Hôn nhân vốn cần có sự công bằng giữa cho đi và nhận lại. Khi người phụ nữ toàn tâm toàn ý chăm lo vun vén cho nhà chồng thì ngược lại họ cũng mong chồng mình có thể đối xử tốt với bố mẹ vợ. Tuy nhiên anh chồng trong câu chuyện dưới đây lại có cách cư xử thiếu công bằng giữa nội ngoại đôi bên khiến vợ "tức nước vỡ bờ".
Người vợ tâm sự: "Bố mẹ em làm kinh doanh, có điều kiện kinh tế mà nhà chỉ em là con gái duy nhất nên ông bà chăm chút cho vợ chồng em lắm. Nói thật, lúc cưới chồng em chỉ có hai bàn tay trắng. Sau cưới, bố mẹ em phải mua nhà cho hai đứa không giờ này chắc chắn vẫn đi thuê trọ.
Được bố mẹ vợ tạo điều kiện cho nhiều, lão tỏ ra biết điều, nhà ngoại có việc gì là hăng hái sang làm. Thi thoảng cuối tuần còn giục vợ con về chơi với ông bà cho vui. Lão ăn ở phải phép vậy em cũng mừng.
Song cách đây hơn năm công việc làm ăn của bố mẹ em không may gặp khó khăn. Cầm cự mấy tháng không được, họ đành tuyên bố phá sản. Căn nhà lớn bố mẹ em đang ở cũng phải bán đi, 1 phần trả nợ ngân hàng, 1 phần giữ lại mua căn hộ nhỏ hơn ở tạm.
Buồn nhất là chính trong giai đoạn này chồng em lại lộ rõ hết bản chất con người thật của anh ta. Nhà vợ gặp biến cố, anh ta trở mặt thay đổi thái độ với bố mẹ vợ luôn. Trước kia nhiệt tình với bố mẹ em bao nhiêu thì sau khi ông bà phá sản, chồng em lạnh nhạt, thờ ơ với họ bấy nhiêu. Mang tiếng bố mẹ em ở gần mà chẳng mấy khi anh ấy đặt chân sang thăm.
Ức chế nhất là lúc nào chồng cũng lo em giấu tiền mang về cho bố mẹ. Càng ngày anh ta càng quản lý chặt tài chính gia đình. Lúc trước lương thưởng được bao nhiêu chồng đưa em giữ hết. Giờ thì không, mỗi tháng lão chỉ đưa em 4 triệu tiền sinh hoạt còn lại tự giữ. Tuy không nói ra miệng nhưng em thừa hiểu lòng dạ chồng nghĩ gì.
Nhất là hôm qua mẹ em sang chơi, bà kể bố em đang ốm, em liền vào tủ lấy 3 triệu đưa bà về lo thuốc men tẩm bổ cho bố. Ban đầu mẹ em không nhận, mẹ con đôi co, em nói mãi bà mới chịu cầm. Bất ngờ đúng lúc ấy chồng em về, nhìn thấy vợ đưa tiền cho mẹ, anh ấy khó chịu ra mặt. Đợi lúc sau mẹ em về, anh ta lao ra đay nghiến vợ: 'Nay tôi mà không về thì làm sao biết được sau lưng tôi cô toàn bòn rút tiền của về cho bố mẹ cô. Đúng là nuôi ong tay áo. Cô bỏ ngay cái kiểu đó đi, không đừng trách tôi'.
Thái độ của chồng khiến em vừa ức vừa tủi. Giận chồng, thương bố mẹ em nói thẳng: 'Anh nên suy nghĩ cho kỹ trước khi nói. Thứ nhất tiền em biếu bố mẹ là lương thưởng của em chứ em không bòn rút gì tiền của của anh.
Thứ 2, anh nhớ lại xem, từ ngày lấy em tới giờ, đã bao giờ anh biếu được bố mẹ vợ đồng nào chưa trong khi em ăn ở với bố mẹ chồng như thế nào. Mỗi khi bố mẹ ốm đau vào viện em luôn phục vụ, biếu tiền ông bà đầy đủ, không tiếc bất cứ thứ gì. Trong khi đây là lần đầu em biếu bố mẹ đẻ tiền, anh lại nói là anh 'nuôi ong tay áo'.
Bố mẹ em đối với con rể như thế nào chắc em không cần phải nhắc lại. Giờ họ gặp khó khăn anh liền quay lưng với họ. Anh tự vấn lại bản thân mình xem ăn ở như thế có được không? Chắc anh không quên căn nhà này cũng là của bố mẹ em mua đó, sao anh không tính toán đi'.
Thật sự em cũng không muốn căng thẳng, cậy công cậy của nhà ngoại như thế với chồng làm gì nhưng cách hành xử, thái độ của anh ta quả thật khiến em không thể chấp nhận. Bị em nói cho 1 thôi 1 hồi, lão ngồi im re không nói lại, tối còn chủ động bắt chuyện lại với vợ, rủ vợ sang chơi với ông bà ngoại mà em không đi. Sau lão tự đưa con sang. Chắc bị em nói cũng thấm ra được tí nhưng nghĩ em vẫn ấm ức, thương bố mẹ mình quá các chị ạ".
Phụ nữ lấy chồng đã chịu đủ mọi thiệt thòi nhưng vẫn luôn cố gắng tận tâm chăm sóc cho gia đình nhà chồng. Trong lòng họ chỉ mong 1 điều là được chồng quan tâm tới nhà ngoại như họ quan tâm nhà nội. Nếu cánh mày râu nào cũng hiểu thấu nỗi lòng ấy của vợ, đảm bảo rằng cả đời này các anh sẽ được vợ ở bên tận lực hi sinh quên mình vì các anh mà không bao giờ có 1 lời than trách.
Ngược lại, các anh ăn ở không công bằng giữa nội ngoại đôi bên thì cũng đừng trách 1 ngày nào đó vợ thờ ơ lạnh nhạt với mình. Bởi hôn nhân là có qua có lại, mọi hi sinh đều phải được đắp đền chứ không ai chấp nhận cả đời hi sinh 1 cách vô nghĩa cả.