Sau thời gian dài “work from home” do dịch Covid-19, đến nay hầu hết các công ty tại Việt Nam đều đã cho phép nhân viên đi làm lại như bình thường. Chính điều này đã khiến các hội nhóm chuyên “tám” chuyện công sở trên MXH trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Ừ thì ở nhà lâu quá rồi, bây giờ quay lại văn phòng nên có lắm chuyện muốn tâm sự.
Và hot nhất nhì trong số những câu chuyện được kể ra rả vài ba hôm nay chính là đôi dòng phẫn uất của một nàng công sở trẻ tuổi với nội dung:
“Em làm ở Phòng HCNS của một công ty IT, nói chung môi trường cũng khá ổn, đồng nghiệp vui vẻ, duy chỉ có cái không ổn đó là chị quản lý trực tiếp của em. Từ xưa giờ đi làm cũng nghe nhiều, công ty cũng có người này người nọ nhưng cũng chưa bao giờ gặp phải trường hợp này.
Hồi mới vào làm, tính em cũng khá nhiệt tình nên ôm rất nhiều công việc, ai off hay cần gì em cũng giúp hoặc chỉ dẫn lại nên được Ban lãnh đạo đánh giá khá tốt. Thế nhưng từ lúc team em có 1 chị (là bạn thân lâu năm của leader em) vào làm việc chung thì y như rằng mọi vấn đề bắt đầu xảy ra.
Chị này thì tính tình phe phái, lại hay ganh tỵ với vị trí của em. Em thì hòa đồng nên tất cả mọi người trong phòng em đều chơi cả, thế nhưng leader em và chị kia thì không thích em đi chung với mọi người bên team kia (mặc dù 2 team ngồi cùng phòng nhau).
Thế rồi chị ấy bắt đầu bắt bẻ em thời gian làm việc, trễ 1 phút cũng nói, đến đi vệ sinh cũng hỏi không được rời chỗ ngồi, lâu ngày em sinh ra suy nghĩ tiêu cực. Đỉnh điểm chị ấy tố em với Ban lãnh đạo, cho rằng em làm việc không tốt, không đúng deadline, em hơi sốc vì cách đây mới chỉ vài tháng, chị ấy đều nói với mọi người em là back-up của chị khi chị vắng mặt.
Trước giờ em được giao việc cho các bạn bên dưới cấp, nhưng từ thời điểm đó, em phải ôm cả việc nhỏ, việc to, đôi khi suốt nhiều tháng ròng liên tiếp task em nhiều vô kể, hầu hết 80% task đều bắt em làm trong khi 2 bạn trong team thì không có task nào, hoặc các bạn làm trễ deadline thì cũng chuyển qua em.
Nhiều lúc công việc mới, em cần hỗ trợ thì chị ấy còn chửi em nặng nhẹ, em chán nản và chả muốn làm việc mọi người ạ. Suốt ngày cứ lên công ty là y như em nhận một trào tin nhắn la mắng nên tinh thần làm việc cũng suy sụp theo luôn.
Em đang đi học buổi tối cộng thêm việc sống xa nhà nên em cũng cố gắng cho qua ngày. Nhưng cứ cố đi làm ngày nào thì tối về tự dưng cứ bật khóc uất ức. Sự việc cứ kéo dài suốt 1 năm trời nên ảnh hưởng đến tâm lý của em, cứ cảm thấy sợ mọi người xung quanh trong khi trước giờ mình là một đứa năng động.
Nhiều lần em cũng tâm sự với chị Giám đốc phòng Nhân sự, nhưng cũng chỉ là an ủi và giản hòa 2 bên vì chị leader đã làm việc ở đây từ lúc công ty còn sơ khai. Đỉnh điểm là mới cách đây vài tháng, em có dự tính xin thôi việc nhưng bị chị leader lấy lý do kiểm tra máy theo quy trình ISO, nhưng thực chất lại kêu 1 bạn trong team lén sao chép dữ liệu cá nhân của em (không phải dữ liệu công việc). Em thực sự nản luôn”.
Câu chuyện sau khi đăng đàn ít lâu vào trong một hội nhóm lớn trên MXH ngay đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng thành viên. Tất nhiên, cũng như bao câu chuyện thuộc đề tài drama chốn công sở tương tự, bên dưới phần bình luận, hàng loạt ý kiến lời khuyên dành cho cô gái trẻ đã được viết ra như sau:
“Khi mỗi một người nghỉ việc, lý do 95% là do đồng nghiệp, cấp trên. Mình cũng từng nghỉ việc mấy lần như vậy. Tiểu nhân môi trường công sở đông lắm, mình yếu thế sẽ không bật lại được. Nhiều khi bật lại thì người ta sẽ nói mình không chuyên nghiệp, bị cảm xúc chi phối,... Mệt đầu lắm”.
“Chuyện sếp chèn ép, đồng nghiệp ghen tị là chuyện thường. Bạn xác định vì miếng cơm manh áo thì tiếp tục nhịn, còn không thì nghỉ đi tìm việc khác. Nếu chọn ở lại, kiểu gì cũng có cách đối phó và thích nghi”.
“Giờ bạn tự hỏi là còn muốn đi làm chỗ đó vì lương, vì đồng tiền nữa không? Nếu đến cả lương bạn cũng không tha thiết nữa thì hãy tự giải thoát cho mình sớm. Kẻo ở lâu hại đến thần kinh”.
Quả thật, chuyện bị đồng nghiệp kết bè kết cánh nói xấu hay sếp khó ưa “cà khịa” trong môi trường công sở không còn là chuyện hiếm, thế nhưng nếu tình trạng ấy diễn ra thường xuyên đến mức khiến mình phải bật khóc vì uất ức thì rõ ràng, đây là lúc nàng công sở nhân vật chính nên thẳng thắn đối thoại với chính mà và nhanh chóng đưa ra quyết định. “Đi hay ở?” - câu hỏi này suy cho cùng cũng chỉ mỗi mình mình mới có thể đưa ra đáp án, phải không?