Có người nói, uất ức nhất chưa phải là bắt được chồng ngoại tình. Mà là biết thừa chồng đang à ơi, tán tỉnh cô ả khác, nhưng lại chẳng làm được gì. Điều đó không phải không có lí đâu nhé. Vì sao? Vì chưa bắt gian tại trận, nên anh ta lẫn cô ả kia đều kêu gào "chỉ là bạn bè". Thì đó, ai chẳng có bạn. Nói chuyện, tâm sự vài điều thì làm sao mà đã ghen? Rồi họ lồng bổ lên chỉ trích vợ cuồng ghen, bị bệnh hoang tưởng nọ kia. Ức trào nước mắt ấy chứ!
Sống trong cái cảnh, ngày ngày nhìn chồng tà lưa cô ả khác, nhưng bất lực, thậm chí 1 câu trách móc vẫn chả nói thành lời. Ai không căm phẫn tới phát rồ lên cho được? Sau đó là luôn nghi ngờ, rồi theo dõi, tra xét xem họ đang đi tới mức độ nào, có nói câu gì tình tứ với nhau không. Thà rằng họ "lên giường" với nhau luôn đi, coi như đau ngắn còn hơn đau dài. Ngày ngày hành hạ tinh thần nhau kiểu thế, ai tâm lý vững lắm mới trụ được.
Ảnh minh họa
Thúy càng nghĩ càng thấy quá đúng. Bởi chính cô cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bình thường cô ít khi cầm vào điện thoại chồng. Cho nên 1 tuần trước cô mới phát hiện chồng và em đồng nghiệp mới thường xuyên nhắn tin trò chuyện thân mật. Chỉ là họ chưa làm mấy việc động chạm thể xác thôi, chứ trên tinh thần thì chả khác gì hồi cô và chồng yêu nhau. Quan tâm, chia sẻ, động viên, an ủi… đủ cả, và ngày nào cũng thế. Trong khi đó vợ thì chả thấy thủ thỉ nói chuyện đâu, tối về cơm nước xong là ôm lấy cái điện thoại.
Thúy xác định mối quan hệ này thật chả bình thường. Không cắt dứt sớm, có ngày hậu họa khôn lường. Nhưng khi cô đề cập với chồng thì nhận được bài ca muôn thuở: đồng nghiệp bình thường, hơi thân hơn chút vì hợp tính, chứ chả có gì, em ấy cũng vô tư.
Thúy ra hạn cho chồng 1 tuần để tự suy nghĩ và giải quyết, vì cô đã bày tỏ rõ với chồng rằng cô không thích việc chồng thân thiết hơn mức bình thường với người khác giới như thế. Cô chả hơi đâu mà chạy theo theo dõi, rình mò họ, rồi tranh luận đúng sai hay cấm đoán đâu. Càng không thừa lời nói chuyện, khuyên bảo em gái kia chớ thân thiết quá với đàn ông đã có gia đình. Thời gian của cô quý báu lắm, không làm việc thì đi chơi, thừa đâu mà dành cho những việc không đâu. Họ đều trưởng thành, cô tin họ ý thức được mình đang làm gì, chỉ là họ cố tình bao biện cho bản thân bằng mớ lí do nghe có vẻ đàng hoàng mà thôi.
Hết 1 tuần, chồng Thúy vẫn đâu đóng đấy. Có lẽ anh ta nghĩ, cô đâu làm gì được mình. Thúy chả thèm nói gì, viết ngay một lá đơn ly hôn, đặt lên bàn kèm vài dòng nhắn gửi: "Tự dưng em thấy chán anh. Chúng mình ly hôn đi". Nếu anh ta cho rằng việc mình làm là đúng, thì cô chẳng đả động tới nữa luôn. Cô bỗng nhiên thấy chán chồng và muốn ly hôn đấy, không được chắc?
Ảnh minh họa
Sau đó Thúy rút tiền trong két, rồi thu dọn vali lên đường đi du lịch, chả thèm quan tâm tới đôi đồng nghiệp "trong sáng" kia nữa. Tiền đó là tiền chung của hai vợ chồng, nếu sau khi cô về mà chồng kí vào đơn, thì cô sẽ trả anh một nửa. Còn không, coi như là quà anh đền bù tổn thất tinh thần cho cô đi.
Thúy vi vu vui chơi quên trời đất hẳn 5 ngày, tắt tuốt điện thoại lẫn các phương thức liên lạc khác. Lúc cô trở về, thấy chồng phờ phạc, râu ria lởm chởm mấy ngày chưa cạo. Vừa gặp cô, anh đã rối rít xin lỗi và hứa hẹn không bao giờ khiến cô buồn nữa. Thúy mỉm cười, gật đầu chấp nhận tha thứ cho chồng, kèm một tối hậu thư: "Không có lần thứ 2".
Sau hôm đó, quả nhiên chồng Thúy "ngoan" hẳn, không dám í ới gì với em đồng nghiệp kia nữa. Đấy, người ta cứ nói "lạt mềm buộc chặt" chồng mới nể, mới níu được chồng về nọ kia. Nhưng cô thấy phương án ấy chỉ gây thêm đau khổ cho người vợ. Vừa chịu nỗi đau chồng ngoại tình, còn chả được phát tiết, phải dịu dàng, ngọt ngào kéo chồng về. Mà chồng, vì thấy vợ như thế, anh ta chả sợ mất, lại càng ngang nhiên qua lại với bồ hơn ấy chứ. Thôi thì cứ giáng một đòn mạnh, người nào còn hướng tới gia đình, họ tự biết phải quay về ngay. Kẻ nào nhân đó mà chỉ trích vợ ghê gớm, quá đáng nọ kia, vậy tiễn đi cho nhanh. Vì còn sống với kẻ như thế, sẽ là đau khổ suốt đời.