Thời gian gần đây, tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều người rỉ tai nhau về thịt gà có giá chỉ ngang ngửa vài mớ rau, thậm chí chỉ còn không bằng cân gạo, cân khoai lang giống Nhật. Được biết mỗi kg gà được bán chỉ từ 25.000 đồng.

Để nắm rõ hơn về thông tin trên, chúng tôi đã dành 1 buổi sáng khảo sát khắp chợ Dịch Vọng và có tham khảo thêm những chợ xung quanh để làm đối chiếu.

Theo khảo sát, tại chợ Dịch Vọng, gà công nghiệp được bán với giá 75.000 – 80.000 đồng/kg. Nhưng đó là giá bán vào thời điểm đầu giờ, cuối giờ trưa, giá gà được các tiểu thương thi nhau  “phá giá” chỉ còn 25.000 -30.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, thực tế, giá 25.000 đồng/kg là loại thịt gà chặt từng phần. Ai may mắn, nhanh tay thì được lấy phần ngon như đùi, cánh, lườn... với giá khoảng từ 30.000-40.000 đồng/cân . Còn lại "đầu thừa, đuôi thẹo" thì có giá thấp nhất khoảng 25.000 đồng/kg.

Cũng có hôm "ế" quá do tâm lý người đi chợ cứ chờ tới lúc gà rẻ nhất mới đi mua, nhiều chủ hàng chấp nhận bán đồng giá cả đùi, cánh, lườn đều là 25.000 đồng.

Về chất lượng của những loại gà này cũng không đồng đều. Như chị Hiền Phương, công nhân may thuê nhà ở khu Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Không chỉ bây giờ mà việc ‘giảm giá gà’ đã diễn ra cách đây lâu rồi. Gà rẻ nên cứ đến trưa là chẳng còn hàng mà mua. Ban đầu tôi cũng ái ngại việc giá gà rẻ quá, rẻ còn hơn gà mua ở quê. Loại này cũng gặp hôm ngon, hôm dở. Ngon thì ăn đỡ bở, thêm gia vị mắm muối cũng thành món ngon. Hôm dở thì gà bở bùng bục, ăn nhạt lắm".

Choáng với gà phá giá 25.000 đồng/kg ở chợ Dịch Vọng 1
Những con gà béo mầm, giá lại rẻ khiến người tiêu dùng bị đánh lừa. Ảnh minh họa (Ảnh: Chí Toàn)

Do Dịch Vọng nằm ở khu đông dân cư, nhiều tầng lớp, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp như công nhân, sinh viên... nên các mặt hàng ở đây tương đối rẻ. Nhưng để rẻ một cách giật mình như giá gà kể trên thì gây không ít hoài nghi cho mọi người.

Khi đem thắc mắc: “Tại sao cùng một mặt hàng nhưng ở những chợ khác có giá cao hơn, rẻ nhất cũng chỉ là 70.000 đồng/kg, chợ bán cả ngày. Và không thể tìm ra gà có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg như nhiều người đang bán ở chợ Dịch Vọng?”.

Chị T. – tiểu thương bán gà tại chợ Dịch Vọng giải thích: “So sánh sao thế được em, mình là chợ ‘đầu mối’, kia toàn chợ trong phố. Thêm vào đó, khách ở chợ khác toàn khách sộp, còn khách nhà mình chủ yếu là dân lao động, người nghèo, sinh viên, người giúp việc, mình bán đắt thì ai đủ sức mua chứ?”.

Khi hỏi, “Chị giảm giá thế thì lời lãi bán gà thì sao. Trên thị trường 1 kg gà công nghiệp lấy từ nơi nhập thấp nhất cũng đã 50.000 đồng?”. 

Chị Tú lại chia sẻ tiếp: “Ai chẳng muốn bán hết hàng nhanh, chứ găm giá, mang về để trong tủ lạnh, thịt còn xuống cấp hơn. Ở đây, không chỉ mình mà sạp gà nhà ai cũng giảm giá vào cuối buổi bán hàng. Sáng thì giá khoảng 80.000 đồng/kg, trưa thì giảm nhiệt tình còn 25.000 đồng/kg. Mình lãi nhiều vào sáng, thì trưa bán rẻ hơn. Có ngày vì mưa gió mình còn chấp nhận lỗ chỉ 20.000 đồng/kg ấy chứ. Bán ở đây lấy số đông làm lãi”.

Mặc dù lời giải thích của chị Tú nghe có vẻ hợp lý, và chị một mực khẳng định gà mình là loại gà công nghiệp bình thường, mua ở trang trại các vùng ven Hà Nội.

Tuy vậy, tham khảo thêm một số người chuyên buôn bán gà ở một số chợ khác, họ khẳng định gà nguyên con giá nhập từ trang trại rẻ nhất cũng là 50.000 đồng. Bán 80.000 đồng/cân là chỉ lãi có vài nghìn. "Nếu như dân buôn gà nguyên con như bọn mình thì không thể chịu lỗ liên miên thế được, còn họ bán gà thịt sẵn có nguồn nhập ở đâu thì mình không rõ", chị K., một tiểu thương ở chợ nhà Xanh gần đó cho biết thêm.

Bên cạnh nhiều chị em hào hứng với gà giảm giá, không ít người thờ ơ và đặt câu hỏi về loại gà này. Chị Thủy Tiên – người đi chợ cho biết: “Riêng loại gà này, nhà tôi không bao giờ dám ăn. Vì không rõ nguồn gốc, giá lại quá rẻ khiến mình ăn vào không an tâm. Nhỡ gà đó có xuất xứ ở nước ngoài, nhập lậu vào. Hay gà bệnh, chết... được chủ hàng "hóa phép" thì rất nguy hiểm".

Ăn nhiều sẽ hại sức khỏe

Câu hỏi “Nguồn gốc của loại gà rẻ này ở đâu ra?” vẫn được bỏ ngỏ, nghi án “gà phá giá” là gà được nuôi bằng phương pháp tăng trọng nhanh được mọi người đặt ra.

Trước vấn đề này, PGS.TS Lê Hùng, Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), người chuyên nghiên cứu về hóa thực phẩm, các loại thuốc tăng trọng, kích thích cho động thực vật cho biết: cách tốt nhất, người tiêu dùng nên thông minh trong việc chọn lựa các loại hàng thực phẩm. Nên mua thực phẩm ở những nơi có uy tín, có tem kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về sự nguy hại khi không may ăn phải các loại thực phẩm có chất tăng trọng, tiến sĩ Hùng giải thích thêm: không ít người dùng thuốc tăng trọng để vỗ béo cho vật nuôi để mong kiếm lời. Khi bị “lớn ép”, vật nuôi sẽ tăng trưởng một cách bất bình thường.

Chính điều này gây hại cho người ăn phải chúng. Nhiều loại thuốc tăng trọng khiến gia cầm bị ảnh hưởng như: vẹo mỏ, xương xốp, ngủ liên tục, kém linh hoạt, khó vận động… Người ăn phải những con gia cầm này có khả năng mắc các bệnh ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư da, các bệnh tim phổi, mỡ máu…

Các chất trong thành phần thuốc tăng trọng gây tăng nhịp tim, huyết áp thất thường, nhiễm độc cơ thể… Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều gia cầm dùng thuốc sẽ khiến trẻ dậy thì sớm, giới tính bị ảnh hưởng.