt 5 triệu đồng/tháng.
Cùng với các chi phí phát sinh khác, trung bình mỗi tháng gia đình phải chu cấp cho em khoảng 10 triệu đồng. Quãng đường học Y khoa ít nhất 6 năm thực sự rất dài, nên mức học phí như vậy cũng khá áp lực cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Áp lực tăng thu đối với các trường
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, nhờ có tự chủ ĐH mà các trường ĐH đã cải thiện được đáng kể vấn đề nâng cao năng lực tài chính. Tuy nhiên, báo cáo cũng phân tích một số vấn đề liên quan tài chính mà hệ thống giáo dục ĐH đang phải đối mặt. Nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người, chiếm tới 73%. Nguồn kinh phí dành cho tăng cường cơ sở vật chất chỉ chiếm 7%, nguồn kinh phí khác chi cho hoạt động đào tạo chiếm 18% tổng chi…
Quỹ lương hằng năm tăng 13% và chi thuê giảng viên tăng 32% cho thấy yêu cầu chi tiền lương, tiền công cho bộ máy và giảng viên tăng nhanh gây áp lực tăng thu, trong khi nguồn ngân sách cấp tăng chậm.
Mặt khác, hằng năm Nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5-15% chi thường xuyên nên nhìn chung hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH công lập rất khó khăn trong việc vận hành, đầu tư phát triển và giữ đội ngũ giảng viên giỏi. Vì vậy, các trường này buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng học phí, dẫn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện đào tạo (giảng viên, cơ sở vật chất) không theo kịp.
Đa số các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng. Đồng thời, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường vẫn là học phí (chiếm 70%).
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết, nếu tính mỗi sinh viên tăng 100.000 đồng/tháng học phí thì phát sinh tài chính đối với mỗi gia đình không đáng kể. Nhưng một năm, nhà trường sẽ có thêm khoản tiền đủ để xây một giảng đường mới cho sinh viên học cải thiện chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang trình để Chính phủ ban hành nghị quyết về vấn đề học phí. Theo quy định, năm nay, các trường ĐH thu học phí theo Nghị định 81. Nhưng hiện nay Chính phủ muốn điều chỉnh nội dung nghị định này cho phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội chịu nhiều ảnh hưởng.
Nhà trường cần chia sẻ với xã hội
Bộ GD&ĐT đã trình vài phương án, chủ trương của Chính phủ cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021.
Theo ông Sơn, việc ban hành một nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 81 đòi hỏi tuân thủ một số thủ tục hành chính, nên cần thời gian. Nhưng Bộ GD&ĐT muốn truyền đạt tới các trường ĐH một dự lệnh, để các trường sẵn sàng tinh thần thực hiện một khả năng cao là giữ học phí ổn định như năm 2021.
“Chưa tăng học phí có thể khiến các cơ sở giáo dục ĐH công lập, kể cả các đơn vị tự chủ hay chưa tự chủ sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trường phải có tinh thần chia sẻ với xã hội, với người dân, trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn