Là nơi sinh sống của gia đình hoàng tộc dưới hai triều đại nhà Minh và Thanh, có tuổi đời lên tới hơn 560 năm, Tử Cấm Thành từ lâu đã trở thành biểu tượng của nền phong kiến Trung Hoa. Công trình kiến trúc vĩ đại này có diện tích khoảng 720.000 m2 chia ra cho hơn 8600 gian phòng.
Phải trải qua đến 24 đời vua thì mới hoàn thiện xong Tử Cấm Thành, thế nên khỏi phải nói cũng biết được nơi đây đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử quan trọng và cũng là nơi lưu giữ những gì tuyệt vời nhất từ những ngày tháng vàng son của các triều đại phong kiến. Từ đằng sau cánh cổng Thiên An, biết bao quyết định mang tính lịch sử đã được truyền ra, biết bao đại lễ đã cử hành và cũng biết bao đời vua chúa đã thay nhau lên nắm quyền.
Tử Cấm Thành - biểu tượng của nền phong kiến Trung Hoa
Tường thành ở đây trải dài hơn 3000m, cao gần 10m và bao quanh là một con sông đầy cá sấu hung dữ, sâu 6m để bảo vệ an ninh cho thành do đây là nơi ở của hoàng đế và hoàng gia. Tương truyền ngoài những nhân vật có thân phận cao quý thì chỉ có cung nữ và thái giám mới được quyền sinh sống trong Tử Cấm Thành.
Nam nhân bình thường tuyệt đối không được phép có mặt ở nơi đây, chỉ trừ những người thường đưa than, chất đốt đến hoàng cung, người chuyên cung cấp hoa và quân nhân vào dọn tuyết. Còn phụ nữ thì chỉ có vú nuôi cho các hoàng tử, công chúa hoặc các bà lang tinh thông y thuật và bà đỡ thì mới được trực tiếp ra vào Tử Cấm Thành; tuy nhiên cũng phải tuân thủ theo những luật lệ cực kỳ ngặt nghèo.
Không phải ai cũng được đặt chân vào nơi đây.
Tử Cấm Thành được chia làm hai phần: tiền triều và hậu cung. Hậu cung có lẽ là khu vực mà người ta tò mò nhất. Sở dĩ như vậy là vì đây là nơi ở của hoàng hậu và các phi tần của hoàng đế, cũng là nơi đã diễn ra biết bao nhiêu câu chuyện bí ẩn mà vẫn được đồn thổi cho đến ngày này.
Ngoài hoàng hậu thì các phi tần, cứ ai đắc sủng thì sẽ được ban cho cung điện nguy nga lộng lẫy, có vị trí đẹp và gần gũi với hoàng đế. Còn đối với những phi tần phạm tội nhưng chưa đến mức khi quân hay xui xẻo thất sủng thì họ sẽ bị đẩy vào lãnh cung. Chính những lãnh cung này cũng là đề tài mà rất nhiều người muốn biết và tìm hiểu.
Sự đáng sợ của lãnh cung
Sau một quá trình nghiên cứu thì các học giả cho rằng, trên thực tế, lãnh cung không chỉ nói tới một cung điện cụ thể nào cả mà chỉ là tên gọi ám chỉ nơi dùng để giam giữ những phi tần, cung nữ phạm trọng tội. Như vậy thì lãnh cung ở nơi nào hoàn toàn là do hoàng đế chỉ định. Nếu hoàng đế đời sau có muốn chọn một cung khác làm lãnh cung thi đó cũng là điều hợp lý.
Dưới thời nhà Minh, cung Càn Tây ở phía tây của Ngự Hoa Viên được chọn làm lãnh cung để giam giữ bất cứ những ai dám phản nghịch lại ý muốn của Khách thị - nhũ mẫu của hoàng đế Minh Hy Tông. Bà này đã cấu kết với thái giám Ngụy Trung Hiền để thâu tóm hoàng quyền và ngang nhiên ra lệnh giam bất cứ ai vào lãnh cung.
Dưới thời nhà Minh, cung Càn Tây ở phía tây của Ngự Hoa Viên chính là lãnh cung
Đến cả phi tần của hoàng đế nhà Minh là Trương Dụ phi cũng bị Khách thị hãm hại. Bà ta tâu với nhà vua rằng, đứa con của Trương Dụ Phi không mang dòng máu hoàng gia, khiến nhà vua nổi giận và đày phi tần này vào cung Càn Tây. Ở đây, Khách Thị lại cố tình không cho người mang đồ ăn đầy đủ khiến Trương Dụ Phi cuối cùng chết vì đói ở lãnh cung.
Thành Phi, một phi tử khác của Hy Tông cũng không thoát khỏi kiếp nạn bị giam giữ nơi lãnh cung. Chứng kiến nỗi oan khuất của Trương Dụ Phi, Thành Phi có ý định đem chân tướng tâu lên hoàng đế. Rủi thay việc này bị Khách Thị biết được nên đã nhanh chóng ra tay tống Thành Phi vào lãnh cung phía sau Ngự Hoa Viên. Thế nhưng do Thành Phi đã sớm biết trước nên giấu sẵn đồ ăn trước khi bị giam và thoát được cảnh chết đói.
Đến thời Minh Hiến Tông có Vạn Quý Phi hoành hành, mạnh tay đàn áp cả hậu cung, hãm hại các phi tần đang mang thai của nhà vua. Kỷ Thị - một phi tần của Hiến Tông không thoát khỏi số phận nên đã bị giam giữ ở lãnh cung. Thế nhưng nhờ sự giúp đỡ của các thái giám mà bà này đã sinh hạ một hoàng tử cho nhà vua ở ngay nơi lãnh cung khắc nghiệt, gian nan!
Đã từng có một vị vua nhà Minh sinh ra và lớn lên ở nơi lãnh cung
Hoàng tử này được đặt tên là Chu Hựu Đường, cũng chính là Minh Hiếu Tông trong tương lai. Trong 6 năm đầu đời, ông sống cùng thân mẫu ở nơi lãnh cung đầy khổ ải, tuy thiếu thốn nhưng đổi lại được an toàn. Mãi sau này ông mới được các thái giám đưa vào chính cung để nhận cha.
Đến thời nhà Thanh, Trân Phi - ái phi của Quang Tự cũng bị Từ Hy Thái Hậu giam lỏng ở một gian phòng phía bắc của Các Cảnh Kỳ, rồi sau đó vị hoàng phi này đã bị ép nhảy xuống giếng mà chết.
Lãnh cung cho gái già, quả phụ
Trên thực tế, không chỉ có phi tần, cung nữ phạm tội mới bị tống vào lãnh cung mà những cung tần, thiếp thất của một vị vua đã băng hà cũng sẽ chịu chung cảnh ngộ này. Thông thường, sau khi hoàng đế cưỡi hạc về trời thì những phi thiếp còn trẻ của họ cũng không được tái giá mà bắt buộc phải ở vậy thờ chồng cho đến hết đời.
Vậy những người phụ nữ này sẽ được xếp ở đâu? Câu trả lời là họ sẽ được phân vào những cung điện dành riêng cho các quả phụ như Từ Ninh cung, Thọ An cung hay Thọ Khang cung. Một khi đã bước vào nơi đây thì họ sẽ dành phần đời còn lại của mình chỉ để đi ra đi vào, đọc sách ngâm thơ hoặc ngắm hoa thưởng nguyệt, sống một cuộc đời lặng lẽ, tẻ nhạt.
Góa phụ của những hoàng đế đời trước phải chôn vùi tuổi thanh xuân trong những cung điện lạnh lẽo.
Có lẽ cũng vì lý do này mà những thái phi, thái tần đều có chung tâm trạng u uất, chán nản, tuyệt vọng, dẫn đến nhiều chứng bệnh mà trong đó nổi bật là bệnh mất ngủ, bệnh liên quan đến gan và dạ dày.
Cung Tiêu Diêu: Lãnh cung cho đàn ông
Có một điều ít ai biết, đó là đôi khi nam giới cũng thường bị giam vào lãnh cung. Trong lịch sử các triều đại Trung Hoa, có không ít nam nhân đã chôn vùi cuộc đời ở nơi cung điện hẻo lánh, khắc nghiệt.
Thế nhưng người ta lại có một cái tên riêng dành cho lãnh cung của những nam nhân, đó là cung Tiêu Diêu. Trái khoáy thay, tiêu diêu lại mang ý nghĩa hạnh phúc.
Tiêu Diêu - cái tên mang ý hạnh phúc lại là nơi chôn vùi của những kẻ phạm tội (Ảnh minh họa)
Lúc đầu, Tiêu Diêu vốn được đặt tên cho một căn lầu. Người đầu tiên cho xây dựng Tiêu Diêu lầu đó là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Ông vốn là người có tuổi thơ cơ cực nên sau này rất ghét những kẻ lười biếng, ham chơi hơn ham làm. Phàm là những ai lông bông, mê cờ bạc hay rỗi rãi dắt chó, cầm lông chim đi dạo thì đều bị vị vua này ra lệnh tống vào Tiêu Diêu lầu, ý là biến nơi hạnh phúc thành nơi những kẻ lười biếng chịu chết đói.
Sau này khi nhà Minh dời đô về Bắc Kinh thì xây dựng cung Tiêu Diêu. Trải qua hết đời nhà Minh đến nhà Thanh, nó không chỉ là nơi giam giữ các thường dân phạm tội mà thỉnh thoảng còn là lãnh cung của thái giám, phạm nhân khác. Bất cứ ai bị đày vào cung này thì đều bị bỏ đói cho đến chết.