Người ta thường bảo: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thế nhưng câu nói này có vẻ lại không đúng lắm với gia đình anh Thịnh, chị Hường.

Anh chị cưới nhau ngót nghét đã được hơn chục năm. Ngày ấy, hai bên gia đình đều nghèo khó, lương công chức cũng bọt bèo nên hai vợ chồng phải chen chúc trong căn phòng trọ 12 mét vuông. Hai cô con gái “trứng gà, trứng vịt” nối tiếp nhau ra đời khiến cuộc sống càng thêm khốn khó. Vậy là chị quyết định bỏ việc đi buôn, bởi ở đời “phi thương bất phú” – không lao ra ngoài mà buôn bán kiếm ăn thì có lẽ cái nghèo còn đeo đẳng mãi.

Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, lại có duyên kinh doanh nên công việc của chị Hường khá thuận lợi. Cửa hàng kinh doanh điện máy của chị rất đắt hàng, khách ra vào nườm nượp. Lặn lội ra Bắc vào Nam, có khi lên tận cửa khẩu biên giới để tìm nguồn hàng tốt, đương nhiên là chị chẳng còn thời gian mà nhòm ngó đến hai cô con gái nhỏ nữa. Mà hai đứa trẻ lại cứ nay ốm, mai đau…

Chồng chấp nhận làm hậu phương cho vợ để nhận được phần thưởng đắng nghét sau cùng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Con hay ốm chẳng dám gửi đi lớp, ông bà nội ngoại thì không thể lên trông giúp khiến hai vợ chồng “xoay như chong chóng”. Anh đã tính đến nước thuê người giúp việc. Nhưng chị bảo: “Người lạ “khác máu tanh lòng”, thuê về biết họ đối xử với con mình ra sao, lén lút bỏ đói hay ngược đãi con thế nào? Chẳng tin được đâu anh ạ!”.

Vậy là thương con, nghe lời động viên của vợ, anh Thịnh đành từ bỏ công việc lương ba cọc ba đồng vốn chẳng đủ trả lương giúp việc. Anh ở nhà chăm đứa bé, đưa đón đứa lớn đi học, để vợ yên tâm phát triển việc kinh doanh.

Chẳng mấy chốc, chị Hường đã trở thành bà chủ của một chuỗi cửa hàng điện máy lớn. Chị mua đất, xây nhà rồi sắm sửa mọi vật dụng tiện nghi. Những khó khăn vất vả ngày nào giờ lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng với chị, như thế vẫn là chưa đủ…

Chị Hường cứ lao đi kiếm tiền, để mặc anh Thịnh xoay xở với tổ ấm cùng hai cô con gái. Ngoại trừ mỗi cuối tuần, chị thuê một người đọn nhà theo giờ, còn lại mọi việc trong nhà đều do một tay anh lo liệu. Hai cô con gái chẳng còn bé nữa, anh từng tính đến chuyện trở lại với công việc. Nhưng thời buổi người khôn của khó, người trẻ bằng cấp cao còn đang thất nghiệp đầy ra đấy, chuyện tìm được công việc đúng chuyên môn với một người đã gần bốn mươi tuổi như anh thật chẳng hề dễ dàng.

Theo tháng năm, những lời động viên, yêu thương chia sẻ giữa hai vợ chồng ngày một ít đi. Trong những bữa ăn tối vội vàng, chị chỉ kịp hỏi việc học của con thế nào, có cần mua gì không… Tiền chi tiêu hàng ngày chị đã để sẵn ra đấy, anh thích gì thì mua, thiếu thì bảo vợ đưa thêm. Chẳng hiểu sao, vật chất tuy đầy đủ mà anh Thịnh lại cảm thấy thiếu đi nhiều thứ so với ngày xưa. Với người ta, khó khăn là lúc thử thách tình cảm vợ chồng, còn với gia đình anh, hình như càng giàu có, hạnh phúc hôn nhân lại càng phai nhạt…

Chồng chấp nhận làm hậu phương cho vợ để nhận được phần thưởng đắng nghét sau cùng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Người ngoài nhìn vào, ai cũng bảo anh sướng – mọi việc đã có vợ lo, chẳng phải bạc mặt lăn lộn ngoài đường để kiếm tiền. Anh chỉ cười rồi lại trầm ngâm, họ có phải là anh đâu mà biết, thân thì sướng đấy nhưng tâm khổ biết bao nhiêu. Là người đàn ông mà không phải trụ cột gia đình, của cải đều do vợ làm ra, công chuyện đều do vợ quyết định. Ngay cả với bố mẹ rồi anh em, họ hàng nhà anh, dường như chị mới là người đáng coi trọng. Chị làm ra tiền, chị rộng rãi xông xênh với cả họ nhà chồng kia mà.

Một ngày nọ, trong bữa ăn cơm, cô con gái lớn băn khoăn kể về đề văn trên lớp cô mới giao cho. Đề bài yêu cầu viết về gia đình. Cô hướng dẫn viết về bố vất vả đi làm, mẹ chủ yếu lo chuyện nội trợ, nhưng cô bé thấy không đúng với gia đình mình nên không biết viết làm sao. Nghe con nói, anh lặng người đi, còn chị chỉ thở dài…

Khi chị đưa đơn ly hôn, anh không bất ngờ. Vốn dĩ cuộc sống hôn nhân đã nhàm chán, tình cảm cũng nhạt nhẽo dần, chỉ là anh chần chừ chưa dám thoát ra, còn chị thì có sự dứt khoát.

Nhưng có một điều khiến anh vô cùng kinh ngạc. Kèm theo lá đơn ly hôn chị đang chờ anh kí là một cuốn sổ tiết kiệm mang tên anh với số tiền 1 tỉ đồng. Chị bảo trả lương anh chăm lo nhà cửa, con cái mỗi tháng 10 triệu (gấp hơn 2 lần lương anh đi làm), 8 năm là 960 triệu. 40 triệu nữa coi như là tiền thưởng cho sự cần mẫn, tận tụy của anh.

Anh Thịnh không nói gì, chỉ cười trong cay đắng. Anh hy sinh sự nghiệp riêng cho gia đình, nhưng hóa ra trong mắt chị bao lâu nay, anh chẳng khác gì một người giúp việc. Phải chăng anh đã quá sai rồi?