Chế độ trợ cấp thai sản nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho NLĐ nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.

Ngoài ý nghĩa giúp NLĐ nữ có thu nhập trong thời gian nghỉ thai sản thì chế độ trợ cấp thai sản còn giúp thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và con - đảm bảo quyền được chăm sóc của trẻ em.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ khi tham gia BHXH bắt buộc lao động nữ mới được hưởng chế độ thai sản, còn BHXH tự nguyện chưa có chế độ này dành cho lao động nữ.

Nhưng tin vui đối với phụ nữ nói chung và lao động nữ tự do nói riêng, kể từ ngày 1/7/2025, thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực áp dụng, ngoài chế độ hưu trí và chế độ tử tuất, cá nhân đóng BHXH tự nguyện còn được hưởng trợ cấp thai sản nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Chồng đóng BHXH tự nguyện, vợ ở nhà nội trợ cũng được hưởng trợ cấp thai sản?- Ảnh 1.

Phụ nữ nói chung và lao động nữ tự do nói riêng có thể hưởng trợ cấp thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh minh hoạ.

Chồng đóng BHXH tự nguyện, vợ được hưởng trợ cấp thai sản

Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội như sau:

Loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội

...

3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

a) Trợ cấp thai sản;

b) Hưu trí;

c) Tử tuất;

d) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

4. Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

5. Bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Theo đó, 04 chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm:

(1) Trợ cấp thai sản;

(2) Hưu trí;

(3) Tử tuất;

(4) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Hiện nay, khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ quy định người 02 chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm:

(1) Hưu trí;

(2) Tử tuất.

Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm 02 chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm:

- Trợ cấp thai sản;

- Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời, tại Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:

(1) Đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Lao động nữ sinh con;

- Lao động nam có vợ sinh con.

(2) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.

(3) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản quy định tại (1) chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.

(4) Trường hợp người quy định tại (1) vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(5) Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

(6) Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Như vậy, nếu chồng đóng BHXH tự nguyện, vợ ở nhà nội trợ cũng được hưởng trợ cấp thai sản từ 1/7/2025 (khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).