Theo các nghiên cứu gần đây, việc dành quá nhiều thời gian chơi iPad và các thiết bị cảm ứng tương tự khác có thể cản trở sự phát triển bình thường của hệ cơ và xương của trẻ nhỏ. Cuộc nghiên cứu đã tiến hành so sánh hai nhóm trẻ trong độ từ ba đến bốn tuổi, trong đó một nhóm trẻ chỉ chơi đồ chơi thông thường và nhóm trẻ còn lại thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử.
Giáo sư vật lý trị liệu Leon Straker của trường Đại học Curtin, thành phố Perth, tiểu bang Tây Úc, cho biết nghiên cứu đã theo dõi 5 năm đầu đời của mười đứa trẻ để xác định xem sự phát triển về thể chất, tinh thần và xã hội của trẻ bị ảnh hưởng thế nào bởi việc sử dụng các thiết bị điện tử.
Giáo sư Straker tiết lộ, trong khoảng thời gian 15 phút, khi sử dụng iPad trẻ thường chuyển động tay và toàn bộ cơ thể ít hơn so với khi chơi các loại đồ chơi thông thường, nhưng lại nhiều hơn so với khi xem tivi.
Các kết quả của cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi trẻ chơi đồ chơi thông thường, chuyển động tay của trẻ nhiều hơn gấp 6 lần so với khi xem tivi và gấp 3 lần so với khi sử dụng iPad; cùng với đó, trẻ chơi đồ chơi thông thường cũng chuyển động cơ thể nhiều hơn gấp đôi so với khi dùng iPad và nhiều hơn 3 lần so với khi xem tivi.
Thiết bị điện tử quá cuốn hút đối với trẻ nhỏ đến mức mà trẻ "sẵn sàng" ngồi im một chỗ để chơi. Nhưng điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến phát triển của trẻ.
Theo Giáo sư Straker: “Chúng tôi lo ngại rằng các loại thiết bị cảm ứng bắt mắt sẽ gây ra sự phát triển không bình thường của hệ cơ và xương của trẻ vì hai lý do. Thứ nhất, trẻ có thể sẽ ngồi một chỗ lâu hơn là chạy nhảy chơi đùa, làm mất đi động lực rèn luyện cho xương và cơ chắc khỏe hơn; thứ hai là, trẻ có thể sẽ ít cử động cổ hơn khiến trẻ dễ bị tổn thương khi gặp các chấn thương vùng cổ. May mắn là những thiết bị này có thể được sử dụng bằng khá nhiều tư thế, vì vậy những vấn đề mà chúng gây ra có thể ít nghiêm trọng hơn so với tivi”.
Ông khuyến khích trẻ nhỏ chỉ nên dành một khoảng thời gian ngắn - khoảng 15 phút - để chơi máy tính bảng, và không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá 1 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Australia, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hoàn toàn không nên tiếp xúc với màn hình điện tử, và trẻ từ 5 đến 17 tuổi chỉ nên dùng các thiết bị đó không quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Trẻ hoạt động nhiều hơn khi tham gia vào các trò chơi truyền thống so với khi sử dụng các thiết bị điện tử, giúp cho hệ cơ và xương của trẻ phát triển khỏe mạnh.
Nhiều nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của việc sử dụng các thiết bị điện tử đến cân nặng và khả năng chú ý của trẻ so với các hoạt động vui chơi truyền thống.
Một vài chuyên gia thậm chí còn cho rằng trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoàn toàn không nên có bất kỳ tiếp xúc nào với các thiết bị đó.
Giáo sư Lynne Murray, chuyên gia tâm lý học phát triển của Đại học Reading, Vương quốc Anh, chỉ ra rằng: “Nhiều tài liệu đáng tin cậy đã phân tích ảnh hưởng của việc tiếp xúc với các thiết bị cảm ứng đối với sự phát triển nhận thức của trẻ dưới 3 tuổi, và điển hình là Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ cũng đã khuyến cáo trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoàn toàn không nên tiếp xúc với các thiết bị này. Nhiều loại màn hình cảm ứng không được thiết kế phù hợp với quá trình nhận thức của trẻ nhỏ, ví dụ như những hình ảnh màu sắc sặc sỡ và thay đổi liên tục, điều đó chỉ có thể thu hút sự chú ý của trẻ trong khi không hề giúp cho nhận thức của trẻ tiến bộ”.
Nguồn: DM