"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đâu phải em muốn nghỉ làm ở nhà cho chồng nuôi đâu chị, nhưng vì con cái, trước mắt em đành phải như vậy thôi." – Tôi tin lời mà Thủy Tiên nói với tôi cũng là tâm sự của rất nhiều những chị em khác đang chung hoàn cảnh ở nhà chăm con để mình chồng đi làm như Tiên.
Tiên và chồng cùng sinh năm 90, 2 người là bạn học với nhau từ bé, tốt nghiệp cấp 3, Hải – chồng Tiên – vô Nam học đại học, Tiên ở lại Hà Nội, 2 người yêu xa. Tốt nghiệp đại học, Tiên làm kế toán ở Hà Nội, Hải làm kỹ sư điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đi làm được 2 năm thì Hải cầu hôn, Tiên đồng ý. Đám cưới xong, Tiên theo Hải vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp.
Căn phòng trọ của vợ chồng Tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Con cái là của trời cho" – Cưới nhau được hơn 2 tháng thì Tiên phát hiện mình có em bé 6 tuần. Công việc Kế Toán vừa xin được ở 1 công ty chuyên sửa chữa ô tô Tiên đành từ bỏ, vì lúc phỏng vấn người ta đã giao ước sẵn là làm 2 năm Tiên mới được có em bé. Tiên phỏng vấn thêm nhiều chỗ nhưng chỗ nào cũng hỏi cùng một câu là cưới xong đã có em bé hay chưa. Không muốn vợ lo nghĩ, cũng tránh ảnh hưởng đến con, Hải bàn với Tiên cứ ở nhà trọ dưỡng thai, tiền chi tiêu sinh hoạt để Hải xử lý.
Lúc mới đầu Tiên cũng phân vân lắm, nhưng rồi nghĩ cho con, cô cũng quyết định ở nhà an dưỡng. Công ty Hải làm gần chỗ vợ chồng Tiên thuê trọ, sợ vợ buồn, trưa được nghỉ 2 tiếng Hải lại chạy về ăn trưa với vợ. Tiên sinh con cũng không về 2 nhà nội ngoại, ở lại phòng trọ, mẹ Tiên vào chăm con chăm cháu 1 tháng thì về Bắc lại, Tiên và con gái tự chiến đấu với nhau. Trộm vía con gái Tiên rất ngoan nên mẹ cũng đỡ cực phần nào.
Tiên nói: "May mắn lớn nhất của em là chồng rất tốt và con gái rất ngoan chị ạ. Anh ấy biết có mỗi em và con ở nhà với nhau, sợ em buồn nên trưa nào cũng chạy về, mưa nắng gì cũng vậy. Bình thường em tranh thủ lúc con ngủ nấu sẵn cơm đợi chồng về, nhưng hôm nào con ham chơi, bám mẹ, thì chồng em về sẽ nấu cơm thay em. Ảnh nấu ăn cũng ngon lắm á chị. Lễ, Tết nọ kia chồng em đứng bếp hết ấy, ảnh biết em chẳng thích quà lớn quà bé, chỉ thích mỗi cơm chồng nấu thôi."
Nói xong Tiên chỉ tôi xem số đồ ăn Hải tranh thủ mua sẵn để ở nhà cho cô trước lúc đi làm. Tiên bảo Hải sợ 2 mẹ con tha nhau đi bộ ra chợ nắng nôi nên sáng nào dậy sớm được đều đi chợ thay cô cả. Tiền chợ nhà Tiên một ngày chẳng bao giờ quá 100.000 đồng. Tiền đồ hôm nay Hải mua thì Tiên không biết, nhưng tiền chợ hôm qua Tiên mua thì Tiên vẫn còn nhớ như in. "Hôm qua nhà em ăn nem rán chị ơi. Sáng em mua có 25.000 đồng thịt heo, thêm 41.000 tiền mộc nhĩ, miến rong, trứng gà, cà rốt, hành tây, bánh đa nem là rán được 2 đĩa to đủ ăn cả ngày đó chị. Thêm trái bí đao 6.000 đồng nữa là được món canh. Con bé con nhà em thì qua em mua cho 1 con lươn hết 18.000 đồng, 5.000 đồng rau nữa là đủ nấu cháo cả ngày cho nó."
Chồng Tiên thường đi chợ thay vợ vì ngại cô bế con nắng nôi.
Vừa nói chuyện với tôi, Tiên vừa tranh thủ nấu ăn trưa, cô bé gái xinh xắn nhà Tiên mới chừng 14 tháng rất ngoan, ngồi chơi với tôi cho mẹ nấu ăn. "Nhà em có tốn là tốn cho cô công chúa này thôi chị ơi, chứ vợ chồng em có ăn bao nhiêu đâu. Một ngày ngoài cháo, ngoài sữa mẹ, em cho cháu dặm thêm 3 cữ sữa Mori, mỗi cữ 80ml và 1 hộp váng sữa hoặc sữa chua. Váng sữa 1 vỉ 4 hộp là 54.000 đồng, còn sữa chua thì cỡ 7.000 1 hộp chị ạ. Còn sữa Mori 1 tháng hết 1 hộp 820g là 620.000 đồng.
Bỉm thì con nhà em xài của Goon. Lúc cháu còn bé 1 tháng dùng 2 bịch giờ còn 1 bịch thôi, em mua ở cái siêu thị gần nhà là 195.000 đồng 1 bịch, em cho cháu dùng buổi tối với đi chơi là chính, chứ ở nhà em không đóng bỉm, để cháu thoáng và thoải mái. Tiền tiêm phòng của cháu thì 1 tháng khoảng 1 triệu, tụi em cho cháu tiêm dịch vụ chứ không đi tiêm chủng mở rộng.
Con gái Tiên đang ngồi chơi trong phòng.
Xăng xe 1 tháng chồng em đi làm hết khoảng 200.000 đồng. Chồng em bình thường ngoài đi làm chỉ có hoặc ở nhà hoặc đi đánh banh thôi. Mỗi tháng nhóm đá banh của chồng em lại thu của anh em 200.000 đồng để có tiền thuê sân, tiền nước sau mỗi trận đá. Nhà em lắp cáp quang 220.000 thuê bao mỗi tháng rồi, tha hồ gọi trực tuyến cho ông bà nội ngoại nên tiền điện thoại chẳng tốn mấy, 100.000 đồng cả 2 vợ chồng là nhiều lắm rồi ạ.
Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng cũng gọi là đủ đầy dinh dưỡng.
Hồi chồng em đi học đại học, bố mẹ chồng cũng chuyển vào miền Tây sinh sống, ngay vựa gạo nên gạo là ông bà nội nuôi chị ạ, cứ 1-2 tháng các cụ lại gửi lên 1 lần. Ga thì 3-4 tháng 1 bình nên 1 tháng giỏi thì gọi là 100.000 đồng tiền ga. Trái cây thì 1 tháng khoảng 250.000 đồng là đủ, em mua chủ yếu là chuối, cam, quýt, nho, con gái em hay vợ chồng em ăn đều được.
Gia vị, mắm muối, bột giặt, nước xả,... nhà em khoảng 500.000 đồng 1 tháng. Tiền phát sinh cưới hỏi thì khoảng 1.5 triệu, chỗ nào quen biết sơ sơ thì chồng em đi 1 mình, để phong bì 500.000 đồng, chỗ nào thân cả 2 vợ chồng dẫn con đi thì phải bỏ 800.000 - 1.000.000 đồng, chỗ nào xa xôi quá thì tụi em gửi khoảng 300.000 đồng 1 đám.
Một tháng em và chồng mỗi người có 500.000 đồng để mua sắm, lúc thì quần áo, lúc giày dép, lúc mỹ phẩm. Tháng nào ít đám cưới, đám tiệc thì vậy, còn tháng nào nhiều đám quá, vượt cái ngưỡng 1.5 triệu thì tháng đó tụi em nhịn, không mua sắm nữa.
Mà nãy giờ em quên nói tiền trọ nhỉ? Phòng trọ không là 2 triệu 3, rác 15.000 đồng, nước 70.000 đồng, điện 3.000 đồng 1 số, cả thảy là vào khoảng hơn kém 3 triệu 1 xíu."
Tiên chỉ ở nhà trọ dưỡng thai rồi nuôi con, tiền chi tiêu sinh hoạt đã có chồng xử lý.
Chi tiết chi tiêu nhà Thủy Tiên - anh Hải:
1. Tiền thức ăn gia đình: 100.000 * 30 = 3.000.000 đồng
2. Tiền váng sữa, sữa chua: 300.000 đồng
3. Tiền sữa bột: 620.000 đồng
4. Tiền bỉm: 195.000 đồng
5. Tiền tiêm phòng: 1.000.000 đồng
6. Tiền xăng xe của anh Hải: 200.000 đồng
7. Tiền đá banh của anh Hải: 200.000 đồng
8. Tiền cáp quang: 220.000 đồng
9. Tiền điện thoại: 100.000 đồng
10. Tiền ga: 100.000 đồng
11. Tiền trái cây: 250.000 đồng
12. Tiền gia vị, mắm muối, bột giặt, nước xả,... : 500.000 đồng
13. Tiền phát sinh cưới hỏi: 1.500.000 đồng
14. Tiền mua sắm: 1.000.000 đồng
15. Tiền nhà trọ, điện, nước, rác: 3.000.000 đồng
→ Tổng cộng: 12.185.000 đồng
Cộng hết các khoản Tiên kể thấy khoảng hơn 12 triệu 1 chút tôi hỏi Tiên: "Thế lương chồng em 1 tháng được nhiều không, chi tiêu ngần ấy có để dành được chút nào không?". Tiên bảo: "Lương chồng em 1 tháng được 15 triệu sau thuế chị ơi, tháng chi nhiêu đó thì để ra được khoảng 3 triêu, năm 12 tháng thì được 36 triệu, thêm lương tháng thứ 13 của chồng em thì thành 50 triệu. Nhưng như Tết vừa rồi, tụi em về Bắc ăn Tết một cái là hết gần 20 triệu rồi. Mà trong đó tiền vé máy bay không đã ngốn của tụi em hơn 12 triệu lận."
Tiên vừa rán nốt con cá vừa nói với tôi: "Vợ chồng em ráng cố gắng như vầy đến khi con được chừng 2 tuổi chị ạ, cứng cáp hẳn em cho đi nhà trẻ rồi xin việc làm để còn đỡ đần với chồng em. Cũng nhiều người nói em ở nhà ăn bám chồng lắm. Nhưng thôi miệng lưỡi thế gian, cứ kệ họ, mình phải biết điều gì là quan trọng nhất với mình. Với vợ chồng em bây giờ đó chính là con gái. Tiền bạc em có thể từ từ kiếm, nhưng tuổi thơ con em thì chỉ có một mà thôi. Em muốn mình có thể ở bên con gái trong những ngày tháng ấy."
Căn phòng tuy đồ đạc lổn ngổn nhưng luôn ngập tràn hạnh phúc.
Lúc tôi chuẩn bị tạm biệt Tiên ra về cũng là lúc bữa cơm của Tiên hoàn thành và Hải về đến cửa. Anh chào tôi xong bước vào nhà là ôm chầm lấy con gái và hỏi han vợ hôm nay ở nhà có buồn không. Nhìn trong mắt anh, mắt Tiên, tôi biết có thể cuộc sống của họ hiện tại chỉ vừa đủ thôi nhưng hạnh phúc của họ thì luôn ngập tràn. Thế nên thu nhập 15 triệu/1 tháng vẫn đủ để họ tiêu "xông xênh" giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Mong cho gia đình của Hải và Thủy Tiên luôn giữ được lửa yêu thương, luôn ấm áp và bình yên như thế.